Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai ru con nghe buồn lòng(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai ru con nghe buồn lòng(*)

Ngô Thị Giáng Uyên

(TBKTSG) – “Baa, baa, con cừu đen, bạn có len không?/Có, thưa ngài! Có, thưa ngài! Có đầy ba túi/Một cho ông chủ, một cho bà chủ/Một cho cậu bé sống ở cuối đường…”.

Lần đầu nghe anh bạn người Anh ru đứa cháu trai mười tháng tuổi, tôi không khỏi ngạc nhiên: “Hát ru gì vui nhộn quá vậy, vui vậy sao em bé chịu ngủ?”. Anh cũng ngạc nhiên không kém: “Vui thì liên quan gì tới việc không ngủ được. Em bé còn nhỏ phải hát ru vui chớ! Bài này còn vui hơn nè”:

“Đưa, đưa em bé, trên ngọn cây

Khi gió thổi, nôi sẽ đu đưa

Khi cành cây gãy, nôi sẽ rớt

Cả em bé và nôi cũng sẽ rớt bịch xuống đất…”

Tôi nói: “Vậy à?” rồi kết thúc câu chuyện ở đó. Nhưng rồi tôi cứ nghĩ vẩn vơ, sao mấy bài hát ru em ở Việt Nam buồn quá vậy. “Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ, năm canh chày, là năm canh chày thức đủ vừa năm. Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi em nhớ tới chàng em nhớ tới chàng. Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con, con hời mà con hỡi, con hỡi con hời hỡi con”.

Hay: “Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”.

Nếu như ở bài hát trên nỗi buồn “nhớ tới chàng” được hát lên khi con khóc không chịu ngủ, đến nỗi bà mẹ phải năn nỉ “con hời mà con hỡi” nghe buồn thê thảm, thì bài thứ hai lại đề cập đến “mẹ đi lấy chồng”. Sao mẹ phải đi lấy chồng? Ly dị ngày xưa là chuyện không tưởng, vậy chỉ còn khả năng con không có cha, hay cha chết trận trong chiến tranh? Mà mẹ đi lấy chồng không mang con theo được sao mà phải lo lắng “con ở với ai”?

Ban đầu tôi nghĩ hát buồn buồn như vậy em bé mới dễ ngủ, nhưng sau tự hỏi vậy sao không lấy giai điệu buồn, cho lời vui vào, em bé sơ sinh sao phải nghe những chuyện ngay cả người lớn nghe còn “rầu thúi ruột”? Bài hát ru phản ánh tâm trạng của người hát. Những “lời ru buồn” đất Việt có phải vì nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn nước mất nhà tan ngày xưa mà thành? Sao bây giờ không còn mất nước, lời ru vẫn cứ buồn, có khi còn buồn hơn? Nếu về những miền quê xa lắc, chạng vạng muỗi bay trong không gian, nghe bìm bịp kêu và tiếng hát ru con vẳng lại, có đang vui mấy cũng thấy lòng buồn hiu hắt. “Ầu ơ… Em tôi khát sữa bú tay. Ai cho bú thép(**) dạ này mang ơn”…

Ừ, có “vui” mấy, pháo hoa tiền tỉ rợp trời mừng tổ quốc xiết bao giàu đẹp, rồng bay phượng múa trống giục đinh tai nhức óc, dàn đồng ca múa hát, đám đông vạn triệu người chen chúc vỗ tay hò reo, tiếng ru con vẫn buồn. Có “vui” mấy, những cuộc thi hoa hậu nô nức để “ghi tên Việt Nam trên bản đồ sắc đẹp thế giới” (mặc dù “bản đồ sắc đẹp” chỉ là ý tưởng và sự nỗ lực của quanh quẩn Ấn Độ, Trung Quốc, Venezuela, Việt Nam, Philippines… những đất nước thuộc thế giới thứ ba còn nhiều khó khăn chưa giải quyết xong, lấy việc thi thố sắc đẹp phụ nữ làm tự hào dân tộc trong khi ý thức Tây Âu và Bắc Mỹ từ lâu đã xem việc thi hoa hậu trái những nguyên tắc nữ quyền, lỗi thời và chỉ tham gia cho có), thì những người chị, người mẹ, người bà Việt Nam vẫn ru em, ru con, ru cháu bằng “Thủa mẹ ru, mẹ ru con ngủ. Con ngủ trên mây, con ngủ trên mây. Tiếng khóc ban đầu, ban đầu còn đau, còn đau, còn đau…”(***)

Anh bạn người Anh sau này có thêm một đứa cháu trai nữa. Có lần đến thăm, thấy nó khóc, tôi ru một lát nó nín, giương đôi mắt xanh da trời còn đọng đầy nước mắt nhìn tôi và giơ bàn tay nhỏ xíu ra nắm ngón tay đang chìa ra bên nôi:

“Tôi có một cái cây nhỏ

Nó không có gì khác

Ngoài một hạt đậu khấu bằng bạc, và một trái lê bằng vàng

Con gái vua Tây Ban Nha tới thăm tôiChỉ vì cái cây nhỏ đó”

Nhưng về Việt Nam, khi những đứa cháu con anh chị tôi, con bạn bè tôi khóc, tôi hát dỗ: “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay…”.

Bài hát ru phản ánh tâm trạng của người hát, buồn hay vui. Bởi vậy những lời ru con tôi nghe trong những chuyến về quê sao “nghe buồn lòng”!

(*) và (***) lời bài hát của Võ Đông Điền và Trịnh Công Sơn

(**) bú thép: bú nhờ sữa của một bà mẹ khácNhững bài hát ru in nghiêng trong nguyên bản tiếng Anh có vần điệu

.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới