Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai tham tay chẳng dính chàm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai tham tay chẳng dính chàm

Nguyễn Quang Bình (*)

Ông bạn tôi vốn là tay ghiền bóng đá. Trước đây, không có trận đấu nào xổng khỏi. Xa cỡ nào trong nước, ông cũng ráng đi; bao nhiêu trận tận đẩu tận đâu từ cúp quốc gia, liên lục địa, rồi cúp thế giới, không khi nào ông bỏ qua một trận, hết trên kênh ti-vi này đến kênh ti-vi kia.

Xong cúp Euro vừa rồi, tôi hỏi: "Sao, Euro có hành ông “tợn” không?". Ông trả lời ngon ơ: "Chẳng thèm xem trận nào. Chán phèo! Lâu lâu tự mình mua báo đọc lướt qua cho biết sơ “tình trạng” giải thế nào để khỏi bị lạc hậu, thế thôi! Bóng đá thời nay ngay từ trận cấp xã cũng đã “kèo trên kèo dưới”, bị sắp xếp mua bán với nhau cả. Nên, quả bóng cũng lăn theo kiểu giả dối khó thương!".

Đúng là thời buổi kinh tế thị trường! Bóng đá đáng ra phải lăn theo cách “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”, phải lăn theo nhịp điệu “samba” sôi nổi, thì nay phải chuyển theo dòng tiền của các đại gia.

Thế là ông bạn tôi bỏ bê Euro, co chân nằm khoèo đọc báo. Ông tự an ủi rằng sân chơi là của muôn người; mình thôi, thì người khác “nữa”, chẳng có chi phải bận tâm nhau.

Sân chơi chịu sự sắp xếp, cho được đi! Sân “làm” nay cũng bị khuynh loát thông đồng đến khủng hoảng. Từ mấy bữa rày, giới tài chính ngân hàng khắp nơi trên thế giới rúng động trước vụ dàn xếp tỷ giá Libor với đầu dây mối nhợ ở ngân hàng Barclays (Vương quốc Anh) từ thời 2005 đến nay mới “bể chuyện”.

Nghe đâu lắm ngân hàng có cỡ trên thế giới đều nhúng tay để sắp xếp tỷ giá công bố hàng ngày của Libor làm sao cho ngân hàng mình được phần lợi nhất. Libor, viết tắt của London Interbank Offered Rate, nôm na là tỷ giá liên ngân hàng London, một trung tâm giao dịch tài chính-ngân hàng lớn của thế giới, được hầu hết các nước dùng như một trong những kim chỉ nam cực kỳ quan trọng cho thị trường hối đoái, lãi suất ngân hàng. Nước Anh biết rất rõ tầm quan trọng của Libor đến nền tài chính ngân hàng thế giới, nên đã dịch chuyển cái “đầu não” này cách xa trung tâm thành phố đến 150 cây số, hầu mong tránh các áp lực và ảnh hưởng của các thế lực đồng tiền.

Có được đâu! Suốt cả sáu bảy năm trời, các đại gia tài chính ngân hàng đã đưa “con gà” Libor lên bàn nhậu, gắp hết cả “phao câu đầu cánh” mà chẳng ai dám nói, không ai màng phát hiện!

Cũng phải thôi, một “phán quyết” của Libor có thể làm thay đổi sức khỏe của cả một ngân hàng, chỉ cần một “giem” (ième) xê xích lên xuống là một ngân hàng oằn vì nợ xấu tươi tắn trở lại ngay. Dại gì không xơi!

Nghe rằng từ năm 2005 xuyên suốt đến 2009, bộ phận phụ trách liên quan đến Libor của ngân hàng Barclays luôn luôn báo cáo láo để có tỷ giá liên ngân hàng có lợi nhất. Nhờ vậy, nhiều ngân hàng thay vì bị lung lay, nay trụ vững. Cái chỉ số Libor ấy nghe đâu quán xuyến đến cả lượng tiền 550.000 tỉ đô la Mỹ trên toàn thế giới, từ nợ đến các khoản tài chính giao dịch cổ phiếu, các thị trường phái sinh…

Đứng trước khủng hoảng nợ châu Âu, nhiều ngân hàng lớn của thế giới đều phải chịu “xẻ thịt” vì đã đầu tư lỡ vào những nơi nay trở thành “khó đòi”. Nên, cứ tưởng tượng, chỉ cần chỉ số Libor này thấp hơn thực tế một “giem” dễ thở biết mấy rồi.

Bấy nay, ngân hàng là thành trì của tính minh bạch. Thế mà, vì đâu nay tỷ giá, lãi suất ngân hàng… đều được thông đồng, sắp xếp. Hóa trách mấy ông chủ bóng đá dàn xếp tỷ số cũng quá đáng chăng?

Nghe đâu, ngân hàng Barclays sẵn sàng chịu phạt đến năm sáu trăm triệu đô la để sửa chữa lỗi lầm. Nhưng, chắc bịt không kịp vì còn vỡ lở nhiều chuyện nữa ở các nơi khác có dính líu đến vụ thông đồng này.

Thời sự nhất là vụ lùm xùm thua lỗ đâu gần 5 tỉ đô la Mỹ ở ngân hàng JP Morgan đang bị đưa ra ánh sáng; tiền thưởng to đùng trước đây của các sếp vì công trạng “ăn nên làm ra” của họ, nay buộc phải trả lại để đền bù phần nào thiệt hại.

Than ôi, thời minh bạch nay còn đâu!

_________________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới