Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai thiết kế thị trường nội địa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai thiết kế thị trường nội địa?

Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp ngành may cũng đang tìm cách quay về thị trường nội địa. Ảnh chụp một cửa hàng của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Quay lại thị trường nội địa khi những đồng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu ngày càng thu hẹp là bước đi thích hợp. Nhưng các doanh nghiệp sẽ chỉ giải được từng bài toán riêng lẻ, chứ không thiết kế được thị trường, khi mà mọi chính sách hỗ trợ từ trước đến cả thời kỳ kích cầu hiện tại chủ yếu là hướng đến thị trường xuất khẩu.

Cần một bản thiết kế hoàn chỉnh

Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG, khi được hỏi, nếu muốn hướng doanh nghiệp quay lại thị trường nội địa, có cần biện pháp “mồi” nào từ Nhà nước không? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính), có nói rằng khi doanh nghiệp bước ra thương trường, họ đều tự xác định được mục tiêu và lợi nhuận cụ thể.

Nếu nhìn thấy lợi nhuận, họ sẽ không chần chừ. Nhưng thực tế, rất nhiều chính sách, đề án, biện pháp trong những năm qua chủ yếu đều hướng đến kích thích thị trường xuất khẩu, do vậy các doanh nghiệp đầu tư vào hàng xuất khẩu thay vì nội địa cũng nhằm hưởng những ưu đãi và thuận lợi từ các chính sách này.

Trong khi đó, định hướng chiến lược cho thị trường nội địa hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc hô hào, mà thiếu những đề án, chính sách cụ thể. “Muốn hướng đến thị trường nội địa, Chính phủ cần tuyên bố chính thức các chính sách vĩ mô, đề án cụ thể cùng với những chỉ đạo thiết thực”, ông Ánh nói tiếp. Và ông cho rằng Nhà nước phải đóng vai trò người thiết kế thị trường.

Từ những thiết kế chính sách vĩ mô hợp lý, doanh nghiệp thấy có lợi sẽ bắt tay vào thực hiện. Lúc đó họ sẽ thực sự cần đến vốn, quan tâm đến thị trường, đến nhu cầu người tiêu dùng nội địa. Và ngược lại, nếu không có chính sách giúp gia tăng lợi nhuận, thậm chí có thể gặp bất lợi, doanh nghiệp sẽ dừng lại.

Ông cho rằng các biện pháp kích cầu, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đều hướng đến doanh nghiệp nói chung, đến nhà sản xuất (đầu vào) chứ chưa thể nói là hướng đến thị trường. “Không loại trừ việc doanh nghiệp dù được tạo lợi thế đầu vào nhưng chưa chắc đã tạo được lợi thế đầu ra. Mà đầu ra ở đây chính là thị trường”, ông băn khoăn.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, trong cuộc nói chuyện hôm 13-3 với một nhóm doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ tại Hà Nội, cũng có ý kiến tương tự. Ông Tự Anh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam rất khó quay lại thị trường nội địa trong thời gian ngắn vì quá nhiều chính sách của Nhà nước được thiết kế cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu được ưu đãi. Các sản phẩm cũng được thiết kế hướng ra thị trường nước ngoài, từ mẫu mã đến tiếp thị và nhiều thứ liên quan khác.

“Sức ép chuyển hướng qua thị trường nội địa đòi hỏi một chiến lược cụ thể, đồng bộ vì đây là kinh tế thị trường, chứ không phải đẩy cho thị trường nội địa những thứ không bán được do xuất khẩu bị thu hẹp”, ông Ánh nhận xét.

Ông Tự Anh thì cho rằng, trách nhiệm chính trong việc đến thời điểm này Việt Nam vẫn loay hoay quanh việc tìm hướng đi, chính sách cụ thể cho thị trường nội địa là do Bộ Công Thương, vì đến nay chưa có một đề án chính thức nào được phê duyệt nhằm kích cầu, hướng về thị trường nội địa.

“Kể cả khi có bản đề án như vậy ra đời, cần phải tính đến hiệu quả thực chất thay vì chỉ vẽ ra trên giấy”. Ông nhận xét không biết các bản đề án ra đời nay mai đã có khảo sát và điều tra đáng tin cậy về thị trường, có tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng một cách thấu đáo chưa.

Không thể bảo hộ thị trường thiếu hợp pháp

Rất nhiều chuyên gia kinh tế, khi được TBKTSG đề nghị tham vấn về cách thức hướng đến thị trường nội địa cho các doanh nghiệp Việt Nam, đều cho rằng cần có những chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thiết kế thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay, những chính sách tuy mang tính hỗ trợ, thậm chí trợ cấp nhưng phải sáng tạo và hợp pháp.

Ngay cả chiến lược tổng thể bảo hộ sản xuất công nghiệp đến năm 2020 mà Chính phủ phê duyệt hôm 9-12-2008 cũng nhấn mạnh quan điểm là các biện pháp này phải hợp lý, có điều kiện và có lộ trình cắt giảm phù hợp với các cam kết quốc tế, thông qua nhóm các giải pháp sử dụng công cụ thuế, phi thuế và chính sách đầu tư bài bản.

Do vậy, ngay cả trong thời điểm khó khăn không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào, thật khó có thể chấp nhận đề nghị mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, khi họ gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn nhà nước, đề nghị Nhà nước cho chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước, do không thể cạnh tranh nổi với các nhà thầu nước ngoài ngay chính trên sân nhà. Thậm chí họ còn đề nghị gạt các doanh nghiệp nước ngoài ra dưới hình thức phải làm liên danh hoặc làm thầu phụ và quyền đứng đầu liên danh phải là doanh nghiệp trong nước.

Kiến nghị này còn xuất phát từ tính toán, từ nay đến năm 2025, nhu cầu đầu tư các ngành công nghiệp như nhiệt điện, thủy điện, xi măng, hóa chất khoảng 107 tỉ đô la, là một món lợi khổng lồ và nếu đấu thầu với doanh nghiệp nước ngoài, họ chỉ qua được vòng sơ tuyển, sau khi thất bại ở vòng đàm phán thương mại, giá và kinh nghiệm. Văn bản đề nghị còn dùng bài toán giải quyết việc làm cho người lao động, giúp doanh nghiệp vượt khó nhằm tác động tới Chính phủ.

Còn nhớ, tại cuộc họp với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tháng 1-2009 bàn các biện pháp kích cầu, một đề nghị kiểu như trên đã được ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy (Lilama), đưa ra và ngay khi ông dứt lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc rằng, muốn làm gì, đề xuất gì phải hành động trên cơ sở tôn trọng các cam kết của WTO về quyền bình đẳng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, không thể bảo hộ bất hợp pháp.

Hoặc tại một cuộc họp khác mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đề ra tiêu chí đối với các gói thầu cấp bách được đề nghị chỉ định thầu, Cục trưởng Cục Đấu thầu Đặng Huy Đông nói rõ: “Mục đích cao nhất của chỉ định thầu là phải nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng chứ không phải nhanh chóng tìm ra nhà thầu”. Do vậy, gợi ý về việc dành thị trường xây lắp lớn trong nước cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cơ khí thông qua chỉ định của Nhà nước không thể coi là một lối thoát lâu bền.

Biện pháp thiết kế tổng thể thị trường của Nhà nước, theo ông Tự Anh là không hướng đến một bộ phận hay nhóm doanh nghiệp nào mà phải hướng đến ngành và cụm ngành có liên quan. Ví dụ, nếu muốn ngành dệt may hướng về nội địa, phải định hướng luôn các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.

Với các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, họ cũng cần những chính sách đúng để có cơ hội giảm giá thành, gia tăng cạnh tranh. Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nói: “Những mặt hàng điện tử thông dụng thì doanh nghiệp trong nước dư sức làm. Chúng tôi không cần các chính sách ưu tiên để hỗ trợ phát triển mà cần những chính sách đúng, hợp lý để tạo điều kiện phát triển sản xuất”.

Ông phân tích là ngay trong chính sách thuế linh kiện điện tử, mức thuế ưu đãi nhập khẩu nguyên chiếc hiện nay chỉ còn từ 0-5%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện về để sản xuất trung bình còn khoảng 6,37%. Trong điều kiện đó, dù các doanh nghiệp điện tử trong nước có lắp ráp ra sản phẩm giá cũng cao hơn sản phẩm nhập khẩu.

Ông Hùng nói thẳng, đến thời điểm này, ông không còn muốn tham dự các cuộc hội thảo về phát triển thị trường nội địa hay thúc đẩy công nghiệp phụ trợ do suốt 14 năm qua, ông đã phải dự quá nhiều. “Nhà nước hãy chọn ra một ngành, một nhóm ngành, một lĩnh vực cụ thể thúc đẩy sản xuất, kích thích thị trường rồi từ đó nhân rộng ra mới có cơ sở đánh giá được thực tế” – ông đề nghị.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới