Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai thu phí… kẹt xe?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai thu phí… kẹt xe?

Quang Chung

Ùn tắc giao thông ở khu vực công trường Lam Sơn, quận 1. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng đề nghị thí điểm thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông của chính quyền TPHCM cũng đã được Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc. Trong thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu thành phố “cần nghiên cứu kỹ về các mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội để áp dụng cho phù hợp”.

Thực ra, từ tháng 10-2009, chính quyền TPHCM đã cho phép Công ty Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu dự án đầu tư hệ thống kiểm soát và thu phí tự động với ô tô vào khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến kết quả nghiên cứu chi tiết về dự án này sẽ được Công ty Tiên Phong hoàn thành và báo cáo cho UBND thành phố trước ngày 30-4-2010. Tuy nhiên, nội dung chính của dự án này cũng đã được công bố.

Theo đề xuất của Công ty Tiên Phong, phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố sẽ được thu bằng hệ thống thu phí điện tử (ERP) dựa vào công nghệ giao tiếp sóng ngắn (DSRC 5,8 GHz). Cụ thể, Tiên Phong sẽ đầu tư “hàng rào” cột thu tín hiệu (như cột đèn giao thông) quanh khu trung tâm để phát hiện và tự động thu phí. Tất nhiên ô tô phải gắn thiết bị lưu trữ thông tin về phương tiện và thẻ thông minh đã nộp tiền để trả phí (không gắn sẽ bị phạt).

Ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty Công nghệ Tiên Phong, cho biết tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 500-700 tỉ đồng và Tiên Phong sẵn sàng đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư – kinh doanh – chuyển giao). Tiền phí thu được hàng năm nhà đầu tư không hoàn vốn tất cả cho mình mà sẽ chuyển 50-60% cho chính quyền thành phố – để đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng.

Chính quyền TPHCM tin rằng, thực hiện thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố sẽ hạn chế được nạn kẹt xe đang gia tăng (đã có bài học từ Singapore và Anh). Trong một hội thảo mới đây về vấn đề này, nhiều nhà khoa học và giới chuyên môn đều cho rằng, xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay cần phương trình tổng hợp nhiều giải pháp; mà thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố là một giải pháp cần thiết.

Những người ủng hộ việc thu phí ô tô lưu thông vào khu trung tâm cho rằng người sử dụng ô tô phải trả phí cho sự ùn tắc giao thông do mình gây ra – thu phí để điều tiết giao thông, không phải phí mua quyền sử dụng đường. Và đề xuất thu phí ô tô chứ không thu phí xe gắn máy là vì gần 4 triệu xe gắn máy của TPHCM chỉ chiếm hơn 2,5 triệu mét vuông diện tích đỗ xe, trong khi 404.000 ô tô chiếm diện tích tới hơn 4,4 triệu mét vuông. Chưa hết, ô tô chỉ chiếm từ 10-15% số phương tiện lưu thông trên các trục đường chính nhưng lại chiếm hết 55% diện tích giao thông động. Và những người sử dụng ô tô là những người có khả năng tài chính…

Thực tế TPHCM hiện có khoảng 4 triệu xe gắn máy, 404.000 ô tô… và trung bình mỗi ngày có thêm 115 ô tô và 1.149 xe gắn máy đăng ký mới. Cùng lúc, có khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 ô tô ngoại tỉnh lưu thông trong thành phố. Thế nhưng tổng chiều dài các con đường chỉ khoảng 3.768 ki lô mét, trong đó 70% là đường có bề rộng dưới 7 mét… nên năm 2009 đã xảy ra 74 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, tăng 25 vụ so với năm 2008. Vì vậy, việc thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố cũng là một giải pháp nhằm hạn chế số lượng ô tô cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.

Đó là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc thu phí kẹt xe như thế rất cần minh bạch và công bằng đối với các nhà đầu tư vào dự án này. Một khi Nhà nước không thể đứng ra thực hiện dự án mang tính chất công – thu phí kẹt xe để đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng – thì phải mở ra cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư. Chính quyền TPHCM có thể trả chi phí cho doanh nghiệp lập khảo sát, phân tích các hình thức đầu tư, các giải pháp kỹ thuật, cơ chế vận hành, chính sách cần có, phạm vi hoạt động của dự án… Nhưng để chọn nhà đầu tư và quản lý dự án thì không thể chỉ định thầu mà phải đấu thầu.

Và, chính quyền TPHCM phải đứng ra chịu trách nhiệm nếu dự án đã hoạt động – đã thu phí – mà tình trạng ùn tắc giao thông vẫn cứ xảy ra chứ không thể (khi đó) đổ lỗi cho doanh nghiệp. Tất nhiên, kẹt xe không chỉ xảy ra trong khu vực trung tâm thành phố mà ở Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh… cũng có hiện tượng ùn tắc; cho nên cần mở rộng việc thu phí đối với những tuyến đường thường hay ùn tắc giao thông, kể cả ở ngoại thành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới