Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

AirAsia đổi tên thành Capital A, gọi vốn cho các hoạt động mới

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia hôm 28-1 chính thức đổi tên thành Capital A, thông báo kế hoạch huy động hơn 1 tỉ ringgit (khoảng 238 triệu đô la) để duy trì hoạt động và mở lĩnh vực kinh doanh mới. Tập đoàn này sẽ hình thành hãng bay giá rẻ tại hai thị trường mới ở Đông Nam Á trong năm nay.

Trong hai năm Covid vừa qua, AirAsia đã lấn sang công nghệ tài chính (fintech) và gọi xe công nghệ khi mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan của Gojek và đầu tư lớn cho chuyển đổi số.

“Capital A là một hãng đầu tư với danh mục kinh doanh đa dạng. Tất cả đều mang lại giá trị tốt nhất với chi phí thấp nhất, được hỗ trợ bởi dữ liệu lớn tích lũy qua hơn thập niên qua”, CEO Tony Fernandes phát biểu tại Kuala Lumpur ngày 28-1. Ảnh: Reuters

Tập đoàn đầu tư có danh mục đa dạng

Giải thích lý do đổi tên tập đoàn từ AirAsia thành Capital A, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Tony Fernandes cho biết cái tên mới mới phản ánh phạm vi kinh doanh đa dạng của công ty. “Chúng ta đã chứng kiến Facebook và Google làm điều đó bởi cái tên mới phản ánh quá trình phát triển mà công ty đã trải qua”, ông giải thích.

Fernandes cho biết chiến lược đằng sau việc đổi tên là giới thiệu một bản sắc công ty mới, phản ánh tốt hơn các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty hiện nay và các cam kết trong tương lai. Bên cạnh là việc chuyển đổi nhanh chóng từ một hãng bay thành một tập đoàn đa ngành, đa dịch vụ với trọng tâm là quá trình chuyển đổi số xuyên suốt.

Phát biểu tại lễ chính thức đổi tên tại Kuala Lumpur hôm 28-1, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Fernandes cho biết chi nhánh vận chuyển hàng hóa Teleport gần đây đã gọi được 200 triệu ringgit, mảng kinh doanh siêu thị chuẩn bị kết thúc vòng gọi vốn 200 triệu ringgit. “Vì vậy, về tổng thể, tôi nghĩ sẽ đạt hơn 1 tỉ ringgit”, ông Fernandes phát biểu tại buổi họp báo.

Phấn đấu trở thành “hãng hàng không ASEAN”

Cho đến nay, hãng hàng không đã huy động được 2,5 tỉ ringgit, bao gồm khoản vay 500 triệu ringgit thuộc các gói cứu trợ các hãng hàng không do chính phủ bão lãnh. Tuy vậy, AirAisa cần nguồn thanh khoản lớn để duy trì bộ máy nhân sự khoảng 20.000 nhân viên, đầu tư cho công nghệ số khi các nước trong khu vực vẫn thận trọng hay ngần ngại trong việc mở lại biên giới và khôi phục du lịch.

Mảng hàng không giá rẻ của tập đoàn mới Capital A vẫn sẽ duy trì thương hiệu AirAsia. Ông Fernandes đã không đề cập tên hai nước ASEAN mà AirAsia sẽ tham gia khai thác mảng hàng không giá rẻ. Ông nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra và sẽ sớm có thông báo vào thời điểm thích hợp. Ngoài thị trường chính ở Malaysia, AirAsia còn có mặt tại Thái Lan, Philippines và Indonesia với các thương hiệu con.

Ông nói: “Chúng tôi muốn thực sự trở thành một hãng hàng không ASEAN, nơi có sự phát triển lớn mạnh”.

Khoản lỗ ròng của AirAsia tăng vọt vào năm 2020 lên 5,1 tỉ ringgit từ khoản lỗ 315,8 triệu ringgit vào năm 2019 do đại dịch làm gián đoạn hoạt động du lịch trên toàn thế giới. Doanh thu cũng giảm từ 11,9 tỉ ringgit năm 2020 xuống 3,1 tỉ ringgit vào năm trước.

Nhưng trong chín tháng đầu năm 2021, hãng hàng không đã báo cáo khoản lỗ ròng của mình thu hẹp xuống 2,2 tỉ ringgit từ 2,7 tỉ ringgit trong giai đoạn tương ứng vào năm 2020. Doanh thu giảm mạnh từ 2,97 tỉ ringgit xuống 1,02 tỉ ringgit.

Hãng hàng không hiện đang được Sở chứng khoán Kuala Lumpur (Bursa) dán nhãn PN17 dành cho các hãng đang gặp khó khăn về tài chính. Các công ty dạng này phải nộp hồ sơ lên Bursa về kế hoạch tái cấu trúc và tự phục hồi để không bị hủy niêm yết.

Fernandes cho biết Capital A hiện bị liệt vào dạng PN17 do “sự khác biệt về các tiêu chuẩn thực hành kế toán và hoàn toàn không liên quan gì đến việc thanh lý hoặc các nguyên tắc cơ bản của công ty”. Ông cũng tin tưởng rằng hãng hàng không sẽ xóa được nhãn PN17 trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu của AirAsia đã giảm 28% cho đến nay xuống còn 0,58 ringgit (14 xu) một cổ phiếu tính đến phiên giao dịch trưa 28-1.

Hãng giao vận bưu kiện AirAsia Express thành lập cuối tháng 11 năm ngoái tại Malaysia và sẽ hoạt động tại Thái Lan trong năm nay. Ảnh: Nikkei Asia

Xuống đất để cạnh tranh với Grab và Gojek

Sau khi ra mắt vào tháng 8-2021, dịch vụ gọi xe AirAsia Ride hiện đã có mặt ở tất cả các thành phố lớn ở Malaysia, với tổng số lượt booking hơn 6 chữ số mỗi tháng và thu hút 30.000 tài xế. AirAsia Ride đang xin giấy phép để có mặt tại Thái Lan trong năm nay và sau đó là Indonesia và Philippines.

Không loại trừ AirAsia Ride sẽ có mặt tại Việt Nam. Nhưng quá khứ 5 lần thất bại của AirAsia trong việc xin phép mở hãng bay giá rẻ liên doanh với các đối tác Việt Nam vẫn sẽ là “bóng ma ám ảnh” với tỉ phú Tony Fernandes.

Để thành công trong địa hạt mới, AirAsia Ride phải chứng minh là mình vượt trội so với Grab và Gojek. Và hãng bay không ngần ngại khi từ trên trời hạ cánh xuống đất để cạnh tranh với dịch vụ trên bộ của Grab và Gojek.

So với các đối thủ cạnh tranh, lợi thế của AirAsia Ride là hệ sinh thái hoàn chỉnh cũng như khả năng chia sẻ dữ liệu từ các hoạt động hàng không của hãng.

Ở mảng fintech, Capital A và các đối thủ khác sẽ có ít đột phá hay sản phẩm tài chính nào nổi bật trong năm 2022 bởi các nền kinh tế Đông Nam Á, ngay cả Singapore, vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới