Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

AirAsia vẫn theo đuổi kế hoạch lập hãng hàng không tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

AirAsia vẫn theo đuổi kế hoạch lập hãng hàng không tại Việt Nam

Ông Tony Fernandes – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Gần 2 năm kể từ khi hãng hàng không giá rẻ AirAsia ký ý định thư với tập đoàn Vinashin tại Malaysia để thành lập hãng hàng không tại Việt Nam, lãnh đạo hãng hàng không giá rẻ này cho biết họ vẫn theo đuổi mục tiêu trên.

Kế hoạch lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam của AirAsia chưa thành hiện thực vì nhiều lý do, một phần do Chính phủ chỉ đạo Vinashin – một trong những tập đoàn Nhà nước phải – tập trung vào lãnh vực chuyên ngành và cũng do Cục hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) đề nghị tạm ngưng cấp phép cho hãng hàng không mới tại Việt Nam.

Trong buổi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trên chuyến bay đầu tiên của AirAsia X từ Kuala Lumpur (Malaysia) đi Thiên Tân (Trung Quốc) vào tuần qua, Tổng giám đốc của AirAsia Tony Fernandes khẳng định hãng sẽ không từ bỏ ý định thành lập hãng hàng không liên doanh tại Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Ông có thể cho biết kế hoạch của AirAsia kết hợp với Vinashin để thành lập một hãng hàng không tại Việt Nam hiện ra sao?

– Ông Tony Fernandes: Kế hoạch chưa đi tới đâu cả, nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ ý định. Tôi rất muốn cùng với doanh nghiệp Việt Nam thành lập một hãng hàng không, vì nhu cầu đi máy bay của người tiêu dùng Việt Nam với mức giá vé hợp lý hơn. Tôi có tìm hiểu và được biết giá vé máy bay ở Việt Nam còn cao, đôi lúc vé cho một chuyến bay từ TPHCM đi Hà Nội còn cao hơn mức vé của chúng tôi bán từ Kuala Lumpur đi Trung Quốc.

Việt Nam là một đất nước trải dài và do vậy sẽ mất nhiều thời gian để di chuyển bằng đường bộ từ Nam ra Bắc. Tôi nghĩ điều quan trọng là Việt Nam cần phải phát triển thêm đường hàng không để người dân có thêm cơ hội đi lại bằng phương tiện này để tiết kiệm thời gian và chi phí. Do vậy, chúng tôi muốn tham gia thành lập một hãng hàng không tại đất nước này.

Ông dự kiến AirAsia sẽ mất bao lâu cho kế hoạch này?

– Tôi không biết chắc, nhưng chúng tôi sẽ chờ cơ hội đến khi nào mong muốn của chúng tôi trở thành hiện thực. AirAsia đã phải chờ đến 7 năm trước khi được phép khai thác đường bay đến Singapore. Khi được tham gia sâu hơn vào thị trường hàng không Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và nhất là ngành du lịch của đất nước này, cũng như mang lại nhiều dịch vụ cho khách hàng Việt Nam.

Chúng tôi đã thành lập hãng hàng không liên doanh tại Thái Lan và Indonesia, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế và du lịch tại các thị trường này. Việt Nam là một trong số những nước tại khu vực Đông Nam Á mà tôi yêu thích vì nét hấp dẫn về văn hóa, lịch sử.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng AirAsia sẽ chi phối thị trường, ảnh hưởng đến các hãng hàng không trong nước một khi được phép thành lập hãng hàng không liên doanh?

– Vậy điều gì là quan trọng hơn? Người tiêu dùng, sự phát triển của thị trường hay chỉ là sự phát triển của một hãng hàng không? Chúng tôi không bao giờ đặt mục tiêu “tiêu diệt” một hãng hàng không nào cả. Tôi cho rằng cạnh tranh là rất tốt vì chính cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng và buộc các hãng hàng không phải có giá vé phù hợp và nâng cao chất lượng dịch vụ.

AirAsia và các hãng hàng không thành viên đang khai thác các chuyến bay đến Hà Nội và TPHCM. Ông có thể cho biết điểm đến sắp tới của AirAsia tại thị trường này?

– Chúng tôi muốn bay đến Đà Nẵng bởi thành phố miền Trung này có nhiều tiềm năng về du lịch vì có nhiều các khu nghỉ dưỡng và gần di sản UNSECO là Hội An.

Vậy AirAsia đang chuẩn bị gì cho việc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam?

– Chúng tôi đã và đang tuyển nhiều người Việt Nam làm việc cho chúng tôi. Chúng tôi đang có kế hoạch đào tạo phi hành đoàn và các phi công trẻ người Việt Nam để khai thác tốt hơn thị trường này. Với dân số hơn 86 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn và tiềm năng du lịch cũng rất lớn nếu xét đến nét hấp dẫn của các thành phố, điểm đến của Việt Nam như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường chưa phát triển đối với các đường bay quốc tế.

Có thể ngưng cấp phép hãng hàng không mới đến 2011

Ông Võ Huy Cường, Trưởng Ban vận tải Hàng không của Cục Hàng không, cho biết cơ quan này đã đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải ngưng cấp phép thành lập hãng hàng không mới tại Việt Nam từ nay đến năm 2011, sau khi đã cấp phép cho 3 hãng hàng không tư nhân là VietJetAir, Indochina Airlines và Mekong Air.

Các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 49% của một hãng hàng không trong nước nhưng Việt Nam không khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài đầu tư vào hãng hàng không trong nước.

MỘNG BÌNH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới