Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấm tình người cùng vượt qua đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấm tình người cùng vượt qua đại dịch

Nguyễn Minh Hòa

(TBKTSG) – Sau 21 ngày bị cách ly, một người dân của Sơn Lôi đã nói: “Vấn đề cốt lõi không nằm ở tiền bạc, mà là tình nghĩa lúc khốn khó. Cứ bình tĩnh, dịch rồi sẽ qua thôi”.

Mùa dịch, đừng để 'tin vịt' dẫn dắt

Thừa hung dữ, thiếu văn minh trên mạng?

Ấm tình người cùng vượt qua đại dịch
Phát khẩu trang miễn phí – một nghĩa cử đẹp trong cơn đại dịch. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà các con rồng châu Á trỗi dậy, thì các giá trị xã hội của vùng đất được người phương Tây gọi là phương Đông được toàn thế giới chú ý nhiều hơn, và nhiều giá trị xã hội châu Á được người châu Âu, Bắc Mỹ đem ra so sánh giữa các bảng giá trị đạo đức và xã hội với nhau.

Các giá trị xã hội đó là sự gắn kết các thành viên trong gia đình; tôn trọng người già; đề cao giáo dục, hòa hợp với thiên nhiên và đặc biệt là giá trị liên kết cộng đồng khu vực dân cư như làng xã, thôn bản, phường ấp…

Ở Đông Nam Á, giá trị cộng đồng được hình thành từ nông nghiệp lúa nước. Chẳng ai có thể canh tác lúa nước một mình, việc đưa nước từ sông vào từng thửa ruộng, làm cỏ, trừ sâu, thu hoạch là chuyện chung, nếu một nhà không trừ sâu thì nguy cơ cả làng mất mùa.

Do vậy mà những câu ca dao, danh ngôn nhắc nhở truyền đời như “bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”; “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cái giá trị cộng đồng ấy như một truyền thống được duy trì, nuôi dưỡng, trao chuyền từ đời này qua đời khác trở thành một mạch ngầm không bao giờ cạn. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thì vai trò của cộng đồng phát huy rất mạnh mẽ.

Những ngày đại dịch Covid-19 này, người ta đã chứng kiến rất nhiều điều có ý nghĩa mà cộng đồng mang lại. Trong khó khăn, giá trị cộng đồng được thể hiện ra ở việc chia sẻ cảm xúc xã hội, truyền tải thông tin, hỗ trợ vật chất, và đoàn kết thống nhất ý chí cùng nhìn về một hướng.

Trong lịch sử, chưa khi nào có chuyện một xã với hơn 10.000 dân hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong 21 ngày. Xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã thực hiện cách ly thành công trong tình trạng bình an, yên ổn và hòa bình. Thành công này có công lao rất lớn của cộng đồng dòng họ, làng xã. Họ đã cùng nắm tay nhau đi qua những ngày khốn khó.

Trong lúc đang “rối như canh hẹ” thì những tin tức thất thiệt gây hoang mang dư luận, thậm chí đẩy không ít cá nhân vào những tình huống éo le.

Sau hơn 100 ngày chống dịch, nhiều đơn vị hành chính cấp phường, xã, và chung cư ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM đã và đang bị khu biệt với xã hội bên ngoài.

Các thành viên trong nội cộng đồng và ngoại cộng đồng không chỉ chia sẻ với nhau khẩu trang, nước sát khuẩn, gói mì tôm, chục trứng gà mà còn luôn động viên tinh thần cho nhau, thông báo cho nhau hàng ngày hàng giờ về diễn biến dịch bệnh, về các thông báo mới của Chính phủ và các phương pháp cách thức phòng dịch.

Ngoài cộng đồng cư trú theo địa bàn hành chính ra thì còn có những cộng đồng quy ước, những cộng đồng này trong những ngày qua cũng có những đóng góp tích cực cho việc chống dịch, trong đó phải kể đến cộng đồng nghệ sĩ.

Danh sách những nghệ sĩ bỏ tiền riêng của mình ra và bằng uy tín của mình gây quỹ cho việc chống dịch ngày một dài ra, tiên phong là ca sĩ Hà Anh Tuấn, Thủy Tiên, Hồ Ngọc Hà, Chi Pu, Tùng Dương, Phạm Thùy Dung, Tóc Tiên… Nhiều tỉ đồng được quyên góp để mua các phòng cách ly áp lực âm, trang phục bảo hộ, khẩu trang, nước sát trùng, găng tay, thực phẩm…

Vũ Hán, được coi là nơi xuất hiện đầu tiên của dịch Covid-19 và cũng là trung tâm dịch lớn nhất thế giới cho đến thời điểm này. Họ đã trụ được và dần khôi phục, cho dù thiệt hại cực kỳ nặng nề về nhân mạng và của cải vật chất.

Nếu không nhờ có các cộng đồng dân cư và sáng kiến của họ thì chưa chắc dịch đã được khống chế như bây giờ, bởi ngay từ đầu chính quyền địa phương đã mắc một sai lầm khủng khiếp là không minh bạch thông tin. Chính quyền đã giấu nhẹm thông tin, trấn áp các nhà khoa học không cho công bố loại virus nguy hiểm này.

Nếu chính quyền địa phương lắng nghe ý kiến của bác sĩ Lý Văn Lượng về con virus nguy hiểm này từ tháng 12-2019, thì chắc không có một trận đại dịch mang tính toàn cầu hiện nay.

Sau 100 ngày đại dịch, tâm điểm của dịch đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu. Số ca nhiễm và tử vong cao ở Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh và cả Mỹ, và nhất là tốc độ lây nhiễm rất nhanh, thậm chí nhanh hơn cả Trung Quốc. Nếu tính số ca nhiễm và tử vong trên đầu dân thì rõ ràng Ý và Tây Ban Nha cao hơn Trung Quốc nhiều lần.

Điều này khiến cho nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại dẫn đến tình trạng này. Tôi đã từng sống ở châu Âu nên phần nào hiểu. Xưa nay dân châu Âu rất tự hào hệ thống y tế hiện đại và an sinh xã hội của họ có thể đối phó được mọi tình huống và luôn có suy nghĩ rằng dịch bệnh rất khó xuất hiện ở xứ họ vì ở đây quá văn minh, môi trường sạch sẽ, thực phẩm chất lượng cao, nếu có thì chỉ ở các nước nghèo nàn, lạc hậu, có trình độ y tế thấp kém, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh sẽ bùng phát ở các khu ổ chuột, các khu cư trú dọc kênh rạch.

Họ chủ quan và coi thường đến mức ai mà mang khẩu trang là bị kỳ thị, cho nên khi dịch lan tới là cả khối Schengen rơi vào tình thế bị động, chống đỡ không kịp. Hơn nữa người châu Âu có quan niệm dứt khoát rằng họ là người dân có trách nhiệm đóng đủ thuế, nên việc lo dịch vụ, trong đó có việc chống dịch là trách nhiệm của chính phủ.

Hầu như ở các nước châu Âu không có chuyện toàn dân chống dịch như ở ta, không có chuyện các cộng đồng đứng ra cùng chính phủ huy động tối đa tất cả mọi nguồn lực cho một mục tiêu là dập dịch.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, trong những ngày qua hoạt động của cộng đồng liên quan đến vụ dịch Covid-19 này cũng có những lỗ hổng chết người. Trước tiên phải kể đến một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng làm rối tình hình vì tung tin giả, tin thất thiệt lên không gian mạng. Trong lúc đang “rối như canh hẹ” thì những tin tức thất thiệt gây hoang mang dư luận, thậm chí đẩy không ít cá nhân vào những tình huống éo le.

Sau nữa là một số nhỏ trong các cộng đồng dân cư có hành vi không đúng chuẩn mực, thậm chí quá khích. Nhiều người đồng lõa với hành vi gian dối, khai báo không trung thực, trốn tránh cách ly khiến cho việc lây nhiễm diễn ra nhanh trên quy mô rộng như hai nhân vật – bệnh nhân số 17 và 34.

Nhiều người hùa vào tẩy chay người dân trong khu vực cách ly, người dân xã Sơn Lôi có những lúc ca thán, buồn phiền vì thái độ của những người xã khác tỏ ra không muốn tiếp xúc, bán hàng cho người dân Sơn Lôi.

Cứ mỗi khi gặp sự cố, tinh thần cộng đồng lại được khơi lên mạnh mẽ. Sau 21 ngày bị cách ly, một người dân của Sơn Lôi đã nói: “Vấn đề cốt lõi không nằm ở tiền bạc, mà là tình nghĩa lúc khốn khó. Cứ bình tĩnh, dịch rồi sẽ qua thôi”. Giản dị, nhưng đúng tinh thần “đồng bào” của dân tộc ta.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới