(KTSG Online) – Vừa qua Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM đã tổ chức buổi trao đổi trực tuyến “INDIA@75: xây dựng thủ phủ của công nghệ thông tin tại Ấn Độ” với sự tham dự của hơn 500 cán bộ, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đến từ Ấn Độ và Việt Nam cùng các giảng viên, sinh viên đến từ hơn 20 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam.
- Ấn Độ sẽ xuất khẩu trở lại vaccine Covid-19 trong năm 2022
- Dịch vụ làm đẹp tại nhà lên ngôi trong mùa dịch tại Ấn Độ

Buổi hội thảo trao đổi trực tuyến là một sự kiện của chuỗi các chuyên đề trực tuyến trong các lĩnh vực văn hóa – xã hội, chính trị và kinh tế nhằm thúc đẩy tương tác, kết nối và phát triển tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam. Tổng lãnh sự quán Ấn Độ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi tọa đàm trực tuyến về nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM cho biết: “Trong tương lai, TPHCM sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại và CNTT của khu vực. Vì vậy với nhiều hoạt động trong các lĩnh vực sẽ thúc đẩy sự hợp tác, nâng cao tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau sâu sắc giữa Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tạo ra cơ hội đào tạo, phát triển cho các thế hệ trẻ Việt Nam”.
Ông Pravin Gupta, nhà sáng lập và CEO của Công ty CredenTek Software & Consultancy chia sẻ với người tham dự một bản kế hoạch kinh doanh thực tế dành cho tất cả các doanh nhân dự định khởi nghiệp trong tương lai. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Fintech và tư vấn cho các công ty khởi nghiệp CNTT, ông đã trình bày chi tiết về việc xây dựng một kế hoạch khởi nghiệp thành công.
Ông MuralidharJoishy, Giám đốc Điều hành, Inspirage Ấn Độ cho biết về hành trình chuyển đổi giáo dục của Ấn Độ, đưa Ấn Độ từ một thuộc địa nghèo nàn của Anh thành một cường quốc công nghệ toàn cầu ngày nay. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đổi mới có thể thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp để chuyển trọng tâm của giáo dục từ một đất nước lao động gia công trở thành một đất nước sản sinh ra các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm.
Tiến sĩ Lê Văn Vinh, Trưởng khoa CNTT Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực để thay đổi từ một quốc gia gia công thành một quốc gia quan tâm đến việc nâng cao tính tự chủ về công nghệ cũng như đào tạo bồi dưỡng thêm các thế hệ doanh nhân tương lai thông qua nhiều chủ trương của Nhà nước.
Giám đốc công ty ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (QTSCi) Ông Vũ Anh Tuấn đã chia sẻ tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp, cơ hội trong tương lai và xu hướng hiện tại tại Việt Nam. Ông cũng giới thiệu vai trò của vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung với sứ mệnh hỗ trợ và cung cấp cho các doanh nhân CNTT và phần mềm trong giai đoạn đầu.
“Sillicon Valley của Ấn Độ”, “Thủ phủ Công nghệ của Ấn Độ” là hai trong số những biệt danh được dành tặng cho thành phố Bangalore của Ấn Độ. Là thủ phủ của bang Karnataka ở Nam Ấn Độ, thành phố 12 triệu người này đã là thủ phủ công nghệ của Ấn Độ trong hơn ba thập kỷ. Với nhiều phòng R&D lab hàng đầu (bao gồm Amazon, IBM, Microsoft, Tesco, Nokia và Siemens), các trường đại học danh tiếng và nhiều công ty có sự hỗ trợ của Chính phủ, thành phố đã khẳng định được vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới của Ấn Độ. Không chỉ vậy, Bangalore còn là trung tâm cho sự hiện đại hóa và tinh thần khởi nghiệp, với hệ sinh thái khởi nghiệp nổi tiếng thế giới, nơi đã tạo ra 18 công ty kỳ lân và hơn 60 công ty tiệm cận kỳ lân (soonicorns).