Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ: môi trường hay phát triển?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấn Độ: môi trường hay phát triển?

Trần Phi

Bộ trưởng Bộ môi trường Ấn Độ Jairam Ramesh đã đình chỉ nhiều dự án hàng tỉ đô la Mỹ để bảo vệ môi trường.

(TBKTSG) – Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ấn Độ Jairam Ramesh phải đưa ra một quyết định được coi như định hướng phát triển tương lai của nước này: chấp thuận hay phản đối dự án nhà máy thép trị giá 12 tỉ đô la Mỹ của hãng Posco, Hàn Quốc – dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nước này.

Mười bảy tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, ông Ramesh đã không ngần ngại đình chỉ nhiều dự án đầu tư lớn, chẳng hạn rút giấy phép khai thác mỏ bauxite và chế biến nhôm của tập đoàn Vedanta Resources có trụ sở tại Anh cho dù Vedanta đã đầu tư một nhà máy chế biến nhôm 5,4 tỉ đô la Mỹ gần khu mỏ bauxite, bác bỏ 8 dự án khai thác mỏ than ở miền Trung Ấn Độ, từ chối cấp giấy phép xây đập nước trên một con sông ở miền Bắc để tăng lượng nước dẫn về thủ đô New Delhi, hay xem xét lại dự án xây dựng đô thị rộng 12.000 mẫu Anh ở ngoại ô Mumbai… Lý do dẫn tới những quyết định của ông Ramesh là những dự án này gây tổn hại môi trường, làm mất rừng hay vi phạm quyền lợi của cư dân bản địa; dự án đập nước chẳng hạn, nếu được thực hiện sẽ làm khoảng 170.000 cây cổ thụ bị chìm dưới nước.

Nhưng trường hợp dự án thép của Posco lại là một bài toán khó. Dự án đã được chuẩn bị nhiều năm, đã từng được Bộ Môi trường thông qua và được Văn phòng Chính phủ Ấn phê chuẩn. Hồi tháng 8-2010, ông Ramesh gây sốc cho giới chính trị và công nghiệp nước này khi công khai đình chỉ dự án để điều tra các cáo buộc rằng quyền lợi của người dân sống trong khu vực bị vi phạm. Một số cư dân địa phương đã phản đối việc bán đất cho Posco và có lúc dựng chướng ngại vật để cản trở xe cộ đi lại và ông Ramesh yêu cầu công ty Hàn Quốc phải dừng việc lấy đất để ông xem xét quyền lợi của cư dân cũng như các quy định về môi trường. Hai ủy ban do ông bổ nhiệm để điều tra thực tế đã đưa ra kết luận rằng Posco vi phạm luật môi trường và không được các cư dân địa phương đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án – một yêu cầu quy định rõ trong luật. Một vài hôm nữa, ông Ramesh sẽ phải quyết định xem có nên chấm dứt một dự án đầu tư quan trọng như vậy hay không.

* * *

Ấn Độ hiện đang ra sức mời gọi đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng; việc bác bỏ dự án của Posco sẽ gửi một tín hiệu rất xấu tới cộng đồng các nhà đầu tư này. Theo giới phân tích, Ấn Độ cần nhiều dự án lớn để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao – khoảng 8,5% năm nay – nếu không, đất nước 1,2 tỉ dân này sẽ rất vất vả xoay xở để đưa hàng trăm triệu người gắn bó với nghề nông sang tham gia hoạt động công nghiệp như Trung Quốc đã làm trong hai thập kỷ qua.

Ông Shashi Ruia, Giám đốc điều hành Essar Group – một tập đoàn sở hữu một trong các mỏ than bị ông Ramesh ra lệnh đóng cửa, trong một phát biểu gần đây đã lưu ý đến chuyện Ấn Độ đang tụt hậu rất xa so với Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Năm ngoái, Trung Quốc sản xuất 567 triệu tấn thép, nhiều gấp mười lần mức 56 triệu tấn của Ấn Độ, theo số liệu của Hiệp hội thép Thế giới. Để rút ngắn khoảng cách này, ông Ruia cho rằng “Chính phủ không nên can thiệp đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp”. Bộ trưởng ngành thép của nước này, ông Virbhadra Singh, tỏ ra tức giận với ông Ramesh về chuyện ngăn cản các dự án, công khai thúc giục ông này phải “thực tế, đừng giáo điều”. Theo bộ này, các dự án trị giá hơn 80 tỉ đô la Mỹ đã bị đình hoãn vì các vấn đề giấy phép môi trường và sử dụng đất.

Những người phê phán ông Ramesh còn nói rằng, ông không thân thiện với doanh nghiệp, đã ngăn cản nhiều dự án đầu tư hạ tầng cơ sở quan trọng, thiết yếu cho đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.

* * *

Ông Ramesh – 56 tuổi, tốt nghiệp đại học IIT danh tiếng của Ấn Độ, có bằng tiến sĩ về quản trị công tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), từng là cố vấn của chính phủ về năng lượng, nghị sĩ trong Thượng viện, Thứ trưởng Bộ Năng lượng trước khi làm Bộ trưởng Bộ Môi trường vào năm ngoái – là một người có ảnh hưởng lớn tới tiến trình công nghiệp hóa Ấn Độ; hầu như dự án lớn nào cũng phải qua sự xem xét của ông.

Để biện minh cho các quyết định của mình, ông Ramesh nói rằng trong một thời gian quá dài giới quản lý môi trường đã ngầm đồng tình với những mong muốn của ngành công nghiệp. Ông nhìn nhận công việc của mình là phải khôi phục và bảo đảm môi trường tự nhiên vốn nhạy cảm của Ấn Độ, cũng như môi trường sống của người dân, không phải trả một mức giá quá cao cho sự phát triển công nghiệp. “Nếu bộ trưởng Bộ Môi trường không thi hành những đạo luật mà quốc hội đã ban hành thì ông ta sẽ làm gì?”, ông Ramesh nói trong cuộc phỏng vấn của báo Wall Street Journal tháng trước.

Những người phê phán ông cũng phải thừa nhận rằng, về mặt kỹ thuật, ông Ramesh đã đúng khi phát hiện hết dự án này đến dự án khác vi phạm luật môi trường của Ấn Độ, nhưng họ khẳng định những quyết định cứng rắn của ông đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Ấn Độ, ít ra là trong ngắn hạn. Những người ủng hộ thì ca ngợi thái độ kiên quyết của ông Ramesh như là sự bảo vệ quyền lợi quốc gia, xã hội và môi trường.

Về dự án Posco mà ông phải đưa ra quyết định trong một hai ngày tới, ông Ramesh nói rằng ông coi đây là quyết định gây nhiều tranh cãi nhất của mình và nó đã khiến ông có nhiều đêm mất ngủ.

Ông cho biết, các nhà hoạt động xã hội, các chính trị gia đã gửi cho ông nhiều bằng chứng cho thấy tập đoàn Posco đã không nhận được sự đồng tình của cư dân trong vùng dự án, và như thế là phạm luật, nghĩa là quyết định đã khá rõ ràng. Nhưng ông buộc mình phải cân nhắc tầm quan trọng của dự án đối với tương lai của Ấn Độ. “Tôi phải ý thức về mệnh lệnh tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu của chính sách đối ngoại”, ông Ramesh nói.

* * *

Cho dù ông quyết định thế nào, thái độ của ông Bộ trưởng Ramesh cũng phản ánh nhu cầu bức xúc phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường. Và sự lựa chọn giữa phát triển kinh tế hay môi trường, trong trường hợp này, phản ánh định hướng phát triển kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới và cũng là bài học cần nghiên cứu cho các nền kinh tế đang phát triển khác.

(Theo Wall Street Journal)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới