Ấn Độ muốn sản xuất thuốc giá rẻ
![]() |
Natco là trường hợp đầu tiên ở Ấn Độ xin được cấp giấy phép bắt buộc để sản xuất thuốc không bản quyền -Ảnh: AFP |
(TBKTSG Online) – Xí nghiệp dược phẩm Natco của Ấn Độ vừa yêu cầu được cấp phép sản xuất các phiên bản thuốc trị ung thư giá rẻ và xuất khẩu sang các nước nghèo.
Xí nghiệp Natco đã trình đơn lên Cơ quan Cấp bằng sáng chế, đề nghị được cấp một “giấy phép bắt buộc” (compulsory licence) để xí nghiệp này đấu thầu sản xuất thuốc điều trị ung thư Sutent của hãng Pfizer và Tarceva của hãng Roche.
Ông M. Adinarayana, Thư ký của Natco Pharmaceuticals, nói rằng: “Đây là trường hợp đầu tiên ở Ấn Độ. Một giấy phép hành nghề sẽ cho phép các công ty như chúng tôi được sản xuất và xuất khẩu thuốc giá rẻ sang những nước kém phát triển nhất”.
Hệ thống cấp bằng sáng chế toàn cầu chỉ cho phép các quốc gia sản xuất phiên bản rẻ hơn của thương hiệu thuốc có bản quyền trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn trong trường hợp cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng.
Quy định về giấy phép bắt buộc được đưa ra từ năm 2005 nhưng chưa có giấy phép nào được cấp ở Ấn Độ. Canada đã cho phép sản xuất thuốc trị bệnh AIDS để xuất khẩu sang Rwanda vào tháng 10-2007. Thái Lan cũng cấp giấy phép bắt buộc trong nước vào cuối năm ngoái.
Các nhà hoạt động ở Ấn Độ phàn nàn rằng giá thuốc có bản quyền quá cao và cần có sự hỗ trợ để các loại thuốc cùng loại nhưng rẻ hơn có thể đến tay các nước nghèo. Tuy nhiên, các tập đoàn dược phẩm cho rằng việc bảo vệ bằng đặc quyền chế tạo là hết sức quan trọng trong việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển các chủng loại thuốc mới.
Sau khi Roche được cấp bằng sáng chế năm 2007, Natco đã phải ngừng bán thuốc Tarceva. Có nguồn tin cho rằng Natco đã đề nghị trả 5% tiền bản quyền cho Roche đối với số thuốc Tarceva hãng này đã xuất khẩu sang Nepal.
Hãng Cipla, có trụ sở tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, cũng bắt đầu sản xuất phiên bản Tarceva từ vài tháng nay và Roche đã có đơn kiện, yêu cầu hãng này phải ngừng bán loại thuốc thuộc bản quyền của Roche.
Ở Ấn Độ, một viên thuốc Tarceva điều trị ung thư phổi có giá 4.800 rupee (tương đương 120 đô la Mỹ) nhưng giá một viên thuốc do Cipla sản xuất chỉ bằng 1/3 mức giá trên (khoảng 40 đô la Mỹ/viên).
MỸ HẠNH (Theo AFP)