Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ: Nhà nước yếu, doanh nghiệp mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấn Độ: Nhà nước yếu, doanh nghiệp mạnh

Nhất Chi Mai

Dân số trẻ là một lợi thế của Ấn Độ

Cứ nhắc đến kinh tế Ấn Độ thì người ta hay so sánh với Trung Quốc, như một cuộc long hổ tranh hùng giữa hai nền kinh tế đông dân nhất và phát triển nhanh nhất hành tinh.

Người Trung Quốc đi trước và đang có những bước tiến vượt bậc, còn Ấn Độ tự tin sẽ bắt kịp người hàng xóm khổng lồ của mình. Giới bình luận nhận định, nếu phải chọn làm ăn giữa Trung Quốc và Ấn Độ thì đa số các nhà đầu tư nước ngoài đều chọn Trung Quốc vì thị trường lớn hơn, chính quyền ưu đãi hơn; nhưng nếu kinh tế thế giới phát triển theo hướng tri thức, sáng tạo, thì lợi thế của Ấn Độ là rất đáng kể.

Sức mạnh của nhân dân

Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Games) cuối cùng cũng đã khai mạc hôm 3-10 tại thủ đô New Delhi, bất chấp nguy cơ đổ vỡ do những sự yếu kém về cơ sở vật chất và an ninh của nước chủ nhà. Nhiều người tin rằng, một sự kiện thể thao lớn có thể phản ánh sức khỏe của kinh tế quốc gia đó. Người Ấn dường như bộc lộ tất cả những yếu kém qua một đại hội thể thao có cơ sở vật chất tồi tệ, quản lý yếu kém, an ninh không bảo đảm – trái ngược với một Thế vận hội Bắc Kinh mà người Trung Quốc tổ chức hai năm trước đó.

Thế nhưng, kinh tế Ấn lại đang phát triển mạnh mẽ, và năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng 8,5%. Ấn Độ còn phải đi một chặng đường dài mới đuổi kịp sự phồn thịnh của Trung Quốc, vì kinh tế Trung Quốc lớn hơn Ấn Độ gấp 4 lần, nhưng tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ được dự đoán sẽ bằng và vượt qua Trung Quốc vào năm 2013, nếu không muốn nói là sớm hơn nữa.

Một số nhà kinh tế cho rằng trong vòng 25 năm tới Ấn Độ sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác. Một đất nước có 1,2 tỉ dân mà giữ được tốc độ như vậy thì đó quả là thú vị.

Có hai lý do lý giải vì sao Ấn Độ sẽ nhanh chóng bắt kịp và vượt qua Trung Quốc. Thứ nhất là về lực lượng lao động. Trong vài năm tới lao động của Trung Quốc sẽ bắt đầu già cỗi, và rồi sẽ giảm xuống do hệ quả của chính sách “mỗi gia đình một người con”.

Ở Ấn Độ hồi thập niên 1970, Thủ tướng Indira Gandhi cũng đã thử một chính sách như vậy, nhưng khi bà ban hành tình trạng khẩn cấp và đưa ra chương trình triệt sản bắt buộc, thì những cuộc phản đối lập tức bùng lên, những chính sách cưỡng bức dân số bị bãi bỏ.

Giờ đây, Ấn Độ đang tận hưởng một thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ và đang phát triển. Tỷ lệ thành phần phụ thuộc – gồm người già và trẻ nhỏ – so với lực lượng lao động thuộc hàng thấp nhất trên thế giới và sẽ giữ ở mức này trong một thế hệ nữa. Kinh tế Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ lực lượng lao động vàng – động lực của nhiều phép lạ kinh tế châu Á.

Lý do thứ hai chính là một nền dân chủ kiểu Ấn vẫn thường bị cười chê. Trong những năm gần đây, ý niệm “dân chủ làm chậm tiến trình phát triển ở các nước nghèo” trở nên phổ biến. Dĩ nhiên là điều này có những bất lợi: chính quyền dân cử phải phục tùng yêu cầu của các nhóm lợi ích, và ngay cả những quyết định cấp bách nhất cũng gặp phải những tranh cãi bất tận và bị trì hoãn.

Trung Quốc không gặp phải vấn đề này. Khi các nhà kỹ trị Trung Quốc quyết định xây đập, làm đường hay dời làng, thì con đập sẽ mọc lên, đường phố sẽ xuất hiện và làng mạc biến mất. Người dân bị mất nhà cửa có thể có thể đòi được đền bù nhưng không được phép cản trở con đường phát triển.

Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các quyết định quyết đoán nhưng cân bằng nhu cầu của mọi công dân trong dài hạn. Chính điều này đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Đừng ngạc nhiên khi các chính quyền toàn trị khắp nơi đã coi Trung Quốc như lý do tốt nhất để họ chưa chấp nhận thực thi dân chủ.

Hẳn rằng một chính phủ trung ương mạnh thì sẽ giúp Ấn Độ tổ chức một đại hội thể thao Commonwealth ít lộn xộn hơn, nhưng ở đời còn nhiều thứ quan trọng hơn thể thao. Nhà nước Ấn Độ có thể yếu kém, nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại rất mạnh.

Hàng triệu doanh nhân nước này đang thỏa sức kinh doanh theo ý mình. Kể từ đầu thập niên 1990, khi nước này gỡ bỏ sự phân biệt đẳng cấp (“licence raj”) và mở cửa giao thương nước ngoài, các doanh nghiệp Ấn đã bùng nổ thực sự. Ấn Độ hiện nay tự hào có hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ phát đạt và một số lượng đáng kể các doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế.

Con đường gập ghềnh

Doanh nghiệp Ấn ít phụ thuộc vào sự bảo trợ của nhà nước hơn các doanh nghiệp Trung Quốc, và vì thế họ sáng tạo hơn. Ấn Độ là nơi tiên phong sản xuất ra loại xe hơi giá 2.000 đô la Mỹ, máy tính 35 đô la, các ca mổ tim chi phí cực thấp và một số phương pháp mới lạ trong việc quản trị nhằm tương tác nhiều hơn với khách hàng.

Các ý tưởng dễ luân chuyển khắp nước Ấn, vì nước này không có cái văn hóa kín đáo và chính sách kiểm soát như ở Trung Quốc. Điều đó, cộng với nạn sao chép bản quyền nhan nhản ở Trung Quốc, là lý do tại sao giới công nghiệp tri thức như phần mềm chẳng hạn lại ưa thích Ấn Độ nhưng lại tránh xa Trung Quốc.

Chủ nghĩa tư bản kiểu Ấn cũng có vẻ hùng mạnh hơn chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc phát triển mạnh nếu chính phủ khôn ngoan, còn những nhà cai trị kém có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc nghiêm trọng hơn là ở Ấn Độ vì quyền lực của họ lớn hơn.

Đó là vấn đề của tương lai. Còn hiện nay, vấn đề của Ấn Độ thật dễ thấy. Đường sá tồi tệ. Giao thông công cộng thật đáng thất vọng. Nhiều doanh nghiệp năng động phải phí phạm thời gian ngoài đường vì kẹt xe, phải xoay xở chi phí để tự xây dựng cơ sở hạ tầng như mua máy phát điện dự phòng, xây nhà máy xử lý chất thải và phương tiện đưa đón nhân viên đi làm việc. Lực lượng lao động trẻ trung của Ấn Độ sẽ chẳng thể phát huy tác dụng nếu những thanh niên mới tham gia thị trường lao động bị thất nghiệp. Tỷ lệ học vấn của người dân Ấn đang tăng lên, một phần nhờ sự bùng nổ hệ thống trường tư giá rẻ cho người nghèo, nhưng cũng còn tụt hậu khá xa so với Trung Quốc.

Người Ấn biết họ phải trả giá cho những vấn đề của mình. Chính phủ Ấn Độ đã nhận thấy nhu cầu giải quyết khủng hoảng cơ sở hạ tầng, và đang cố thuyết phục các công ty tư nhân tăng thêm vốn đầu tư. Nhưng tiến trình này vẫn chậm chạp và bị nạn tham nhũng chi phối. Để xử lý những vấn đề này là không dễ, nhưng nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Trung Quốc đã làm tốt hơn người Ấn trong việc kiềm chế tham nhũng, với các biện pháp quyết liệt, kể cả xử bắn.

Bất chấp mọi xáo trộn và lộn xộn, các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn đang bùng nổ, và điều này sẽ thay đổi thế giới. Các công ty Ấn Độ xuất khẩu rất nhiều dịch vụ, nhưng vẫn chú trọng chủ yếu vào yêu cầu của khách hàng nội địa. Người tiêu dùng Ấn yêu cầu hàng hóa giá rẻ hơn là hợp mốt. Giới lạc quan nhận định rằng rồi đây Ấn Độ sẽ là một Trung Quốc khác, nhưng thân thiện hơn và dân chủ hơn.

(Theo The Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới