Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ sẽ ra mắt đồng tiền số của ngân hàng trung ương

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ ra mắt phiên bản kỹ thuật số của đồng nội tệ rupee trong năm tài chính 2022-2023, được tính bắt đầu từ tháng 4 tới.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ hôm 1-2, Bộ trưởng Tài chính, Nirmala Sitharaman đề xuất giới thiệu đồng rupee kỹ thuật số trong năm tài chính 2022-2023. Ảnh: Yo Yo TV

Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ đánh thuế đến 30% đối với các nguồn thu nhập từ giao dịch tiền mã hóa và các tài sản số khác chẳng hạn như các token không thể thay thế (NTF -Non fungible token).

Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính, Nirmala Sitharaman nêu ra trong bài phát biểu trình bày dự thảo ngân sách liên bang hàng năm trước Quốc hội Ấn Độ hôm 1-2.

Bà nói: “Việc giới thiệu đồng tiền số của ngân hàng trung ương sẽ tạo ra một lực đẩy lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số. Nó cũng sẽ giúp tạo ra một hệ thống quản lý tiền tệ hiệu quả hơn và chi phí rẻ hơn”, bà Nirmala Sitharaman nói và đề xuất giới thiệu đồng rupee kỹ thuật số được phát triển dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ khác trong năm tài chính sắp tới.

Blockchain là công nghệ giúp tạo ra bitcoin, đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất hiện nay, nhưng định nghĩa về nó đã được mở rộng và các ứng dụng của nó cũng đã vượt ra khỏi biên giới tiền mã hóa.

Ấn Độ sẽ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới giới thiệu cái gọi là “tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương” (CBDC) nếu nước này xúc tiến kế hoạch nói trên.

Trung Quốc đã phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014. Trong hai năm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tổ chức xổ số, tặng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho người dân một số thành phố để họ thử nghiệm chi tiêu. Gần đây, PBoC tìm cách mở rộng sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số nhưng chưa ra mắt nó trên toàn quốc và không có mốc thời gian cho kế hoạch đó.

Nhật Bản đang xem xét phát hành CBDC của riêng nước này và hồi tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố một nghiên cứu đánh giá tính lợi hại của đồng đô la kỹ thuật số, nhưng không xác nhận chắc chắn sẽ phát hành nó.

Trong khi đề xuất phát triển đồng rupee kỹ thuật số, Ấn Độ lại tìm cách siết chặt hoạt động giao dịch các đồng tiền mã hóa như bitcoin.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính, Nirmala Sitharaman đề xuất áp thuế đến 30% đối với các nguồn thu nhập từ giao dịch tiền mã hóa và các tài sản số khác bao gồm NFT. Bà nhấn mạnh các khoản thua lỗ từ giao dịch tiền mã hóa của một nhà đầu tư sẽ không được khấu trừ vào các khoản thu nhập khác của người đó để giúp giảm thuế. Bên cạnh đó, tài sản số cho tặng cũng bị đánh thuế ở phía người nhận.

Theo bà Sitharaman, “hoạt động giao dịch tài sản kỹ số đang gia tăng mạnh ở Ấn Độ. Mức độ và tần suất của các giao dịch này khiến việc đưa ra một chế độ thuế cụ thể là điều cấp thiết”.

Ước tính, có khoảng 15-20 triệu nhà đầu tư tiền mã hóa ở Ấn Độ với tổng tài sản tiền mã hóa đang nắm giữ khoảng 400 tỉ rupee (5,37 tỉ đô la Mỹ).

Tiền mã hóa đã bị các cơ quan quản lý Ấn Độ giám sát kỹ lưỡng kể từ lần đầu tiên thâm nhập thị trường trong nước gần một thập niên trước. Nhưng sự gia tăng của các giao dịch gian lận dẫn đến lệnh cấm của RBI vào năm 2018.

Hai năm sau đó, tòa án tối cao Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm này và thị trường tiền mã hóa ở đất nước đông dân thứ hai thế giới đã tăng trưởng mạnh kể từ đó, với mức tăng hàng năm lên đến 641%, tính đến tháng 6–2021, chỉ đứng sau Việt Nam, theo một báo cáo công bố hồi tháng 10 của nền tảng dữ liệu blockchain Chainalysis.

Các sàn giao dịch tiền mã hóa hy vọng việc đề xuất khung thuế trên báo hiệu sự chấp nhận của các cơ quan quản lý đối với các loại tiền mã hóa, giúp trấn an giới đầu tư.

Trước đó, RBI đã lên tiếng “quan ngại nghiêm trọng” về tiền mã hóa tư nhân với lý do rằng chúng có thể gây ra bất ổn tài chính và bị lợi dụng để làm công cụ rửa tiền, tài trợ khủng bố. Do đó, một số ngân hàng ở Ấn Độ đã cắt đứt quan hệ với một số sàn giao dịch tiền mã hóa ở nước này. Cuối tháng 11 năm ngoái, có thông tin chính phủ Ấn Độ sẽ giới thiệu một dự luật cấm giao dịch hầu hết các đồng tiền mã hóa tư nhân, dẫn đến làn sóng bán tháo trên các sàn giao dịch ở nước này.

Nischal Shetty, Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Ấn Độ, WazirX, nói: “Chúng tôi hy vọng thông tin mới trên sẽ giúp loại bỏ mọi sự mơ hồ đối với các ngân hàng và họ có thể cung cấp dịch vụ tài chính cho ngành công nghiệp tiền mã hóa”.

Avinash Shekhar, Giám đốc điều hành ZebPay, một sàn giao dịch tiền mã hóa khác ở Ấn Độ, nhận xét: “Mức thuế 30% đối với thu nhập từ tài sản số tuy cao nhưng là một bước đi tích cực vì nó hợp pháp hóa tiền mã hóa và mở ra một tâm lý lạc quan về triển vọng tiền mã hóa và NFT được chấp nhận nhiều hơn nữa”.

Theo CNBC, Reuters, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới