Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ trong nỗ lực thoát Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấn Độ trong nỗ lực thoát Trung

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Cuộc xung đột tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến quan hệ giữa hai quốc gia trở nên nóng hơn trong những ngày qua. Căng thẳng đã có dấu hiệu lan sang lĩnh vực kinh tế khi New Delhi đang có những động thái nhằm hạn chế ảnh hưởng từ Bắc Kinh.

Hàng hóa Trung Quốc bị kêu gọi tẩy chay ở Ấn Độ

Hôm 18-6, các cư dân sinh sống tại một căn hộ ở Surat, một thành phố cảng ở phía Tây Ấn Độ, đã ném bỏ chiếc ti vi “Made in China” của mình từ trên tầng cao xuống. Sau khi bị rơi vỡ, chiếc ti vi xấu số tiếp tục bị đám đông phía dưới đập phá cho tới khi nát vụn hoàn toàn.

Trên các mạng xã hội, nhiều cư dân Ấn Độ đã ủng hộ động thái này đồng thời kêu gọi nhiều người hơn nữa tẩy chay các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Một số người còn nói rằng điều này sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Không chỉ người dân, cả Liên đoàn thương nhân toàn Ấn Độ cũng đang tham gia kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Hôm 17-6, liên đoàn này thậm chí công bố danh sách tẩy chay với hơn 500 sản phẩm phổ biến của Trung Quốc. Kỹ sư Sonam Wangchuk, một trong những người đi đầu chiến dịch tẩy chay này, nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải sử dụng các biện pháp kinh tế. Ấn Độ đã tốn quá nhiều tiền cho Trung Quốc. Chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy đó”.

Chính phủ Ấn Độ cũng ngay lập tức đưa ra những động thái kinh tế cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Nước này đã lên kế hoạch triển khai các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu với khoảng 300 mặt hàng Trung Quốc.

Bộ Viễn thông Ấn Độ đã lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cấm mọi hợp đồng ký kết với Trung Quốc trong tương lai cũng như mọi hoạt động nâng cấp thiết bị có liên quan tới đối tác Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia bỏ thầu trong các dự án tương lai, trong đó bao gồm cả kế hoạch nâng cấp dịch vụ 4G tại Ấn Độ.

Thậm chí, ngay cả trước khi vụ xung đột biên giới mới đây xảy ra, New Delhi cũng đã có những bước đi mạnh mẽ, nhằm hạn chế các ảnh hưởng kinh tế từ Bắc Kinh. Tháng 4-2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh thắt chặt đầu tư nước ngoài. Trước đó, tháng 11-2019, Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một khối thương mại kết nối Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác trong châu Á.

Thậm chí, khi kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng khó khăn do chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19, Ấn Độ đã cố gắng chớp thời cơ để vươn mình trở thành “công xưởng mới của thế giới”. New Delhi đã liên tục đẩy mạnh các chiến dịch vận động, đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút các công ty đa quốc gia dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc tới nước này.

Trước vụ đụng độ ở biên giới, hai quốc gia châu Á có mối quan hệ kinh tế – thương mại chặt chẽ trong nhiều năm.

Theo Bloomberg, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020, trong khi hơn 14% hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Quốc. Các mặt hàng Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc rất đa dạng, từ điện thoại thông minh, đồ gia dụng, phân bón, phụ tùng ô tô, sắt thép cho tới dược phẩm, hóa chất.

Trung Quốc còn trực tiếp đầu tư vào các ngành luyện kim, năng lượng tái tạo, thiết bị điện, ô tô và hóa chất của Ấn Độ. Invest India xác định có khoảng 800 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường Ấn Độ. Đó là chưa kể đến những khoản đầu tư khổng lồ vào “Thung lũng Sillicon châu Á” thông qua các văn phòng ở Singapore và Hồng Kông. Trong năm 2019, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt 4,14 tỉ đô la.

Ngoài ra, hàng loạt nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 3-2020, có đến 18 trong số 30 startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ đô la) của Ấn Độ là do Trung Quốc đầu tư.

Giới chuyên gia dự báo những căng thẳng với Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc tại nước này phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động đầu tư và thương mại vào Ấn Độ hiện vẫn tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế 14 ngàn tỉ đô la của Trung Quốc. Do đó, ảnh hưởng tiêu cực mà nước này phải gánh chịu là không nhiều.

“Ấn Độ, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, vẫn chưa quá quan trọng về mặt kinh tế đối với Trung Quốc. Do đó, từ phía Bắc Kinh, đây chủ yếu là vấn đề về địa chính trị và quan hệ lâu dài”, chuyên gia cao cấp về kinh tế Ấn Độ tại Capital Economics Shilan Shah nhận định.

Tương tự, các biện pháp tẩy chay hàng hóa dường như cũng sẽ không đem lại quá nhiều tác dụng, bởi Ấn Độ hiện chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy của Trung Quốc. Trong khi đó, những động thái đáp trả tương tự từ phía người tiêu dùng Trung Quốc có thể gây thiệt hại lớn cho Ấn Độ, bởi Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước này.

Một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghiệp Visvesvaraya cho thấy Ấn Độ đang có cơ hội thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc thông qua khoảng 20 sản phẩm, có tiềm năng xuất khẩu lên tới 82 tỉ đô la. Cơ hội này có thể biến mất nếu căng thẳng giữa hai nước và làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc không sớm được kiềm chế.

Ông Aneesh Srivastava, Giám đốc đầu tư của Star Health and Allied Insurance, nhận định: “Một loạt các công ty nhập khẩu linh kiện hoặc nhận vốn từ Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng tìm được nguồn cung thay thế nếu căng thẳng leo thang, trong khi một số công ty thương mại điện tử có thể phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh của mình”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các hãng sản xuất điện thoại thông minh, cũng đang vận hành nhiều nhà máy và tạo ra một lượng lớn việc làm tại Ấn Độ. Các cơ sở này đóng một vai trò quan trọng đối với chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) mà chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng. Việc hoạt động tại các nhà máy bị ảnh hưởng do căng thẳng gia tăng, được dự báo sẽ gây thiệt hại nặng cho kinh tế Ấn Độ và làm gia tăng số lao động thất nghiệp.

Theo Bloomberg, The Guardian, India Today, Livemint, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới