Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

An ninh lương thực không phải chỉ là số lượng lúa gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

An ninh lương thực không phải chỉ là số lượng lúa gạo

Nguyễn Hữu Thiện

(TBKTSG) – Ngày 18-3-2020, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết 10 năm thực hiện đề án An ninh lương thực quốc gia đến 2020”, Thủ tướng Chính phủ đã đặt một câu hỏi: Từ một nước thiếu ăn trong quá khứ, nhưng vì sao nay chúng ta đã xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới mà an ninh lương thực chỉ xếp thứ 57 trong 113 quốc gia?

Thủ tướng vẫn yêu cầu tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo

Việt Nam có nguy cơ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt

An ninh lương thực không phải chỉ là số lượng lúa gạo
Việt Nam không được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng an ninh lương thực, thậm chí vẫn còn những nơi người dân bị "đứt bữa". Ảnh: N.K

Sản xuất nhiều chưa hẳn đã có an ninh lương thực

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, ông bà ta đã rất thông thái khi dùng từ “Đất nước” để chỉ quốc gia, hàm ý đất và nước chính là cái nền tảng. Có đất, có nước thì mới có lương thực, thực phẩm. Đất và nước cũng cần phải khỏe khoắn, dưỡng sức thì mới đồng hành cùng dân tộc dài lâu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2009-2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn/năm, bình quân lượng gạo trên đầu người tăng từ 497 ki lô gam lên trên 525 ki lô gam/năm. Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,14 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ đô la Mỹ, đến được 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn. GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, 2,61%/năm.

Nhìn các số liệu này thấy có vẻ lâu nay chúng ta quan niệm an ninh lương thực là số lượng lúa gạo, sản lượng ngày càng tăng, xuất khẩu ngày càng tăng theo kiểu năm sau cao hơn năm trước thì chúng ta càng có an ninh lương thực.

Cách nhìn an ninh lương thực này khá phiến diện. Bởi vì, thứ nhất, cần hiểu an ninh lương thực bao hàm cả thực phẩm thì mới đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe. Thứ hai, an ninh lương thực cần bền vững dài lâu, giống như chiếc xe chạy có bền đường dài hay không, hay chỉ bốc tốc độ hết ga được một đoạn rồi kiệt sức.

Trong bảng xếp hạng an ninh lương thực, Singapore đứng số 1 thế giới. Vì sao một quốc gia rất ít đất nông nghiệp lại đứng đầu trong khi Việt Nam lại có thứ hạng không cao, thậm chí vẫn còn những nơi người dân bị “đứt bữa”? Lấy tổng lương thực quốc gia chia cho đầu người thì không thiếu, vậy chuyện “đứt bữa” là do cái gì khác. Rõ ràng có điều gì đó cần xem lại về chiến lược an ninh lương thực.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc (FAO), an ninh lương thực, tạm dịch từ tiếng Anh là “Có lương thực/thực phẩm khi người ta, bất cứ lúc nào, có thể tiếp cận được về mặt vật lý và kinh tế, đủ về lượng, an toàn, và dinh dưỡng, để đáp ứng nhu cầu ăn uống phù hợp nhằm có cuộc sống tích cực và lành mạnh”.

Cụ thể, an ninh lương thực có bốn khía cạnh gồm: có lương thực hay không, ví dụ có đủ số lượng cho tất cả mọi người không; có tiếp cận được hay không, ví dụ quá đắt đỏ thì cũng không tiếp cận được đối với người thu nhập thấp; có sử dụng được hay không, ví dụ thực phẩm đó có an toàn không, có nước sạch để nấu thực phẩm không; và có ổn định không, hay lúc có lúc không.

Như vậy, an ninh lương thực không hẳn phải do tự mình sản xuất ra mà có thể tiếp cận được bằng kinh tế. Để đề phòng trường hợp khủng hoảng, đột xuất thì cần có nguồn trữ dự phòng. Nguồn dự phòng nếu do tự mình sản xuất ra được thì an tâm hơn, nhưng cũng không hẳn phải do tự mình sản xuất ra mà có thể đi mua về trữ dự phòng.

Ví dụ, so sánh một gia đình sống ở thành thị có thu nhập cao và một gia đình nông dân có thu nhập thấp ở nông thôn thì, ngoại trừ các tình huống khủng hoảng bất ngờ, người thành thị có thu nhập cao lại tiếp cận với lương thực/thực phẩm dồi dào hơn dù không tự làm ra sản phẩm nông nghiệp. Điều này cũng giải thích tại sao dù chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng trong nước vẫn có địa phương bị đứt bữa. Đó là vì người thu nhập quá thấp thì không tiếp cận được lương thực.

Chiến lược an ninh lương thực của chúng ta lâu nay dựa chủ yếu vào tự cung, tập trung rất hẹp vào gạo. Trong sản xuất lúa gạo, ta lại dựa chủ yếu vào chiến lược “đầu vào cao – sản lượng cao” để tối đa hóa sản lượng. Nhờ đó, sản lượng lúa của ta cao gấp nhiều lần so với các nước ASEAN nhưng lượng phân, thuốc sử dụng cũng cao hơn, dẫn đến số liệu sản lượng thì rất đẹp nhưng lợi nhuận không cao, để lại những hệ lụy về môi trường và sức khỏe.

Với mức sử dụng phân bón 297 ki lô gam/héc ta, Việt Nam có mức sử dụng phân bón cao nhất so với khu vực ASEAN – có mức trung bình 156 ki lô gam/héc ta đất lúa. Điều này cũng giải thích tại sao năng suất lúa Việt Nam cao ở mức 5,6 tấn/héc ta vào năm 2016, gấp đôi Thái Lan chỉ 2,92 tấn/héc ta và 1,5 lần so với Ấn Độ.

Đã đến lúc phải nghĩ ngược lại

An ninh lương thực cần có tính bền vững, lâu dài cho nhiều thế hệ. An ninh lương thực không phải chỉ là làm ra cho thật nhiều sản lượng ngày hôm nay, mà phải đảm bảo rằng đất, nước có thể cho lương thực, thực phẩm dài lâu.
Một trong những điều quyết định tính bền vững này là sức khỏe của đất đai, sông ngòi.

Thị trường trong nước bây giờ cũng đòi hỏi chất lượng lương thực, thực phẩm cao hơn, chứ không chỉ là thị trường xuất khẩu.

Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ ngược lại chứ không phải cứ sản lượng năm sau cao hơn năm trước và xuất khẩu nhiều hơn về số lượng là chúng ta càng vững về an ninh lương thực.

Chúng ta cần tiết chế lượng sản xuất, chuyển từ tối đa hóa sang tối ưu hóa, để dưỡng cho đất đai và con người chứ không nên vắt cho bằng kiệt hôm nay thì mai sau đất và nước không còn sức để đảm bảo an ninh lương thực nữa. Chiến lược sản lượng năm sau cao hơn năm trước sẽ không có gì đảm bảo tính chắc chắn của an ninh lương thực.

Ngoài ra, thông thường khi nghĩ tới an ninh lương thực, ta hay nghĩ tới việc phải có kho trữ lương thực để phòng khi có sự cố. Việc trữ ở kho là đúng và cần thiết để ứng phó tình huống khủng hoảng, đột xuất. Nhưng hạn chế của phương pháp này là không trữ được lâu và không phải càng trữ nhiều trong kho thì càng đảm bảo an ninh lương thực. Nơi trữ lương thực được dài hạn và an toàn hơn chính là trữ trong sức sản xuất của đất và nước.

Ở Việt Nam thì đồng bằng sông Cửu Long có sức sản xuất lương thực lớn nhất, cứ mỗi vụ chừng hơn ba tháng là tạo ra khoảng 7-8 triệu tấn lúa. Nếu tiếp tục mô hình tăng trưởng sản lượng lúa gạo thì dần dần đất sẽ mất sức và an ninh lương thực không còn được đảm bảo.

Để nhấn mạnh khía cạnh lâu bền của an ninh lương thực, thì nền nông nghiệp cần được chuyển hóa về bản chất, chứ không phải chỉ tái cơ cấu bề nổi, loay hoay thay cây nọ sang cây kia.

Cụ thể, để chuyển hóa nền nông nghiệp, người viết đề xuất những điểm chính như sau:

Thứ nhất, giảm thâm canh nông nghiệp chạy theo số lượng, để dưỡng sức đất đai, đảm bảo sức sản xuất lâu bền cho đất cũng chính là để đảm bảo tính bền lâu của an ninh lương thực.

Thứ hai, nhắm tới chuyển hướng chiến lược dần dần, không theo đuổi xuất khẩu nông sản thô giá rẻ chỉ dựa vào sức mạnh số lượng. Càng xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp thì tinh túy đất đai càng nhanh cạn kiệt.

Thứ ba, không nên giữ cứng tổng diện tích lúa. Thay vào đó nên uyển chuyển hơn, chỉ giữ diện tích nông nghiệp và trên diện tích nông nghiệp đó không cứ phải chỉ sản xuất lúa gạo, miễn là sản xuất lương thực.

Thị trường sẽ biết tự cân bằng cơ cấu các loại cây lương thực trên đất nông nghiệp, không cần phải có biện pháp hành chính quy định cứng rằng phải trồng bao nhiêu rau, bao nhiêu gạo.

Như vậy, Chính phủ nên có hẳn một chương trình dài hạn nhắm đến tái định hướng, chuyển hóa nền nông nghiệp. Nhà nước nên đóng vai trò kiến tạo, tăng cường hợp tác nông nghiệp với các quốc gia tiên tiến, tăng cường huy động vốn, năng lực của khu vực tư nhân để đầu tư mạnh vào chế biến, hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, tổ chức, liên kết, vốn, chế biến sản phẩm, tiếp thị tìm kiếm thị trường. Thị trường trong nước bây giờ cũng đòi hỏi chất lượng lương thực, thực phẩm cao hơn, chứ không chỉ là thị trường xuất khẩu.

Sự chuyển hướng nền nông nghiệp nên theo tinh thần tôn trọng quy luật tự nhiên của Nghị quyết 120 của Chính phủ. Cụ thể, nên hạn chế những can thiệp đi ngược quy luật tự nhiên vì những gì hợp quy luật tự nhiên sẽ vững chãi hơn.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới