Thứ Năm, 21/09/2023, 16:15
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


An sinh xã hội nhìn dưới góc độ quyền xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

An sinh xã hội nhìn dưới góc độ quyền xã hội

Trần Hữu Quang

(TBKTSG) – Kể từ vài năm nay, chúng ta thấy cụm từ “bảo đảm an sinh xã hội” xuất hiện khá thường xuyên trong các diễn văn cũng như các văn bản chính thức. Nhưng cần hiểu thế nào là an sinh xã hội? Có phải đây là những chính sách chăm lo cho toàn bộ xã hội?

Khái niệm an sinh xã hội

Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) định nghĩa đây là “hệ thống các chính sách can thiệp của Nhà nước (bảo hiểm xã hội/trợ giúp xã hội) và tư nhân (các chế độ không theo luật định hoặc của tư nhân) nhằm giảm mức độ nghèo đói và tổn thương, nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân và xã hội trước những rủi ro hay nguy cơ giảm hoặc mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội”. Và sau đó còn nói rõ rằng hệ thống an sinh xã hội Việt Nam gồm ba nhóm chính sách chính: “(i) chính sách thị trường lao động chủ động; (ii) bảo hiểm xã hội; và (iii) trợ giúp xã hội”.  

Như vậy, có thể thấy rằng khái niệm an sinh xã hội được hiểu một cách chính thức ở Việt Nam hiện nay theo nghĩa hẹp, vì chỉ nhằm “giảm mức độ nghèo đói và tổn thương”. Theo thiển ý chúng tôi, đúng ra cần phải hiểu khái niệm này theo nghĩa rộng, như nhà xã hội học Tô Duy Hợp từng viết: “Một hệ thống an sinh không chỉ bao gồm sự bảo trợ cho bộ phận đặc biệt khó khăn hoặc gặp rủi ro bất khả kháng(…), mà còn bao gồm cả sự bảo vệ toàn xã hội”. 

Theo hướng này, chúng tôi cho rằng cần định nghĩa an sinh xã hội như sau: đây là hệ thống các định chế, các chính sách và các hoạt động nhằm bảo đảm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, với mục tiêu là làm sao cho mọi người dân có được một cuộc sống đàng hoàng, tử tế, xứng đáng với phẩm giá con người. Hệ thống này cần được hiểu là bao gồm nhiều lĩnh vực thiết yếu như: nhà ở, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, các chính sách trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội. 

Nếu chỉ chú trọng tới nội hàm an sinh xã hội theo nghĩa hẹp và gạt ra ngoài những lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế và nhà ở thì e rằng tầm nhìn về chính sách xã hội đã rơi vào quan điểm mang tính chất xóa đói giảm nghèo và từ thiện, chứ không phải là chăm lo cho toàn dân, tức chưa xác lập được một quan điểm toàn diện và đầy đủ về mặt chính sách xã hội mà một nhà nước văn minh luôn luôn phải coi là nhiệm vụ chính của mình.

Khái niệm quyền xã hội

Một trong những thành tựu lớn lao nhất về mặt xã hội của thế giới trong thế kỷ 20 là xác lập các quyền xã hội (social rights) như là một trong những loại quyền căn bản của con người.

Vào năm 1949, nhà xã hội học người Anh Thomas Marshall là người đầu tiên gắn khái niệm an sinh xã hội với khái niệm quyền công dân, và cho rằng quyền được hưởng an sinh (hay nói gọn là quyền xã hội) là nhóm quyền thứ ba mà các thành viên của xã hội đã giành được trong thế kỷ 20, sau nhóm các quyền dân sự (đã giành được trong thế kỷ 18) và nhóm các quyền chính trị (giành được trong thế kỷ 19). Marshall nhấn mạnh rằng việc được hưởng các khoản an sinh xã hội hay phúc lợi xã hội cần được quan niệm như một loại quyền mang tính pháp lý và tính phổ quát. 

Như vậy, quyền có nhà ở, quyền được học hành, quyền được chăm sóc sức khỏe là những quyền cơ bản của con người, hay nói rộng ra là quyền của mỗi người được hưởng một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.

Vài vấn đề trong hiện thực an sinh xã hội

Trong đời sống của người dân hiện nay, bên cạnh vấn đề nhà ở vốn là lĩnh vực mà người dân hầu như phải hoàn toàn dựa vào sự bươn chải của mình chứ không có định chế nào hỗ trợ, thì y tế và giáo dục là hai lĩnh vực mà người dân còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa nói đến những hiện tượng như quá tải bệnh viện, ngay chuyện chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe cũng là một vấn nạn lớn mà người dân phải đương đầu lâu nay(1). Theo lời của Bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày 23-9 vừa qua, mức chi từ tiền túi người dân cho y tế ở Việt Nam tuy đã có giảm trong những năm qua nhưng vẫn còn ở mức 47% (Tuổi trẻ, ngày 24-9-2012). Số liệu năm 2010 cho thấy Việt Nam là nước mà người dân có tỷ lệ chi trả cho y tế cao nhất trong các nước Đông Nam Á, cao hơn cả Singapore lẫn Campuchia (xem biểu đồ).

Trong lĩnh vực giáo dục, theo kết quả tính toán của chúng tôi, phần chi của người dân cho việc học hành của con cái vào năm 2006 trên cả nước chiếm 41% trong tổng chi phí xã hội cho giáo dục, còn phần chi của ngân sách nhà nước chiếm 59%. Theo Jonathan London thì tỷ lệ chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục năm 2011 còn vượt cả mức năm 2006 vừa nêu, lên tới hơn 50%. Gánh nặng chi phí của hộ gia đình dành cho giáo dục ở Việt Nam cũng thuộc loại đứng hàng đầu Đông Nam Á(2). 

Riêng về lĩnh vực bảo hộ xã hội, một biểu đồ về tình hình này ở một số nước Á châu đăng trên tờ TBKTSG gần đây cho thấy mức chi cho bảo hộ xã hội của Việt Nam là khá thấp, thua cả Ấn Độ và Trung Quốc(3). Đó là chưa nói tình hình bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ở Việt Nam cũng đã dẫn đến những tình trạng bất bình đẳng mà nhiều công trình nghiên cứu đã cảnh báo(4). 

Nguy cơ của xu hướng “hàng hóa hóa” các dịch vụ phúc lợi xã hội

Theo Karl Polanyi, hệ thống an sinh xã hội là một thành tố không thể thiếu trong một hệ thống chính sách kinh tế-xã hội quốc gia nhằm giúp cho xã hội có thể “tự bảo vệ mình trước những mối hiểm họa cố hữu của một hệ thống thị trường tự điều tiết”. 

Gøsta Esping-Andersen còn nhấn mạnh rằng cần xem xét hệ thống an sinh xã hội dưới góc độ khả năng “phi hàng hóa hóa” các quyền xã hội. Ông gọi sự phi hàng hóa hóa (de-commodification) là tình trạng trong đó sở dĩ người ta được hưởng các dịch vụ phúc lợi là do người ta có quyền được hưởng, và người ta có thể duy trì cuộc sống của mình mà không cần dựa trên thị trường. Ông nói rõ rằng cho dù có những chính sách trợ giúp xã hội hay bảo hiểm xã hội thì điều này không nhất thiết dẫn đến một tình hình “phi hàng hóa hóa” thực thụ nếu chúng không thực sự giải phóng các cá nhân ra khỏi sự phụ thuộc vào thị trường. “Tiêu chuẩn nổi bật của các quyền xã hội phải là mức độ mà theo đó chúng cho phép con người có thể xác lập được mức sống của mình mà không phụ thuộc vào các lực lượng của thị trường. Chính là theo ý nghĩa này mà các quyền xã hội có thể làm giảm bớt tư cách “hàng hóa” của các công dân”. 

Hiểu theo nghĩa đó, có thể nói chính hệ thống an sinh xã hội, hiểu theo nghĩa rộng, là một định chế quan trọng giúp cho người dân xác lập được tư thế con người cũng như tư thế công dân của mình một cách đúng đắn trong một xã hội dân chủ và văn minh.

Nếu quan niệm rằng chủ trương “xã hội hóa” giáo dục và y tế chủ yếu chỉ là nhằm thu hút sự đóng góp tài chính của các gia đình người dân, thì đây quả là một cách hiểu méo mó và tai hại. Đối với những cơ sở công lập, không thể suy nghĩ theo logic của một cơ sở tư nhân là ai chi nhiều thì hưởng nhiều, ai chi ít hưởng ít. Nếu lập luận rằng phải dựa trên nguyên tắc thu đủ bù chi thì mới “công bằng” thì đây quả là một sự ngộ nhận nghiêm trọng, vì đã hiểu khái niệm công bằng dựa trên logic kinh tế tư nhân hóa hoàn toàn, chứ không dựa trên logic xã hội của một nhà nước do dân và vì dân. Nếu một trường công lập cho rằng những phụ huynh giàu đóng học phí cao thì con em họ có “quyền” được hưởng dịch vụ giáo dục tốt hơn so với con em nhà nghèo, thì e rằng nhà trường này, một mặt, đã tước mất quyền học tập của trẻ em nghèo, và mặt khác, đã thể hiện sự thoái thác trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội học tập của trẻ em.

Qua hiện thực tình hình các lĩnh vực an sinh xã hội cơ bản ở Việt Nam hiện nay như giáo dục, y tế và nhà ở, trong đó các loại phí thu ngày càng nặng, câu hỏi có thể được đặt ra là phải chăng chính sách xã hội ở Việt Nam hiện nay đang đi theo xu hướng “hàng hóa hóa” chứ chẳng có gì gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”?

______________________________________

(1) Xem thêm bài “Càng nghèo, chi phí y tế càng là gánh nặng”, TBKTSG, 16-7-2009, tr. 45-47.

(2) Xem thêm bài “Gánh nặng chi phí giáo dục”, TBKTSG, 1-5-2008, tr. 24-25.

(3) Xem bài “Châu Á và gánh nặng phúc lợi xã hội”, TBKTSG, 20-9-2012, tr. 70-71.

(4) Xem bài “Chênh lệch trong thụ hưởng bảo hiểm y tế”, TBKTSG, 23-7-2009, tr. 46-47; và bài “Phúc lợi xã hội và xu hướng “hàng hóa hóa””, tạp chí Khoa học xã hội, số 7 (143), 2010, tr. 21-36. Theo số liệu do UNDP đưa ra tại cuộc hội thảo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 8-11-2009, 40% chi an sinh xã hội dành cho 20% nhóm giàu, 27% dành cho nhóm cận giàu (tức là 40% dân số nhóm trên nhận được 65% tổng chi an sinh xã hội), còn 20% nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 7% tổng chi an sinh xã hội (dẫn lại theo dự thảo Chiến lược an sinh xã hội thời kỳ 2011-2020 của Bộ LĐ-TB-XH, Hà Nội, 2011, tr. 21).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới