Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ẩn số cổ phiếu ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ẩn số cổ phiếu ngân hàng

Lưu Hảo

(TBKTSG) – Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) đã tăng khoảng 50% trong vòng chưa đầy 60 ngày, từ mức thấp nhất của năm ngoái 18.900 đồng lên 28.800 đồng (giá đóng cửa ngày 21-2-2020), trước thông tin hành lang VPB đang thương lượng với đối tác nước ngoài về việc chuyển nhượng Công ty Tài chính FE Credit chuyên cho vay tiêu dùng tín chấp.

Cổ phiếu của Vietcombank và BIDV vững chân ở vùng giá 90.000 đồng và trên 50.000 đồng. Cổ phiếu VietinBank cũng đã bứt phá 30% trong thời gian ngắn ngay sau Tết Âm lịch. Cổ phiếu các ngân hàng khác như MBBank, HDBank, Tiền Phong Bank, ACB, Techcombank, Sacombank đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhiều. Giới đầu tư đang kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục làm nền đỡ cho thị trường chứng khoán năm nay. Liệu kỳ vọng này có đi quá xa thực tế?

Ẩn số cổ phiếu ngân hàng
Có vẻ như ngành ngân hàng hiện tại vẫn miễn nhiễm với tác động của Covid-19. Cho đến khi những khó khăn khiến doanh nghiệp phải xem lại việc trả nợ vay đúng hạn với lãi suất đã cam kết, thì mới đến lượt ngân hàng gặp khó khăn? Ảnh minh họa: TTXVN

Mỗi cổ phiếu ngân hàng đều giao dịch hàng triệu đơn vị mỗi phiên và có những ngày nhóm này đã chiếm gần phân nửa giá trị khớp lệnh của cả sàn Hnx lẫn Hose. Phần lớn nhà đầu tư lập luận “cổ phiếu ngân hàng không thể xuống được”, có chăng chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn, bởi các câu chuyện liên quan đến tổ chức tín dụng đều củng cố niềm tin về một chu kỳ tăng trưởng dường như chưa nhìn thấy hồi kết.

Vietcombank có thêm món tiền 400 triệu đô la Mỹ bán quyền khai thác bảo hiểm độc quyền cho nước ngoài. Món tiền bán 15% cổ phần cho HanaBank của BIDV còn lớn gấp đôi thế. VietinBank sẽ được chia cổ tức hai năm 2017-2018 bằng cổ phiếu, dẫu thủ tục phê duyệt còn phải qua nhiều bước kéo dài. ACB đang đàm phán bán một tỷ lệ nhất định cổ phần của mình trong công ty chứng khoán ACBS cho khối ngoại. Triển vọng xử lý nợ xấu của Sacombank khả quan trong năm nay… Không có nhóm cổ phiếu đang niêm yết nào có hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhộn nhịp như ngân hàng. Và quan trọng hơn, các thương vụ M&A của tổ chức tín dụng bao giờ cũng có quy mô hoành tráng.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào “hậu trường” thì bức tranh của ngành ngân hàng không phải chỉ toàn màu sáng. Hầu như lãnh đạo ngân hàng nào cũng tập trung quan sát chuyển động tại một số ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện.

Không có ngân hàng nào không cho vay bất động sản. Một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát hiện có dư nợ cho vay bất động sản cao. Nếu thực trạng thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai như quyền sử dụng đất, cấp sổ hồng, sổ đỏ ở TPHCM không mau chóng được cải thiện, thì người lãnh chịu hậu quả không chỉ doanh nghiệp địa ốc mà cả người mua nhà, nhà đầu tư và ngân hàng.

Có tới hơn 90%, nếu không muốn nói cao hơn, dự án bất động sản được thế chấp vay vốn ngân hàng. Các dự án nhà đất nằm chờ đang và sẽ kéo vốn ngân hàng nằm chờ theo. Ứ đọng vốn là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bên vay không trả được nợ đúng hạn và ngân hàng phát sinh nợ xấu.

Điều mà giới kinh doanh ngân hàng chỉ đề cập trong các cuộc thảo luận nội bộ đó là việc xét xử các vụ án trọng điểm tham nhũng. Đường đi của tiền tham nhũng rất đa dạng nhưng nó thường bắt nguồn từ doanh nghiệp nhà nước, từ ngân hàng thông qua các khoản vay. Khi các vụ án tham nhũng được nêu tên, được xét xử, không ít tham quan đứng trước vành móng ngựa, tiền nhận hối lộ bị “lộ”, người ta có thể nhìn ra đâu đó các động thái chuyển động phía sau một số ngân hàng.

Các chỉ số tài chính hiện tại của cổ phiếu ngân hàng như EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu), P/E (giá trên lợi nhuận), P/BV (giá trị trên sổ sách)… có thể dẫn đến nhận xét chúng còn tương đối rẻ so với thị trường chung và so với các ngành nghề khác.

Ngoài ra trong kế hoạch kinh doanh năm nay, ngân hàng nào cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận 15-30%. Vậy cổ phiếu ngân hàng sẽ còn đi thêm bao xa? Trong khi các lĩnh vực kinh doanh khác đã “ngấm” tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì ngành ngân hàng còn tỏ ra miễn nhiễm. Cho đến khi những khó khăn khiến doanh nghiệp phải xem lại việc trả nợ vay đúng hạn với lãi suất đã cam kết, thì mới đến lượt ngân hàng gặp khó khăn? 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới