Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ẩn số thị trường Philippines

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ẩn số thị trường Philippines

Phi Tuấn

Chọn mua sản phẩm bún khô của Việt Nam tại một siêu thị ở Philippines. Ảnh: Lê Nam.

(TBKTSG) – Philippines được nhắc đến như một thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, nhưng đất nước 96 triệu dân này, với những tập quán tiêu dùng mua sắm mạnh, sẽ còn là ấn số bất ngờ cho nhiều mặt hàng khác.

Tìm cơ hội mới

Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre dù đã đứng vững ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ với dòng sản phẩm chả giò, chả cá, chả tôm… nhưng khi tìm hiểu để đưa hàng sang Philippines, vẫn tỏ ra dè dặt. Dè dặt không phải vì thị trường Philippines đòi hỏi quá cao, cũng không phải vì không còn khoảng trống để các mặt hàng của Cầu Tre có thể chen vào, mà là đưa hàng vào đây bằng cách nào để có thể đứng vững và phát triển mạnh.

Tổng giám đốc công ty, bà Trần Thị Hòa Bình, vừa muốn đưa hàng sang Philippines qua các kênh phân phối nhắm đến phân khúc tiêu dùng cao, nửa lại phân vân liệu có nên “đánh” vào phân khúc thấp. Bà Bình đã đi khắp các siêu thị, len lỏi đến tận các chợ lẻ ở thủ đô Manila để tìm hiểu thị trường. Và dường như bà đã có quyết định: “Với thị trường mới này, tôi nghĩ sản phẩm của mình phải đi vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao để thăm dò thị trường qua hệ thống siêu thị. Sau khi thị trường đã ổn định, xây dựng được thương hiệu, muốn đạt được sự phát triển mạnh thì “đánh” vào phân khúc thấp”. Bà Bình còn cho biết sẽ không đưa hàng đi trực tiếp vào thị trường, cũng sẽ không làm gia công cho một đối tác nào cả, mà chiến lược của công ty là thông qua một kênh phân phối địa phương.

Đã xuất khẩu gạo qua thị trường này từ lâu nên chuyến đi Manila lần này của bà Phó Nam Phượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, nhằm mở ra hướng đi mới. Số là doanh nghiệp này trước nay đều xuất khẩu gạo qua các hợp đồng chính phủ, nay thông qua các đối tác cũ bà muốn tìm thêm kênh phân phối tư nhân để rộng đường làm ăn hơn.

Bà Phượng kể rằng qua các cuộc gặp gỡ đối tác, bà nhận thấy “nhu cầu gạo của thị trường này là rất lớn”. Không chỉ dừng lại ở đó, ở chiều ngược lại, bà Phượng sẽ nhập khẩu phân bón từ Phillippines về để phân phối cho thị trường trong nước và một số vùng nguyên liệu mà công ty đầu tư ở Long An, Đồng Tháp, An Giang…

Câu chuyện về mặt hàng muối công nghiệp của Công ty TNHH Thành Phúc Lộc ở TPHCM lại hơi khác. Sản phẩm của doanh nghiệp này đang được tiêu thụ ở Philippines, nhưng điều đáng nói là toàn bộ lượng muối đó các thương nhân nước này phải đến mua ở… Singapore. Vì thế trăn trở của ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Công ty Thành Phúc Lộc, ngay tại Manila là phải làm sao tìm được đối tác để có thể bán hàng trực tiếp vào đây để giảm được chi phí và nâng cao lợi nhuận.

Cả bà Bình, bà Phượng, ông Phúc đều khẳng định cơ hội cho hàng Việt Nam vào thị trường này vẫn còn rộng cửa. Vấn đề của doanh nghiệp, nói như bà Bình của Cầu Tre, là “phải đi sâu nghiên cứu thị trường đồng thời tìm hiểu văn hóa và nắm được chìa khóa người tiêu dùng ở đây muốn cái gì”.

Ẩn số thị trường

Philippines là một thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Năm 2010 nước này nhập gần 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam. Nhưng trong sáu tháng đầu năm nay lượng gạo xuất khẩu sang Philippines chỉ 637.000 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ. Điều này do hai nguyên nhân. Thứ nhất là chính phủ nước này đang tích cực thực hiện chương trình đảm bảo tự túc lương thực. Thứ hai là lượng gạo nhập về cuối năm ngoái vẫn còn tồn nhiều. Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, ông Phan Tuấn Khôi, “chắc chắn năm nay sản lượng gạo Việt Nam xuất sang Philippines sẽ giảm, nhưng cũng sẽ không dưới 1 triệu tấn”. Trong khi đó, ở chiều nhập phân bón hai quí đầu năm đã tăng đến 2,2 lần so với cùng kỳ, đạt gần 60 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Khôi, chính thị trường 96 triệu dân có tập quán mua sắm và nhu cầu tiêu dùng rất lớn này là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng của Việt Nam như cà phê, chè, nước mắm… đã được các doanh nghiệp Philippines nhập về và phân phối khắp các siêu thị nước này. Nghịch lý ở chỗ dù thị trường rất gần nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại chẳng để tâm đến mà cứ mải đi tìm ở những thị trường xa và khó tính hơn.

Những rào cản về thương mại, thuế ở đây vẫn chưa nhiều, vẫn tuân thủ theo những quy định chung của thế giới. Theo phân tích của ông Khôi, điều mà doanh nghiệp trong nước cần quan tâm ở thị trường này là tập quán kinh doanh. Các doanh nghiệp gốc Hoa lâu đời ở đây có một thị trường và các hệ thống phân phối gắn chặt với Trung Quốc. Hệ thống này nhập đủ các chủng loại hàng hóa từ Trung Quốc để phân phối ở Philippines. Do vậy, để chen chân vào đây, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh hay bắt tay với hệ thống này, điều mà “bản thân chúng tôi ở bên này cũng rất khó tiếp cận được”, ông Khôi chia sẻ. Một đặc điểm nữa mà doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý là các chính sách của quốc gia này dường như vẫn thiên về bảo hộ các doanh nghiệp trong nước.

Dù nêu ra những trở ngại cho doanh nghiệp trong nước lưu ý như vậy, nhưng ông Khôi vẫn khẳng định “cửa đã mở” cho hàng Việt Nam. Vấn đề là cách thức tiếp cận thị trường như thế nào mà thôi.

Với các doanh nghiệp đã làm ăn ở đây từ trước, theo ông Khôi, điều cần thiết là “bám giữ lấy họ, và qua mối quan hệ này có thể tiếp cận và mở rộng đến các đối tác và phân khúc khách hàng khác”, từng bước tạo hệ thống chân rết, bạn hàng, làm cơ sở để đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn.

Với các doanh nghiệp chân ướt chân ráo đến thị trường này, theo ông Khôi, điều cần thiết là phải thông qua hệ thống phân phối địa phương, qua kênh này để tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng từ đó doanh nghiệp mới có thể thâm nhập và bám rễ. Ông Khôi cho biết thương vụ của ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thuận lợi nữa của việc đưa hàng sang Philippines là cộng đồng hàng ngàn người Việt và số lượng du học sinh không nhỏ ở đây. Những người Việt vẫn thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt và giữ mối liên hệ với đại sứ quán ở Manila, cùng một số tỉnh thành khác, sẽ là một kênh tiếp cận và tìm hiểu thị trường hiệu quả.

________

Để biết thêm thông tin về thị trường Philippines doanh nghiệp có thể liên hệ: Đại sứ quán Việt Nam 670 Pablo Ocampo Street, Malate, Manila Điện thoại: (632) 4043659 Fax: (632) 4043661 E-mail: ph@moit.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới