Ăn tết Việt và hiểu người Việt xa xứ nhớ Tết
Thủy Triều thực hiện
![]() |
Bạn Trần Đoàn Kiệt (đầu tiên bên phải) dùng bữa cơm cùng họ hàng vào ngày cuối cùng của năm cũ. Ảnh: T.Triều |
(TBKTSG Online) – Với người Việt, Tết đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, nhưng với nhiều người Việt xa xứ, đặc biệt là những bạn trẻ sống ở nước ngoài từ khi còn bé, thì đây không phải là nhu cầu bức thiết.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng bạn Trần Đoàn Kiệt, một Việt kiều trẻ tuổi, lần đầu tiên đón Tết tại quê nhà, về những cảm nhận “Tết quê hương” của bạn trẻ Việt Nam xa xứ…
TBKTSG Online: Chào bạn, xin bạn cho biết cơ duyên nào đưa bạn đến Việt Nam trong dịp Tết năm nay?
– Trần Đoàn Kiệt: Tôi sinh ra ở Sài Gòn. Năm 4 tuổi, tôi định cư ở Thụy Điển cùng mẹ, anh trai, và một vài người họ hàng. Cuối năm 2009 sau khi làm việc tại London được 1 năm và có một ít tiền để dành, tôi quyết định đi du lịch. Đó là năm tôi 26 tuổi. Khu vực Amazons, bờ Tây nước Mỹ, và Đông Âu là một trong những nơi mà tôi muốn đến, tuy nhiên cuối cùng tôi đã chọn các nước Đông Nam Á trong đó Việt Nam, nơi tôi sinh ra, là trung tâm của chuyến du lịch kéo dài 3 tháng. Đó là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch du lịch của tôi đã phải thay đổi vì đất nước đáng ngạc nhiên này. Kết quả là, hiện nay tôi đang làm việc tại Vũng Tàu. Và, Tết này tôi lên Sài Gòn ăn Tết cùng họ hàng.
Bạn đã làm gì cùng người thân trong Tết?
– Mặc dù phải làm việc đến ngày 29 Tết, nhưng tôi cũng có thời gian cùng người thân chuẩn bị cho ngày lễ lớn này như “cúng” để đón ông bà, ăn những món ăn ngày tết, xem pháo bông đêm giao thừa, dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa quần áo mới, cho và nhận lì xì, và tham gia các lễ hội…
Cảm nhận của bạn về Tết ở Việt Nam như thế nào và có gì khác so với tết của người Việt ở Thụy Điển?
– Tết ở đây rất vui, mọi nhà đều chưng trái cây và hoa. Ở công ty tôi trong những ngày cận Tết cũng có nhiều loại cây được đem về chưng ở dọc các hành lang. Các đồng nghiệp của tôi không thể chờ đến ngày nghỉ nên nhiều người đã quyết định xin nghỉ phép về quê ăn tết sớm cùng gia đình. Những ngày giáp tết, đâu đâu tôi cũng thấy không khí tết tràn ngập. Đến công ty thì nghe bạn bè kể về tết, ra đường thì các quán cà phê tôi hay đến đều lục đục tổng vệ sinh… Tất cả là để đón tết.
Có thể nói rằng cảm giác mà người Việt ở Việt Nam đón tết cũng giống như cảm giác của người Thụy Điển đón năm mới dương lịch, và giống cả ở việc tất cả đều cùng nghe bài hát Happy New Year của nhóm nhạc ABBA nổi tiếng của Thụy Điển. Tuy nhiên, tết của người Việt ở Thụy Điển thì lại khác ở đây vì nhiều lý do, như công đồng người Việt ở Thụy Điển không lớn và chúng tôi không được nghỉ trong những ngày này nên chỉ họp mặt họ hàng và các thành viên trong gia đình, cảm giác hoàn toàn không phải là chào tạm biệt một năm cũ và đón một năm mới như ở đây. Những đưa trẻ Việt Nam ở Thụy Điển như tôi không hề thấy háo hức đón tết Việt như trẻ con ở đây. Trong ký ức của tôi, đó chỉ là những ngày đầy ắp đồ ăn, sắp xếp thời gian đến nghĩa trang thăm mộ người thân, và đó cũng chỉ là dịp để mẹ và các dì tụ tập nói chuyện phiếm. Đón tết ở Việt Nam tôi mới hiểu được vì sao họ nhớ tết như vậy và tôi mong rằng một ngày nào đó sẽ được đón một cái tết Việt đúng nghĩa cùng mẹ và anh trai.
Vậy là bạn đã có những kỷ niệm đẹp về tết ở Việt Nam. Bạn sẽ tiếp tục đón tết ở đây vào năm tới chứ?
– Chắc chắn, nếu tôi có cơ hội. Đây là một truyền thống thật thú vị. Tôi mong rằng mình sẽ có thêm cơ hội để tìm hiểu thêm về nó, và tôi có cảm giác rất ấm cúng vì tất cả bạn bè, người quen, đồng nghiệp, họ hàng ở Việt Nam đều đón tiếp tôi rất nồng nhiệt khi tôi đến thăm và chúc tết. Đón chào một người bạn chỉ mới sơ giao đến nhà chơi vào những ngày tết là một trong những điểm tôi nhớ nhất ở con người Việt Nam.
Và nhân dịp này tôi cũng muốn nói “Chúc mừng năm mới” đến tất cả bạn đọc của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
Xin cám ơn bạn, và mong rằng bạn sẽ đón thêm nhiều cái tết ở Việt Nam!