Thứ Bảy, 30/09/2023, 08:47
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Án tín dụng khó thi hành, vì sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Án tín dụng khó thi hành, vì sao?

Đá Bàn

Án tín dụng khó thi hành, vì sao?
Số việc và tiền trong thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn tồn đọng nhiều. Ảnh mang tính chất minh họa (internet)

(TBKTSG Online) – Số việc và số tiền phải thi hành (án dân sự) liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn tồn rất lớn – trên 20.000 việc và khoảng 100.000 tỉ đồng, theo Tổng cục Thi hành án dân sự.

Tổng cục Thi hành án dân sự vừa báo cáo Bộ Tư pháp về những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án dân sự có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng và xử lý tài sản hình thành trong tương lai.

Quá nhiều nguyên nhân

Tổng cục Thi hành án dân sự, bà Lê Thị Kim Dung, cho biết trong hai năm thực hiện Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 6.400 việc, thu được số tiền hơn 35.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2017, ba địa phương có lượng án tín dụng, ngân hàng lớn (Hà Nội, TPHCM và Hưng Yên) cho biết đã thụ lý gần 5.100 việc (khoảng 39.300 tỉ đồng). Chưa kể thống kê của cơ quan thi hành án, đến cuối năm 2016, vẫn còn gần 16.000 việc (58.900 tỉ đồng) cần phải thi hành.

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, số việc và tiền thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn tồn đọng nhiều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là bên cạnh sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật, một số bản án, quyết định của tòa án chưa rõ ràng; nhiều trường hợp tài sản đã kê biên đảm bảo thi hành án bán đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua; việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá bị đương sự chống đối, khởi kiện… Trong khi chấp hành viên một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự tích cực, phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa chặt chẽ.

Cụ thể, có không ít trường hợp các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi thẩm định, nhận thế chấp tài sản không đúng quy trình dẫn đến giai đoạn thi hành án kéo dài; quá trình thi hành án còn phó mặc cho cơ quan thi hành án dân sự. Chưa kể, có trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án để vay tiền, song trong quá trình thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như UBND tỉnh) cho rằng chủ dự án không thực hiện đúng dự án và có quan điểm thu hồi dự án khiến việc thi hành án không thể làm được.

Còn liên quan đến tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai thì các quy định pháp luật hiện hành đều cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhưng thực tiễn lại gặp một số vướng mắc. Ví dụ như phán quyết của tòa án không xác minh xem tài sản đã hình thành hay chưa nên đến lúc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh thì tài sản chưa hình thành; tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận nên khó xử lý bán tài sản và đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá…

Ngân hàng “ít” hợp tác?

Thực tiễn từ các Cục Thi hành án dân sự cho thấy có quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hưng Yên, ông Vũ Hoàng Thụ, cho biết có trường hợp qua xác minh thấy nhiều tài sản không có trên thực tế hay có những tài sản không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam; nhiều trường hợp giá trị tài sản thấp hơn giá trị cho vay…

Đặc biệt, có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, ngân hàng không phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự (họ chỉ ủy quyền cho người không có đủ thẩm quyền để giải quyết việc thi hành án nên khi họp bàn xử lý là phát biểu kiểu “về báo cáo Hội đồng quản trị”).

Tương tự, ông Chu Quang Tiến, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng cho biết, có một số tổ chức tín dụng, ngân hàng yêu cầu thi hành án nhưng không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà tổ chức tín dụng, ngân hàng đã nhận thế chấp.

Từ những vướng mắc trên, Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị Bộ Tư pháp nên chăng xem xét, tính toán thiết lập hệ thống theo dõi, báo cáo riêng về án tín dụng, ngân hàng; đồng thời, Bộ Tư pháp phải làm việc với Tòa án tối cao để chỉ đạo trong hệ thống tòa án khi ra các bản án, phán quyết, giải thích bản án.

Ngoài ra, còn có ý kiến đề nghị, phải tăng cường phối hợp giữa cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương để thúc đẩy công tác thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; công khai thông tin các dự án thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; có cơ chế cấp giấy chứng nhận cho người đấu giá mua được tài sản…

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, tới đây Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, cương quyết “nêu tên” những tổ chức tín dụng, ngân hàng không phối hợp trong giải quyết án tín dụng, ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới