Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

An toàn thủy điện mùa mưa lũ 2021: Cần hành động từ bây giờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

An toàn thủy điện mùa mưa lũ 2021: Cần hành động từ bây giờ

Nhân Tâm

(KTSG Online) – Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa mùa mưa lũ lại đến với miền Trung với nhận định sẽ nghiêm trọng không thua kém mùa mưa lũ năm 2020 với 13 cơn bão liên tiếp. Một trong những quan tâm của dư luận là việc đảm bảo an toàn tại các khu vực gần thủy điện, bao gồm vận hành xả lũ, để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất xung quanh nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong đợt mưa lũ tháng 10-2020 được thực hiện gần 10 tháng nay. Ảnh: Dinh Nguyễn

Những bài học năm 2020

Đoàn tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang bước sang giai đoạn 7 để tìm kiếm 11 nạn nhân mất tích còn lại sau cơn bão và sạt lở đất vào tháng 10 năm ngoái.

Hoạt động tìm kiếm này được thực hiện từ tháng 10 năm ngoái sau sự cố công trình xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở do mưa, lũ nghiêm trọng, trực tiếp và gián tiếp khiến 29 người chết và mất tích, trong đó có 17 công nhân và 12 cán bộ và chiến sĩ trong lực lượng ứng cứu.

Sau gần 10 tháng, qua 6 giai đoạn tìm kiếm, 6 thi thể trong số 17 công nhân đã được tìm thấy bên cạnh thi thể của 12 cán bộ, chiến sĩ. Trong lần kiểm tra mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu phải tìm tất cả các nạn nhân mất tích còn lại trước khi mùa mưa bão lại đến.

Có thể nói, đến ngày hôm nay Thừa Thiên Huế vẫn phải tốn nhân lực và vật lực để giải quyết hậu quả nghiêm trọng mà các đợt bão lũ năm ngoái có liên quan đến thủy điện gây ra.

Theo chuyên gia Tô Văn Trường từng đề cập trong một bài viết trên KTSG Online, riêng đối với thủy điện Rào Trăng 3, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đã cảnh báo là khu vực này có nguy cơ trượt lở đất đá cao, các yếu tố nguy hiểm về địa hình như: hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài…

Và nói chung, các công trình thủy điện nhỏ thường xây dựng tại các khu vực miền núi, xa trung tâm, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở mạnh vào mùa mưa lũ, cho nên rất khó khăn và dễ gặp nhiều rủi ro khó lường trong quá trình thi công xây dựng, đặc biệt là mùa mưa lũ.

Vì vậy người dân ở những nơi khác ở miền Trung cũng bị thiệt hại nặng bởi vấn đề này.

Theo báo chí đưa tin, cũng vào tháng 10,, ảnh hưởng của cơn bão số 9 khiến cho nhiều vùng ở tỉnh Quảng Nam xảy ra mưa lớn. Lúc này, người dân đang gồng mình để ứng phó với bão thì đến chiều ngày 28-10, thủy điện Đắk Mi 4 tiến hành xả lũ với lưu lượng lên đến trên 7.000m3/s.

Với lượng nước đổ về khủng khiếp này, các huyện nằm ở phía hạ du của tỉnh Quảng Nam như Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên… nhanh chóng chìm ngập trong “biển” nước. Lũ lên quá nhanh khiến cho người dân không kịp trở tay, dọn dẹp đồ đạc lên cao, đành đau xót nhìn bao nhiêu vật dụng trong gia đình, hoa màu ngoài đồng ruộng bị ngập nước, hư hại.

Sau một thời gian thống kê, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng nam và Thủy điện Đắk Mi 4 về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do thiên tai, với tổng thiệt hại hơn 16,1 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thiệt hại theo Nghị định 02 của Chính phủ gần 2,6 tỉ đồng;  Còn lại, địa phương yêu cầu thủy điện Đắk Mi hỗ trợ 13,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thiệt hại khác (tài sản của người dân) hơn 6,7 tỉ đồng và thiệt hại các công trình dân sinh hơn 6,8 tỉ đồng.

Người dân phải chịu mất mát là vậy nhưng đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Mi cho rằng, những thiệt hại của người dân là do cơn bão số 9 chứ không phải vì thủy điện điều tiết xả lũ. Bởi thủy điện Đắk Mi sẽ phải xả lũ khi có lũ về.

Đánh giá trách nhiệm của thủy điện một cách khoa học

Với những gì đã xảy ra trong mùa bão lũ năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng thủy điện nên có những trách nhiệm nhất định trong thiệt hại của người dân do xả lũ và sạt lở xung quanh khu vực thủy điện. Lý do lớn nhất là những nhà máy thủy điện luôn chiếm diện tích lớn và phải phá rừng, gây ra “mềm” đất và sạt lở đất dễ xảy ra.

Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4, tỉnh Quảng Nam tiến hành xả lũ. Ảnh: IDICO

Tuy nhiên, có những ý kiến lại cho rằng, nhờ thủy điện nên thiệt hại đã được giảm đi đáng kể.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, năm 2020 trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào vận hành khai thác (trong đó có 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn, 253 hồ vừa và nhỏ).

Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỉ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất… trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực; trật tự, an toàn xã hội… khu vực hạ du hồ chứa.

Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thuỷ điện trong hệ thống điện quốc gia là 20.568 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.

Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế – môi trường – xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế hiện nay, không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng cắt, giảm, làm chậm lũ; nhất là khu vực miền Trung. Do địa hình sông suối dốc, ngắn, nước chảy thẳng ra biển, nên chủ yếu những nhà máy thủy điện ở miền Trung tận dụng chiều cao của nước để phát điện, chứ không có dung tích phòng lũ. Với nhà máy không có chức năng chống lũ thì toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc những van cung. Nước lũ tự nhiên về bao nhiêu thì sẽ trả về dòng sông bấy nhiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết có thể loại bỏ hết quy hoạch một loạt thủy điện nhỏ và vừa mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Xây hồ đập, thủy điện trên đầu nguồn, cả một khối lượng nước khổng lồ tích ngay trên đầu như vậy, nguy hiểm vô cùng. Riêng Quảng Nam bây giờ hơn hồ 40 thủy điện nhỏ và vừa. Mùa hạ cũng lo ngay ngáy vì thiếu nước, mà thiếu nước thì không sản xuất điện được, không thu được đồng nào. Còn mùa mưa thì bất an, nước tràn về bạt ngàn không biết xả đi đâu, thế nên luôn mông lung trong những mối nguy cơ.

Đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ 2021

Rõ ràng, để có thể đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ năm 2021 có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thủy điệm, việc vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện ở miền Trung nói riêng, cả nước nói chung cần được kiểm soát chặt chẽ vì hậu quả là khó đo đếm được.

Để bảo đảm xả lũ an toàn trong mùa lũ năm 2021, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) vừa phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ từ hạ lưu đập Thủy điện Trung Sơn đến thượng lưu Nhà máy Thủy điện Thành Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Bên trong nhà máy thủy điện Yaly, tỉnh Gia Lai. Việc vận hành an toàn của các nhà máy thủy điện sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ hằng năm gây ra. Ảnh: Nhân Tâm

Qua thực tế, theo công ty, dòng chảy thoát lũ từ hạ lưu đập thủy điện Trung Sơn đến thượng lưu nhà máy thủy điện Thành Sơn hiện tại bảo đảm thoát lũ. Tuy nhiên, có một số lều quán, khu chăn nuôi gia súc, nhà tạm mới được xây dựng tại các vị trí không bảo đảm an toàn, nguy hiểm dễ sạt lở ven sông Mã khi có lũ.

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa lũ năm 2021, sau khi kiểm tra các bên thống nhất như sau: Chính quyền địa phương các cấp thực hiện tuyên truyền, phổ biến người dân không xây nhà, dựng lều quán tại các vị trí dễ sạt lở ven sông Mã, có biện pháp gia cố, di dời nhà cửa khỏi vị trí nguy hiểm, không cho các phương tiện giao thông vận tải thủy (tàu, thuyền, bè…) và người vào phạm vi 400 m tính từ hạ lưu đập (tại bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa).

Thủy điện Trung Sơn sẽ có trách nhiệm thực hiện nghiêm các lệnh vận hành hồ của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để chống lũ cho hạ du theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã, thực hiện các thông báo, hiệu lệnh cảnh báo khi xả lũ theo quy định.

Trong khi đó, nằm trên địa bàn rừng núi hiểm trở của tỉnh Gia Lai, Thủy điện An Khê – Ka Nak chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng nóng nhiều sông suối khô cạn, mùa mưa dồn dập kéo dài gây nên lũ ống, lũ quét ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nhà máy là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Phát điện 2, được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện An Khê, Nhà máy Thủy điện Ka Nak. Sau 10 năm đi vào vận hành, từ năm 2011 đến nay, Thủy điện An Khê, Ka Nak đã sản xuất cung cấp hơn 5,4 tỷ kWh điện năng cho hệ thống điện quốc gia.

Để đối phó với tình hình nắng nóng của mùa khô 2021, trước yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định về việc điều tiết Thủy điện An Khê – Ka Nak cấp nước cho hệ thống kênh Thượng Sơn, huyện Tây Sơn, thời gian vừa qua, Công ty đã tích cực, chủ động tích trữ nước hồ chứa An Khê, Ka Nak nhằm đảm bảo khả năng cung cấp nước về hạ du sông Ba, đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán của người dân vùng hạ du.

Về mùa mưa lũ, công ty đã thực hiện vận hành hồ chứa tuân thủ chặt chẽ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Quy trình vận hành đơn hồ, góp phần tham gia giảm lũ hiệu quả cho hạ du, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho vùng hạ du. Để đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi xả lũ, nhà máy sẽ thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo cho các đơn vị quản lý nhà nước và địa phương theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy chế phối hợp trong quá trình vận hành với chính quyền địa phương.

Sự chuẩn bị của các nhà máy thủy điện trên tại Thanh Hóa và Gia Lai có thể là ví dụ để các nhà máy thủy điện khác tại khu vực miền Trung làm theo ngay từ bây giờ để chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2021.

Về vấn đề này, theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, trong thời gian tới để vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng thiên tai cần làm tốt nhiều nhiệm vụ.

Rà soát, bảo dưỡng, lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo vận hành điều tiết hồ chứa, nâng cao chất lượng truyền hình ảnh camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh có chất lượng cao, có thể nhìn thấy được: các cột thuỷ chí thượng và hạ du đập, cửa van cung, đập tràn … phải được làm ngay lúc này.

Các công ty cũng phải phối hợp địa phương giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng phụ cận bảo vệ đập, hành lang thoát lũ của công trình, phương án bảo vệ mốc giới; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân ở khu vực hạ du về các quy định an toàn trong khu vực hành lang thoát lũ cũng như thông tin và điều lệnh phòng, chống lụt bão.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới