Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

An toàn vệ sinh thực phẩm: thực tế đáng sợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

An toàn vệ sinh thực phẩm: thực tế đáng sợ

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Báo cáo của Bộ Y tế và kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam vẫn còn những thực tế rất đáng sợ. Trong khi đó, các văn bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thực chất thì thừa nhưng hiệu quả quản lý không được bao nhiêu.

Để chuẩn bị cho đợt giám sát về vấn đề này, Bộ Y tế đã gửi tới Quốc hội một bản báo cáo về tình hình chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong 4 năm (2004-2008). Báo cáo cho thấy, an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta nhiều năm qua đã trở thành vấn nạn nguy hiểm.

Thống kê với năm loại bệnh truyền qua thực phẩm (tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn) từ năm 2000-2006, trong toàn quốc đã có hơn 6 triệu người mắc và 115 người chết. Tỷ lệ mắc bệnh giun sán trong cộng đồng rất cao, có hơn 60 triệu/85 triệu người Việt đang mang giun sán trong người. Bệnh sán lá gan lớn có ở 18 tỉnh, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng dân cư có nơi tới 37% như Nam Định, Phú Yên. Bệnh sán lá gan nhỏ có ở 24 tỉnh, tỷ lệ nhiễm rất cao như Hà Tây (40%), Thanh Hóa (38%), Nam Định (37%), Ninh Bình (30%), Phú Yên (37%), Bình Định (30%). Các bệnh giun đũa, giun xoắn, giun kim, bệnh ấu trùng sán, giun… còn phổ biến trong nhân dân.

Tại TPHCM, kết quả phân tích vi sinh vật một đợt kiểm tra đánh giá mức độ đảm bảo vệ sinh của thực phẩm cho thấy trong số 69 mẫu thịt lợn có 54 mẫu có E.Coli (gây bệnh tả, lỵ, tiêu chảy) vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 78,3%); trong số 69 mẫu thịt gà có 66 mẫu có E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 95,65%).

Kết quả phân tích vi sinh vật trên 76 mẫu rau cũng tương tự: 72 mẫu rau nhiễm Coliform vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 94,7%) và 40 mẫu rau nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,63%). Thậm chí ở một số thành phố lớn như TPHCM cũng chỉ kiểm soát được 20 – 30% nhu cầu rau xanh của thành phố.

Bộ Y tế thì cho rằng hệ thống tiêu chuẩn thực phẩm làm căn cứ để thực hiện các văn bản quản lý thiếu quá nhiều và nhiều tiêu chuẩn đã rất lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi. Nói tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng: “Thực tế đòi hỏi có tới vài ngàn tiêu chuẩn về thực phẩm, song đến đến  hết 2006, Việt Nam mới ban hành được có 861 tiêu chuẩn sản phẩm trong đó 673 tiêu chuẩn liên quan thực phẩm. Số tiêu chuẩn đã lạc hậu là 42,5%, số tiêu chuẩn còn phù hợp 57,5%”.

Tiêu chuẩn cho hàng truyền thống địa phương còn thiếu rất nhiều nên không có căn cứ để xử lý vi phạm như các loại mắm, nem chua, tương… Việc chuyển đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hầu như chưa được thực hiện.

Kết quả giám sát của Ủy ban Khoa học-công nghệ và môi trường của Quốc hội mới nhất cũng thừa nhận những kết quả đáng báo động kể trên và còn nhiều thực tế thiếu an toàn khác nữa có mặt trong tất cả các lĩnh vực về VSATTP. Tuy nhiên, nếu xét riêng về văn bản quản lý thì Quốc hội cho rằng đã ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Vấn đề triển khai thực tế có nhiều bất cập. Ví như số văn bản quản lý pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP là quá nhiều; trong đó, còn 48 văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung quy định không phù hợp với thực tế, cần phải sửa đổi.

Về trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này, khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình trong vấn đề chia sẻ trách nhiệm như Bộ trưởng Triệu đã từng nói.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) vẫn cho rằng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn vì: “Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm ở Trung ương thì có 5 bộ chịu trách nhiệm chính. Trong đó Bộ y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh, an toàn thực phẩm được thành lập để chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các Bộ trong các vấn đề liên ngành về vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Bà Kim Anh cũng phân tích, kiểm tra Nhà nước về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm nhập khẩu thì được giao cho 12 cơ quan Nhà nước do Bộ Y tế quy định. “Như vậy trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm thuộc về Bộ y tế chứ sao lại không có cơ quan nào?!”, bà Kim Anh nhấn mạnh.

Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về VSATTP. Các đại biểu Quốc hội và chính Bộ Y tế cũng mong muốn Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ nhanh chóng được ban hành để việc đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống một cách thiết thực hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới