Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ẩn ức của người làm du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ẩn ức của người làm du lịch

Đào Loan

(KTSG Online) – Trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư này, chủ tịch một hiệp hội có hơn 1.000 thành viên, là những doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ liên quan đến du lịch, đã gửi văn bản cho hội viên đề nghị thống kê thiệt hại cùng những kiến nghị về chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, không một hội viên nào trả lời.

Chờ mãi không thấy hồi âm, ông liên hệ trực tiếp với một số hội viên thì câu trả lời chung là quá mệt, không muốn đề đạt gì nữa, vì đã nhiều lần lên tiếng nhưng phần lớn chính sách vẫn ở trên "ti vi", những hỗ trợ thực tế cho doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra là không đáng kể.

"Vậy điều mà doanh nghiệp du lịch như ông cần nhất hiện nay là gì?", tôi hỏi. "Giờ chỉ mong có ít tiền để giữ được đội ngũ, giữ hệ thống", ông nói.

Cũng câu hỏi này, ở ba đợt bùng dịch trước, doanh nhân này và nhiều người khác đã đưa ra hàng loạt gợi ý về chính sách thuế, phí, tín dụng, hỗ trợ người lao động, quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước… nhằm giúp du lịch nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, lấy đà hồi phục sau mỗi đợt bùng dịch.

Tính đến cuối năm ngoái, tức sau một năm Covid-19 hoành hành, theo Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế của cả nước giảm gần 80%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm gần 60% dẫn đến công suất bình quân của các khách sạn chỉ đạt từ 10-15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa và gần 60% lao động mất việc làm hoặc phải cắt giảm thời gian làm việc.

Đợt bùng dịch lần thứ tư này tiếp tục đẩy doanh nghiệp và người lao động vào tình thế khó khăn hơn, đặc biệt là khi TPHCM, thị trường nguồn lớn nhất của du lịch phải thực hiện giãn cách xã hội trong hai tuần để ngăn dịch.

Công suất phòng của hàng loạt khách sạn ngay lập tức xuống bằng không. Nhiều nhà hàng đóng cửa. Doanh nghiệp lữ hành vừa mới gọi được một số nhân viên vào làm việc lại để chuẩn bị sản phẩm cho mùa du lịch hè thì lại phải tiếp tục bảo người lao động nghỉ làm.

Như công ty của doanh nhân vừa kể trên, một nửa số nhân viên đã phải nghỉ làm, thu nhập của những người còn lại phải cắt giảm tối đa vì công ty chỉ còn nguồn thu nhỏ nhoi từ một vài dịch vụ lẻ như gia hạn thị thực. Có công ty có cả ngàn nhân viên thì 20% đã chính thức nghỉ việc, số còn lại chỉ được trả vài ngày công/tháng…

Trên mạng xã hội, hiện giờ không chỉ có những nhóm các nhân viên trong từng công ty mua bán hàng hóa, dịch vụ để hỗ trợ nhau mà nhiều ông chủ cũng nhảy vào, dùng hết các "mối quan hệ" cùng khả năng lan tỏa trên không gian mạng để giúp nhân viên bán hàng, mong người lao động có thể bớt khó khăn bằng "nghề tay trái".

Nhiều doanh nhân ước ao được vay ưu đãi, vay không thế chấp hoặc được miễn thuế để có tiền xoay xở trong lúc gần như không có doanh thu nhưng những chính sách đã đề xuất hồi đầu năm ngoái đến nay vẫn còn nguyên là đề xuất. 

Khó khăn quá dẫn đến bức xúc. Người làm khách sạn bực dọc, cho rằng giá điện đáng lẽ được tính theo giá sản xuất thay vì giá dịch vụ từ bốn năm qua, theo nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 103 của chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08, nhưng đến nay vẫn chỉ được giảm từng đợt, theo chương trình hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19 của ngành địện.

Người làm lữ hành lại "nóng mặt" khi khách sạn được dùng điện giá thấp vì cho rằng lữ hành cũng cần vận hành, cũng dùng điện và rất khó khăn, sao không được giảm?

Và rồi, ngành du lịch nhìn qua hàng không, lại bức xúc vì cho rằng đều là những ngành bị đại dịch tác động sớm nhất và trực tiếp nhất nhưng sao có doanh nghiệp hàng không được vay hàng ngàn tỉ đồng mà du lịch lại phải vay với lãi suất cao cùng yêu cầu thế chấp ngặt nghèo… Hồi cuối tháng 3 này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, tổng giá trị 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines thông qua các tổ chức tín dụng với lãi suất 0%/năm, không yêu cầu tài sản bảo đảm khi tái cấp vốn.

Với nhiều doanh nhân, nỗi sợ nhất hiện nay là bị bêu tên vì nợ thuế, chỉ cần ngành thuế công bố lên hệ thống là xếp hạng tín dụng có vấn đề, dẫn đến việc vay vốn để kinh doanh đã khó lại càng khó, mà với tình trạng suy giảm khách trầm trọng hơn một năm qua, chẳng mấy công ty có thể đóng thuế đúng hạn.

Sự kiện hàng trăm doanh nghiệp lữ hành và lưu trú tại tỉnh Quảng Nam xin tạm dừng hoạt động trong nửa cuối năm nay để được miễn, giảm thuế đã phần nào cho thấy người làm du lịch đang khó khăn đến mức độ nào.

Dừng hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp đỡ được một số loại thuế, trong đó có thuế môn bài nhưng với những công ty có quy mô lớn thì rất khó thực hiện theo cách này vì như doanh nhân trên có đề cập đến là phải giữ đội ngũ, giữ hệ thống và hình ảnh cho sau này, đâu phải muốn đóng là đóng được!

Mà nếu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hết thì khi hết dịch, nền kinh tế sẽ lấy nguồn lực ở đâu ra để vực dậy du lịch và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn? Câu trả lời lại quay về nội dung cũ là với khủng hoảng kéo dài và chưa từng có trong lịch sử như Covid-19 lần này, doanh nghiệp khó có thể tự vượt qua được nếu thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 5-2021 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký vào hôm 8-6, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đặc biệt là các dịch vụ như du lịch, lữ hành, lưu trú, giải trí.

Từ đó, bộ đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-6 tới. Giới kinh doanh du lịch kỳ vọng thêm lần nữa, mong những ấm ức bị kìm nén từ hồi đầu dịch Covid-19 đến nay được giải tỏa, những chính sách đề xuất được triển khai trong thực tế để du lịch có thể "sống" và bước tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới