Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ánh sáng thông tin sẽ đẩy lùi bóng tối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ánh sáng thông tin sẽ đẩy lùi bóng tối

Nguyễn Vũ

(TBKTSG Online) – Tờ The Straits Times của Singapore tuần rồi đã phạm phải một sai sót lớn. Đưa tin về vụ một số người được cho là công nhân quá khích, biểu tình chống đối Trung Quốc mà lại đập phá nhà xưởng của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tờ báo này đã dùng hình công nhân bị ngộ độc ở Thanh Hóa đang được cứu chữa ở bệnh viện để minh họa gây ra sự hiểu nhầm tai hại. 

Ánh sáng thông tin sẽ đẩy lùi bóng tối
Tấm ảnh công nhân bị ngộ độc ở Thanh Hóa bị báo The Straits Times đăng nhầm là công nhân nhà máy giày Baoyuan ở TPHCM đã được tờ báo này rút xuống, đính chính và xin lỗi sau khi có phản ứng của cộng đồng mạng Facebook của Việt Nam.

Có nhiều điều đáng nói ở đây.

The Straits Times là một tờ báo lớn nhưng bất cẩn sử dụng ảnh của một người tên là  Zhang Husheng gởi tới mà không kiểm chứng, lại chú thích ẩu là “Ảnh chụp hôm qua cho thấy 500 công nhân Trung Quốc ở nhà máy giày Baoyuan tại TPHCM phải ẩn náu trong ký túc xá…” Tờ báo sau đó phải đính chính, xin lỗi nhưng cho đến giờ cũng không biết  Zhang Husheng là ai, động cơ khi gởi ảnh sai lệch là gì.

Thứ hai là người lên tiếng phản đối, yêu cầu The Straits Times gỡ ảnh trên báo trực tuyến, đăng lời đính chính trên báo in là những người dùng mạng xã hội, những thành viên của một diễn đàn báo chí trên Facebook. Nhiều người vào nhận xét dưới bài báo có đăng hình sai; có người gởi thư trực tiếp đến cho tòa soạn The Straits Times; có người gọi điện – tất cả chỉ vì thể diện quốc gia, bất bình vì một sự bất cẩn mang tính đổ dầu vào lửa. Chính áp lực này buộc tờ báo phải nhanh chóng có hành động sửa sai. Ngay chính những thành viên trong diễn đàn nói trên, sau khi thấy The Straits Times đính chính, đã ngăn cản những lời phê phán nặng nề của các thành viên khác, đã phân tích cho mọi người thấy chỉ có thông tin chính xác, chỉ có thái độ bình tĩnh mới giải quyết được vụ việc.

Khi kể lại sự vụ này, chúng tôi muốn nói vai trò của các mạng xã hội là rất to lớn trong việc cung cấp thông tin để đẩy lùi bóng tối trong nhiều trường hợp. Đừng sợ sự kích động của mạng xã hội; đừng ngại những lời kêu gọi vô trách nhiệm trên các diễn đàn vì luôn luôn, xin nhấn mạnh một lần nữa, luôn luôn có những người tỉnh táo, phản bác mọi kích động thù hằn, lên án sự vô trách nhiệm…

Ngược lại, chỉ có những kẻ có nhiều toan tính mới sợ thông tin. Lấy ví dụ, nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đang rất ngại Việt Nam kiện vụ họ đem giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam ra tòa án quốc tế. Bởi một khi kiện như thế, dù kết quả chưa biết như thế nào nhưng Việt Nam sẽ có cơ hội trình bày mọi thông tin liên quan một cách rộng rãi và Trung Quốc thiếu chứng lý, không muốn để cho điều này xảy ra.

Lịch sử đã cho thấy trong nhiều trường hợp Trung Quốc sử dụng phương pháp buộc bên mà họ đang có tranh chấp hay xung đột phải bịt kín mọi thông tin như một điều kiện tiên quyết trước khi giải quyết vấn đề. Ở phía ngược lại, họ lại biết cách sử dụng thông tin có lợi cho họ bất kể cam kết.

Không phải bỗng dưng người ta lưu truyền câu nói “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng muốn biết thì phải có thông tin và phải để thông tin được phân tích cặn kẽ để đi đến chỗ hiểu thông tin. Hiện nay còn những khoảng trống, thậm chí ngay ở khâu “biết ta” chứ chưa cần “biết người”. Chúng ta phải biết tâm lý của người dân, người dân phải được biết chiến lược của nhà nước. Chiến lược đó không chỉ dừng lại ở những việc ngắn hạn, quá cụ thể mà ai cũng đã biết như phải cùng nhau giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đừng để bất kỳ thái độ quá khích nào ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Chiến lược đó phải mang tính dài hạn, có tầm nhìn và có tính hết mọi yếu tố trong một thế giới liên lập ngày nay.

Thông tin đầy đủ, đa dạng, nhiều chiều cũng sẽ xóa đi cái ấn tượng là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay, Việt Nam chỉ loay hoay với câu chuyện: biểu tình phản đối Trung Quốc nhưng biểu tình cũng dễ dẫn tới bất ổn xã hội. Hoàn toàn không phải! Người dân hiện đang có muôn vàn cách thể hiện tình yêu nước bằng con đường khác, cũng rất rộn ràng trên các mạng xã hội như gởi đi thông điệp xin lỗi những doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng trong đợt vừa rồi, như công nhân cố gắng phục hồi sản xuất bất kể ngày nghỉ, như vận động chữ ký để người dân các nước lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.

Hãy tin ở thông tin để chủ động với thông tin vì thông tin sẽ đẩy lùi bóng tối.

 

Cập nhật lúc 6g10, ngày 19/5: Sau khi bài này được đăng tải, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã gởi thư điện tử (email) cho tòa soạn TBKTSG Online.

Nội dung thư cho biết: Ngay sau khi ấn bản in của báo The Straits Times phát hành vào sáng ngày thứ Sáu (16/5), Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã liên hệ trực tiếp với tòa soạn báo The Straits Times phản ứng chính thức và đề nghị The Straits Times có biện pháp khắc phục ngay. Theo đó, The Straits Times đã cho thay ngay một bức hình khác trên ấn bản báo online; và tiến hành đính chính, xin lỗi trong ấn bản báo in vào ngay sáng ngày hôm sau, thứ Bảy, ngày 17/5.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới