Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ANV: Nghe lỗ là… mừng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ANV: Nghe lỗ là… mừng!

Chế biến cá xuất jkhẩu ở Công ty Nam Việt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) –  Mười hai phiên giao dịch gần đây từ sau Tết Kỷ sửu (từ 2 đến 17-2-2009), cổ phiếu của Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đều giảm, trong đó có 11 phiên giảm sàn. Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường bán ra (bán gần 1 triệu cổ phiếu trong 12 phiên). Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ANV rớt giá là kết quả kinh doanh quí 4-2008 công ty báo lỗ 131 tỉ đồng, dù cả năm lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 106 tỉ đồng.

Nam Việt là một thí dụ điển hình về doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thị trường xuất khẩu thu hẹp

ANV là một trong những đơn vị có công đưa cá tra, cá ba sa Việt Nam vào Nga. Năm 2007 Nga trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty, góp một phần không nhỏ vào lợi nhuận ròng 370 tỉ đồng của năm đó.

Nhưng từ quí 2, đặc biệt là quí 3-2008, thị trường Nga biến động. Đầu tiên là rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm do nhà chức trách địa phương đưa ra. Trong khi Nam Việt và những công ty xuất khẩu thủy sản khác cố gắng khắc phục, vượt qua rào cản này, thì những ảnh hưởng bất khả kháng khác ập đến.

Các nhà nhập khẩu cá của Nga đã không còn được hỗ trợ tín dụng như trước để nhập hàng. Thời hạn thanh toán các đơn hàng nhập khẩu từ Việt Nam cứ bị trì hoãn dần và việc chiếm dụng vốn là điều khó tránh khỏi. Thêm vào đó, đồng rúp liên tục bị phá giá so với các ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ và euro đã đẩy các nhà nhập khẩu cá của Nga vào bước đường cùng.

Do không được thanh toán, có doanh nghiệp đã phải lặn lội sang tận Nga để đưa hàng về. Nam Việt cũng không nằm ngoài số đó.

Theo báo cáo tài chính chín tháng đầu năm 2008, ANV lãi sau thuế 237 tỉ đồng, vẫn giữ được mức tương đương của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên những dấu hiệu khó khăn đã lộ diện. Tiền và các khoản tương đương tiền khi ấy chỉ còn 48,4 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 266,4 tỉ đồng của ngày 31-12-2007.

Các khoản phải thu của công ty lên mức cao nhất trong vòng ba năm, 1.228 tỉ đồng, trong đó phải thu từ nước ngoài 393,6 tỉ đồng và thu nội bộ (chủ yếu phải thu bán các thành phẩm) 537,8 tỉ đồng. Lượng hàng tồn kho (thành phẩm là chính) ở mức báo động 782 tỉ đồng, tăng 3,4 lần so với cuối năm 2007. Nam Việt đã mua vào một lượng đáng kể nguyên liệu để dự trữ khi giá cá tra, các ba sa xuống thấp nhằm hỗ trợ nông dân. Việc này đã dẫn đến điều tất yếu là nợ ngắn hạn của công ty tăng vọt, từ 117,6 tỉ đồng tháng 12-2007 lên 704,5 tỉ đồng vào cuối quí 3-2008.

Nghe lỗ là… mừng!

Cuối năm ngoái, cả tháng trước khi báo cáo tài chính năm được công bố, một số cổ đông lớn của ANV đã dự báo công ty sẽ lỗ trong quí 4. “Thấy lỗ là… mừng” – một cổ đông đã bình luận như vậy và giải thích mừng vì có khả năng công ty đã tiêu thụ được một khối lượng hàng tồn kho, giảm nợ vay. Trong thời buổi kinh tế chật vật bây giờ, hàng tồn kho nhiều, nhất là các loại cá phải bảo quản đông lạnh, cũng đồng nghĩa với việc thua lỗ còn có thể kéo dài.

Quả đúng như thế. Đến 31-12-2008 lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của ANV tăng thêm hơn 10 tỉ đồng so với cuối quí 3, lên 59,1 tỉ đồng; các khoản phải thu giảm hơn 200 tỉ đồng (phải thu của nước ngoài giảm gần 135 tỉ đồng); hàng tồn kho giảm 166,5 tỉ đồng. Song tất cả những mức giảm đó chưa đáng kể so với lượng hàng tồn kho, nợ vay và các khoản phải thu còn lại, tương ứng là 615,5 tỉ đồng – 761,7 tỉ đồng (nợ vay ngắn hạn không giảm so với quí 3 mà còn tăng 56,5 tỉ đồng) – 1.012 tỉ đồng.

Việc thua lỗ trong quí 4-2008 của Nam Việt đã cho thấy hiệu quả kinh doanh của công ty giảm sút. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm của doanh nghiệp tăng lên so với cùng kỳ (3.358 tỉ đồng năm 2008 so với 3.200 tỉ đồng năm 2007), nhưng lợi nhuận gộp giảm đi (từ 710 tỉ đồng năm 2007 xuống 485 tỉ đồng năm 2008). Chi phí tài chính, trong đó có trả lãi vay ngân hàng, rủi ro tỷ giá tăng lên (từ 41,5 tỉ đồng lên 165 tỉ đồng); chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên (từ 44,8 tỉ đồng lên 56,7 tỉ đồng).

Khi con đường đầu ra còn gập ghềnh, từ đầu tháng 11-2008 công ty đã đưa hai nhà máy chế biến là Nam Việt và Thái Bình Dương vào đại tu. Hai nhà máy khác là Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương đang không hoạt động hết công suất.

Bão chưa tan

Vấn đề sinh tử đối với Nam Việt hiện nay chính là hàng tồn kho. Công ty đã trích 63,5 tỉ đồng giảm giá hàng tồn kho, và có thể còn phải trích thêm trong quí 1-2009. ANV đang tích cực xúc tiến tại thị trường Nga, nhưng việc tái thâm nhập thị trường này xem chừng không thể thực hiện ngày một ngày hai. Ngoài ra, dù vào lại được Nga, phương thức thanh toán vẫn là một trở ngại không thể không tính đến.

Nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất kích cầu, ANV ngay lập tức có thể tiến hành đảo nợ những khoản vay ngắn hạn nhằm giảm áp lực chi phí tài chính. Điều này sẽ giúp giảm giá thành hàng tồn kho trước mắt và tạo điều kiện tiêu thụ hàng. ANV trước đây không chú trọng thị trường trong nước, nên bây giờ quay qua khai thác thị trường này là đã quá muộn, nhất là khi những doanh nghiệp cùng ngành đã chiếm lĩnh thị trường nội địa từ lâu.

Trở lại thị trường Mỹ cũng không phải là lối đi khả quan khi mới đây Mỹ tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá cá tra, cá ba sa Việt Nam. Đầu tư cho những thị trường xuất khẩu mới trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan rộng là gian nan, song có lẽ đây là hướng mà Nam Việt phải đi, phải đổ công sức và tiền bạc nếu muốn vượt qua thời điểm thử thách hiện tại. Việc này phụ thuộc vào cả doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự tự thân vận động cần thiết trước mắt của ANV là cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, quản lý doanh nghiệp, tái cấu trúc việc sử dụng vốn. Công ty hiện vẫn còn khoản thặng dư vốn khá lớn 612 tỉ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu cho các quỹ đầu tư và tổ chức đầu năm 2007. Thay bằng sử dụng vốn một cách hiệu quả, những năm qua ANV đã đầu tư hơn 155 tỉ đồng vào chứng khoán (trong đó chủ yếu là vào ngân hàng) và 144 tỉ đồng vào các tổ chức, quỹ đầu tư. Những khoản đầu tư này được xếp vào danh mục dài hạn và không trích dự phòng rủi ro, trong khi giá trị các khoản mục đầu tư đang biến động nhiều.

Ở phía Nhà nước, xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu cá tra, cá ba sa nói riêng có lẽ nên được đưa vào chương trình hỗ trợ đặc biệt với những chính sách tạo sức cạnh tranh mạnh cho mặt hàng này. Ở các nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Sỹ… cá ba sa đa số được bán trong các siêu thị thực phẩm châu Á. Ở Paris, cá ba sa bán trong siêu thị Thanh Bình của người Việt với giá 5-6 euro/bịch từ 1 -2 ki lô gam tùy loại, ngang ngửa giá cá biển các loại của Pháp bán trong các siêu thị lớn. Vậy thì làm sao cá ba sa Việt Nam cạnh tranh nổi?

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới