Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấp Bắc – 45 năm sau trận đánh nổi tiếng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấp Bắc – 45 năm sau trận đánh nổi tiếng

Khách du lịch tại Đền tưởng niệm chiến thắng Ấp Bắc-Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Đường vào Ấp Bắc hôm nay không hề giống với những gì mà Neil Sheehan của báo The New York Times đã mô tả trong cuốn “The Bright Shining Lie”.

Chẳng phải nhà báo Mỹ từng được giải Pulitzer nổi tiếng này viết sai (mặc dù đến nay thì ai cũng đã rõ là Sheehan chưa bao giờ đặt chân đến Ấp Bắc), các bài báo vừa đăng tuần trước nhân “Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ấp Bắc- 2 /1 /1963”, và thậm chí cả những tập hồi ký của tướng tá của hai bên tham gia trận đánh, đều ghi rằng xã Hưng Thạnh ngày đó (nay là xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là vùng sình lầy nằm tít trong sâu, kênh rạch chằng chịt.

Chính vì vậy, trong đầu tôi, đường vào Ấp Bắc là một con lộ đất đen trơn trượt, đầy rẫy mìn bẫy và những mô đất được đắp cao để chống “thiết xa vận” thời đó của Mỹ, Nguỵ. Năm 1963 con lộ ấy khó đi đến nỗi xe tăng lội nước M113 của quân đội Nguỵ “cắt ruộng mà đi”, để rồi lâm vào cảnh “nằm ì một chỗ, bánh xích xoay tít làm bùn văng tung tóe”.

Bốn mươi lăm năm sau, con lộ đất “không dùng để đi” ngày nào nay đã được láng nhựa, chạy dài giữa những cánh đồng thơm ngát mùi lúa mới. Thời gian đã xóa nhòa dấu vết chiến tranh ngay trên những địa danh lừng lẫy như Waterloo, Stalingrad, Berlin hay Quảng Trị … nói chi là Ấp Bắc. Bỏ lại sau lưng sự nhộn nhịp của Quốc lộ 1A, chiếc Coaster của Tiền Giang Tourist rẽ phải vào con lộ dẫn tới Ấp Bắc. Khung cảnh thật thanh bình, thật đẹp với những bụi tre đằng ngà soi bóng xuống dòng kênh nhỏ, đằng xa một người nông dân áo vải quần nâu đang gò lưng đạp xe, yên sau là một thằng bé chừng 5 tuổi ngồi thu lu trên bao phân bón NPK!

Xe vượt qua chiếc cầu bê tông, đám du khách phương Tây nhao nhao chụp ảnh lũ trẻ con quần xanh áo trắng, khăn quàng đỏ đang nhảy dây trong sân ngôi trường tiểu học. Nhìn xuống cánh đồng đang mùa gặt, tôi không tin mảnh đất thơm mùi lúa này đã từng là chiến địa- nơi “máu đỏ loang ra trên ruộng nước, rồi ngấm dần vào đất đen”.

Chiếc Coaster dừng lại, du khách lục tục kéo xuống. Chín giờ sáng, mặt trời đã lên cao, ánh nắng loang loáng trên mặt ruộng nước. “Đây là cánh đồng đã diễn ra trận đánh lớn đầu tiên giữa quân đội Sài Gòn và lực lượng chính quy của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Các vị có thể thấy những tấm biển bê-tông đánh dấu nơi trực thăng Mỹ và xe M113 bị bắn hạ”, anh chàng hướng dẫn viên du lịch, miệng liếng thoắng. Bên trong hàng rào Đền tưởng niệm Chiến thắng Ấp Bắc, bức tượng đồng “Ba Chiến Sĩ Gang Thép” vươn cao trước dãy hiện vật trưng bày xe M-113, trực thăng UH-1, đại bác 105 ly một thời làm mưa làm gió của Mỹ Nguỵ.

Trận Ấp Bắc mở màn từ sáng sớm ngày 2-1-1963, nhằm bao vây tiêu diệt “một đại đội Việt Cộng với khoảng 100 du kích đang trú quân ở xã Tân Thới”. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin dành cho báo chí của Sà Gòn thời đó. Thực ra thì ngay từ cuối năm 1962, tình báo của quân đội Sài Gòn đã ngờ rằng có một đài truyền tin “Việt Cộng” được đặt tại Ấp Bắc- một thôn nhỏ nằm cách Mỹ Tho khoảng 25 cây số về hướng Cai Lậy (như vậy, nếu tính thêm 4 cây số từ Quốc lộ 1A vào thì Ấp Bắc cách Sài Gòn khoảng 100 cây số đường bộ). Và khi thúc hối quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân, trung tá cố vấn Mỹ John Paul Vann- người nổi tiếng nóng tính, kiêu ngạo và cố chấp- không hề che dấu ý đồ “hốt trọn ổ, cả đài lẫn lính”.

Sáng 2-1-1963, trong khi một tiểu đoàn bộ binh của Sư 7 được “trực thăng vận” vào cánh đồng Ấp Bắc thì hai tiểu đoàn “Bảo An” khác được tàu há mồm đổ xuống bờ kênh phía sau để bọc hậu. Như vậy, chưa kể Đại đội 7 Cơ giới với 12 xe thiết giáp M-113 thì tổng quân số của ba tiểu đoàn này đã là 1.400- gấp… 12 lần số địch quân dự kiến! Cũng cần nói qua về loại trực thăng H-21 mà người Mỹ “viện trợ” cho VNCH trong những năm đầu của thập niên 60. Với tên gọi đầy châm biếm là “quả chuối bay” (Flying Banana), H-21 chính là tiền thân của loại Chinook CH-46 và CH-47 đầy uy lực sau này, nhưng bản thân nó thì đầy khuyết điểm: “Chỉ cần một trong hai động cơ trúng đạn thì nó sẽ rơi tỏm như cục đá cuội!”.

Đúng như lời cảnh báo, ngay từ những phút đầu của cuộc đổ quân, hai chiếc H-21 chở đầy lính đã cắm đầu xuống ruộng (sau trận Ấp Bắc, người Mỹ đã lẳng lặng thu hồi 30 chiếc còn lại, để thay bằng loại hiện đại hơn là Huey UH-1A). Cánh “bọc hậu” phía sau lại càng thê thảm hơn: lính Bảo An, loại “dân quân” nổi tiếng bê bối và nhút nhát, đang lội bì bỏm trong bùn thì lọt vào ổ phục kích! Hai tiểu đoàn này tan tác ngay sau khi những họng đại liên của “ Việt Cộng” khạc lửa, và chỉ đến lúc này John Paul Vann- đang ngồi trên máy bay trinh sát L-19 lượn vòng- mới hiểu ra rằng địch quân không hề là “một nhúm giặc cỏ với vài ba khẩu súng ‘ngựa trời’ tự chế”.

Những tài liệu được trưng bày tại Đền tưởng niệm Chiến thắng Ấp Bắc cho biết rằng ngày ấy ở Ấp Bắc quân Giải Phóng có đến… hai đại đội (thuộc các tiểu đoàn chính quy 514 và 261, chứ chẳng phải du kích như Vann vẫn nghĩ), chưa kể những trung đội du kích và dân công địa phương. Chỉ huy trưởng “Việt Cộng” lúc bấy giờ là ông Bảy Đen- Đặng Minh Nhuận, một sĩ quan vừa từ miền Bắc trở về sau khi đã tốt nghiệp loại giỏi trường võ bị Việt Bắc!

Cuộc hành quân Ấp Bắc kết thúc ngay tối hôm đó với số thương vong nặng nề cho phía quân đội Sài Gòn: 83 lính chết tại trận, 108 bị thương- chưa kể 5 trực thăng và 1 thiết giáp bị hạ (con số ghi ở Nhà tưởng niệm là “địch bị thương vong hơn 450 tên, 3 cố vấn Mỹ chết, 8 trực thăng rơi, 3 thiết giáp M-113 bị bắn hỏng và một tàu chìm”).

Trận đánh kết thúc khi màn đêm hạ xuống. Việc quân đội Sài Gòn cho thả xuống Ấp Bắc hai đại đội lính dù thiện chiến lúc chiều tối “để thay đổi tình thế” nhưng 18 lính dù bị hạ khi máy bay C-47 “Dakota” thả họ rơi ngay vào ngôi làng do quân Giải Phóng chiếm giữ. Số còn lại thay vì phải nhảy xuống hướng Bắc để chận đường rút của “Việt Cộng”, thì đã bị thả xuống các ruộng lúa lầy lội phía Nam.

So với những chiến dịch lớn sau này như Mậu Thân 68, Hạ Lào 71 hay “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” thì Ấp Bắc chỉ là một trận đánh nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó thì lại rất quan trọng. Sau Ấp Bắc, báo chí Mỹ làm rùm beng về sự kém cỏi của “Quân lực VNCH”. Người Mỹ quyết định nhổ cái gai Diệm- Nhu (bị giết trong cuộc đảo chính tháng 11-1963), để sau đó tăng dần số lượng cố vấn quân sự và chính thức đổ Thuỷ Quân Lục Chiến vào Đà Nẵng năm 1965.

Ngày nay, để đến Ấp Bắc bạn có 3 phương án: một, liên hệ với văn phòng đại diện của Tiền Giang Tourist tại TPHCM- 08.8263 5678; hai, trực tiếp 073.873 477 tại Mỹ Tho, vì đến nay Ấp Bắc vẫn chưa nằm trong tours chính thức nào; và ba, đến Mỹ Tho bao “xe ôm” đi Ấp Bắc- giá đi về (50 cây số) khoảng 120.000 đồng /khách. Đây, theo tôi, là cách…dễ chịu nhất!                                                                                                  

KINH LUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới