Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Áp dụng ‘4 tại chỗ’ để vừa ứng phó thiên tai vừa phòng chống dịch

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xác định phải đối mặt với thách thức kép từ tháng 10 tới khi phải vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão hằng năm, Trung ương và các địa phương đã lên những phương án, theo hướng áp dụng “4 tại chỗ”.

Bảo đảm an toàn các cơ sở y tế

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, giông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Nhiều địa phường tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngập sâu trong nhiều ngày do 13 cơn bão liên tiếp gây ra vào cuối năm 2020. Ảnh: Hoài Bạch

Tính đến hết tháng 5-2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương và ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỉ đồng.

Theo nhận định của trung tâm này, thiên tai tiếp tục có xu thế ngày càng bất thường, lưu vực sông Đà có khả năng xuất hiện lũ lớn vào cuối mùa lũ, nguy cơ rủi ro cao khi các hồ không còn khả năng cắt lũ. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội và ưu tiên tối đa cho phòng chống dịch. Vì vậy, trung tâm này nhận định đây là một thách thức kép cần giải quyết.

Trước tình hình này, ngày 23-8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký thay Thủ tướng ban hành văn bản về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bên liên quan rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai.

Bộ Y tế cũng phải phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh đối với công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương có dịch.

“Bốn tại chỗ” để đảm bảo an toàn

Bên cạnh an toàn các cơ sở y tế, thì việc đảm bảo các công trình điện trong quan trọng vì đây là điều kiện rất quan trọng để công tác y tế và phòng chống bão lũ được thực hiện xuyên suốt, đặc biệt tại các khu đang khám chữa bệnh.

Người dân ở Đà Nẵng lấy cát ngoài biển để chèn chống nhà cửa, ứng phó với bão năm ngoái. Năm nay, dự báo việc ứng phó với mưa bão sẽ khó khăn hơn khi dịch Covid-19 vẫn còn đang nguy hiểm. Ảnh: Nhân Tâm

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lên phương án chuẩn bị công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời thiệt hại nếu mưa bão tác động. Đó là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.

Những thông tin này được đề cập trong một cuộc họp trực tuyến vào tuần trước của EVN với các đơn vị nhằm rà soát công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cụ thể, khi mưa bão, lũ xảy ra, việc chuyên chở vật tư, lương thực, thuốc men khó khăn, có thể xảy ra tình trạng thiếu vật tư, nhu yếu phẩm, thuốc men. Trong tình hình dịch bệnh, công tác kiểm tra đường dây truyền tải, các vị trí cột trước, trong và sau bão lũ khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, để ứng phó với việc này, các đơn vị chuẩn bị kỹ nhân lực, vật tư sẽ giúp công tác khắc phục nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, EVN rất cần chính quyền địa phương phối hợp, hỗ trợ  chặt tỉa, giải phóng cây nguy hiểm, các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp,… trước mưa bão.

Bên cạnh đó, tại buổi họp, các đơn vị cũng kiến nghị địa phương và công an, quân đội phối hợp giúp đỡ phương tiện, vật tư, nhân lực trong di chuyển và kiểm tra, phòng chống, khắc phục thiên tai; đồng thời cấp giấy phép cho các đơn vị của EVN được di chuyển trong khu vực bị giãn cách, để theo dõi, xử lý sự cố, kiểm tra tuyến đảm bảo an toàn vận hành cung cấp điện và thực hiện nghiêm các quy tắc phòng chống dịch.

Đại diện Công ty Truyền tải điện 3 cho biết hiện đang quản lý vận hành 20 trạm biến áp (TBA) 500kV và 220kV trải dài trên địa bàn 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Từ tháng 6-2017 đến nay, PTC 3 đã lần lượt đưa vào vận hành mô hình TBA không người trực đối với 14/15 TBA 220kV.

Ngoài những giải pháp, phương án, kịch bản được xây dựng để ứng phó trước mùa mưa bão đối với công tác quản lý vận hành TBA nói chung, thì đối với các TBA không người trực, công ty đặc biệt lưu ý trong việc huy động toàn bộ lực lượng tổ thao tác lưu động  có mặt tại TBA để cùng phối hợp, ứng phó, xử lý các sự cố có thể xảy ra do ảnh hưởng của mưa bão. Trong những trường hợp khẩn cấp, sẵn sàng huy động lực lượng từ phòng kỹ thuật, an toàn các truyền tải điện khu vực, công nhân các đội đường dây để hỗ trợ.

Địa phương chuẩn bị ra sao?

Để chủ động phòng, tránh và ứng phó với thiên tai năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản, nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, cũng đang lên các phương án cụ thể.

Các quân nhân đang hỗ trợ dọn sạch bùn đất tại một ngôi trường tại huyện Nam Trà My sau trận sạt lở đất do mưa lớn vào cuối năm 2020. Ảnh: Nhân Tâm

Trong năm 2020 vừa qua, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều loại hình thiên tai xảy ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra trong năm 2020 trên địa bàn huyện hơn 132,9 tỉ đồng.

Trong cuộc họp mới đây, UBND huyện Quảng Điền cũng đã đưa ra phương án vừa giảm thiểu đến mức những thiệt hại do thiên tai gây ra vừa chống dịch hiệu quả. Quảng Điền sẽ tập trung vao phương châm 4 tại chổ, tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão cũng như tăng năng lực cộng đồng trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngày 23-8, UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn năm 2021 để chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy thành phố Huế, cho biết thành phố sẽ phân công lực lượng để tham gia vừa chống dịch vừa chống mưa bão một cách rõ ràng và hiệp lý.

“Khi dịch và bão lũ cùng đến thì Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai sẽ cùng ngồi với Ban chỉ đạo phòng chống dịch để thống nhất điều hành, và giải quyết các vấn đề phát sinh”, ông Định cho biết.

Cụ thể, một trong những điểm quan trọng trong kế hoạch này là dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng dễ bị chia cắt, cô lập khi lũ, lụt xảy ra, đi lại khó khăn. Một số địa phương khác cũng đang chuẩn bị lên phương án.

UBND tỉnh Bình Định vừa yêu cầu tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, xây dựng và triển khai nhiệm vụ năm 2021 sát với tình hình thực tế, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.  Trong đó, công an tỉnh được yêu cầu rà soát lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần; tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự các vùng xảy ra mưa lũ, bão trong điều kiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong điều kiện giãn cách phòng, chống dich bệnh Covid-19 thuộc quyền quản lý. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để tham gia các hoạt động phòng tránh, ứng phó thiên tai.

Cũng trong ngày 23-8, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tỉnh ủy đề nghị xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão, nhất là phương án dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ đảm bảo phục vụ người dân khi xảy ra thiên tai và phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể với phương châm “4 tại chỗ” khi bị thiệt hại kép: Bão, lũ và dịch bệnh Covid-19).

UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phòng, chống thiên tai, bão lũ.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành Quyết định số 16/QĐ-TWPCTT ngày 23-8-2021 về việc ban hành tạm thời Sổ tay hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.Sổ tay tập trung hướng dẫn địa phương xây dựng phương án ứng phó, thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ, trách nhiệm nhiệm vụ của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở; chủ động tham gia, phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai và phòng chống dịch tại địa phương; bổ sung nội dung phòng chống dịch bệnh trong thực hiện kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới