Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Áp lực cao, lương tăng chưa tương xứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Áp lực cao, lương tăng chưa tương xứng

Phương Anh

Áp lực cao, lương tăng chưa tương xứng
Minh họa: Khều.

(TBVTSG) – Tỷ lệ thất nghiệp trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) năm nay còn cao hơn năm trước, nhưng lương bổng của nhân viên không vì thế mà suy giảm. Điều đáng nói là, trong khi nói hài lòng với chuyện thu nhập, nhiều người vẫn tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn.

Trang báo mạng Computerworld.com (Mỹ) ngày 27-9, dẫn kết quả thống kê thường niên của Viện Điện tử và Kỹ sư điện tử Mỹ (IEEE-USA), cho biết mặc dù nền kinh tế Mỹ suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp của ngành CNTT tăng nhưng mức thu nhập bao gồm cả lương bình quân, tiền thưởng, tiền phụ cấp các loại của nhân viên đã tăng từ 113.500 đô la Mỹ trong năm 2009 lên 118.000 vào năm 2010, tăng 3,96%. Đối với kỹ sư phần mềm, mức lương bình quân đã tăng từ 104.000 đô la vào năm 2009 lên 109.000 trong năm 2010, tăng 4,8%. Năm 2008 khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế, con số bình quân này là 105.210 đô la.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở giới kỹ sư của các ngành nghề là 4,5%, kỹ sư phần mềm là 4,6% và chuyên gia về máy tính là 5,4%. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với mức thất nghiệp bình quân hằng năm của nhóm kỹ sư ở nước này.

Tổng thống Mỹ Obama gần đây kêu gọi đào tạo thêm 10.000 kỹ sư mỗi năm. Những kỹ sư tương lai này chủ yếu sẽ làm việc trong ngành công nghệ truyền thông – lĩnh vực có mức thu nhập cao nhất hiện nay ở Mỹ với 135.000 đô la/năm. Tuy vậy, mức lương không tăng ở tất cả các hạng mục việc làm liên quan đến ngành kỹ thuật CNTT. Đối với mảng việc làm về phát triển phần mềm không liên quan đến Internet, như các phần mềm hệ thống cho các lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy móc và máy tính cá nhân, thì mức lương chỉ dừng lại ở khoảng 114.600 đô la, giảm 0,35%.

Khối lượng công việc và sự căng thẳng trong công việc cứ như quả bóng bị bơm căng nhưng các nhân viên CNTT vẫn luôn được các ông chủ nhắc nhở phải làm việc sao cho đạt hiệu suất cao nhất… vì họ đang hưởng mức lương cao. Rất nhiều người được hỏi nói rằng sự đòi hỏi của giới chủ là hợp lý, rằng họ hài lòng với mức thu nhập cũng như việc làm hiện tại. Dù vậy, không ít người trong họ đang ngóng tìm cơ hội việc làm khác vì cho rằng mức lương cao hiện hữu vẫn chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra.
Kết quả của cuộc khảo sát dưới đây do Computerworld Philippines Research Group thực hiện trong thời gian từ tháng 3 đến 6 vừa qua về tiền lương, sự hài lòng và việc làm CNTT sẽ nói rõ hơn.

Lương tăng… vẫn tìm cơ hội khác

Không như những năm qua khi hầu hết các nhân viên, chuyên gia CNTT khẳng định họ không hài lòng với mức lương được trả, khoảng 47% số người được hỏi trong năm nay nói họ được hưởng lương tương đương với mức lương bình quân của ngành CNTT, trong khi 6% cho biết có mức lương cao hơn bình quân.
Đa số những người được hỏi cho biết công ty của họ vẫn duy trì việc trả lương hấp dẫn hơn so với những công ty khác, họ vẫn cảm thấy áp lực công việc gia tăng theo thời gian và khối lượng công việc. Jonathan Caldoza, Giám đốc CNTT của Global-Link MP Events International Inc., nói rằng nhân viên dưới quyền của mình hài lòng với mức lương được hưởng. Bản thân ông cũng thấy hài lòng với số tiền mình mang về nhà nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Công việc cũng đòi hỏi rất cao ở người làm việc”.

Điều này cũng có thể hiểu được khi kết quả thống kê chỉ ra là có đến 47% trong số những người nói trên lại cảm thấy họ được nhận ít hơn so với mức họ đáng được hưởng – ý là lương thực nhận không tương xứng với công sức làm việc của họ đã bỏ ra.

Dù mức thù lao thấp hơn mong đợi không phải là lý do chính khiến người làm việc tỏ ra bất mãn với giới chủ nhưng việc này lại gây nên những ảnh hưởng nhất định đến tinh thần làm việc và hiệu suất lao động của họ. Tình trạng nhân viên “đứng núi này trông núi nọ” xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Ông Jonathan Caldoza cũng đề cập đến thói quen của các doanh nghiệp là thường chỉ lưu tâm đến những vấn đề cấp kỳ mà lại bỏ qua những mối bận tâm nhỏ của nhân viên; nên cũng thường thấy nhân viên sẵn sàng rời khỏi công ty vào bất cứ lúc nào chỉ vì cảm thấy không được tôn trọng.

Không bù được sự trượt giá

Theo kết quả cuộc khảo sát, khoảng 62% những người được hỏi cho biết có mức lương trung bình hằng năm tăng từ 5% đến hơn 15%. Tỷ lệ lạm phát trung bình là 3,8% hồi năm ngoái đã lên 4,2% trong năm tháng đầu năm nay. So sánh giữa mức lương tăng và mức lạm phát thì kết quả của việc tăng lương được xem là tốt. Tuy vậy, kết quả của cuộc khảo sát lại chỉ ra rằng chỉ có 2% số người được hỏi trả lời được tăng lương cao hơn 15%, trong khi có khoảng 36% tiết lộ mức lương sau khi tăng vẫn thấp hơn lương bình quân của ngành những 5%.

Có khoảng 68% người lao động ngành CNTT nhận được tiền lương thấp hoặc khiêm tốn mong đợi được tăng lương trong năm nay, so với khoảng 32% số người nói họ không có hy vọng được tăng lương, hoặc thậm chí chẳng nhận được bất kỳ khoản tăng thù lao nào.

Ngoài lương, các hình thức thưởng theo dự án, quý, năm, giữa năm, theo dịp lễ kỷ niệm cũng đang được nhiều công ty áp dụng như một cách ưu đãi để giữ chân nhân viên.

Tuy nhiên, cùng với mức lương hiện tại, những ưu đãi về tiền thưởng cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất làm hài lòng nhân viên CNTT. Bằng chứng là tình trạng “nhảy việc” vào những nơi có mức lương cao vẫn xảy ra và vẫn có những công ty chịu trả mức thù lao cao gấp 10-200% cho một vị trí công việc tương đương.

Động lực thăng tiến nghề nghiệp

Ngoài phần thưởng về tài chính, phần lớn các chuyên gia CNTT xem việc học tập những kỹ năng mới, sự thăng tiến nghề nghiệp, tính an toàn của công việc, làm việc với công nghệ tiên tiến là những động lực nghề nghiệp hàng đầu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm lãnh đạo của mình, ông Caldoza cho rằng sự khéo léo của giới chủ là điều vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Caldoza cho biết ông luôn lựa chọn những nhân viên phù hợp cho các dự án, phân việc theo thế mạnh của từng người và khuyến khích họ tiếp cận công nghệ mới. “Tôi nghĩ, công nghệ mới giống như một món đồ chơi mới, ai cũng rất thích và muốn chơi, và nhờ nó người ta có thể tạo ra những điều mới mẻ khác”, Caldoza nói.

Những yếu tố khiến các nhân viên CNTT quan tâm đến kết quả khảo sát có khác đôi chút và được xếp theo thứ tự là mức lương, tiền thưởng, việc tiếp cận với công nghệ mới, các chương trình khuyến mãi và an ninh việc làm. Mặt khác, nhóm những điều ít quan trọng hơn mà nhân viên CNTT yêu thích gồm số giờ làm việc hành chính ít hơn, có thể làm việc từ xa, được trả tiền làm thêm giờ, làm việc với giờ giấc linh hoạt, có chương trình chăm sóc trẻ em, các khoản phúc lợi cho nhân viên và sử dụng hệ thống nhận dạng.

Chín trong 10 người được hỏi cho biết họ hài lòng với công việc được giao vì môi trường làm việc của họ đã được cải thiện rất nhiều. Chẳng hạn, họ được tiếp cận với công nghệ mới, được hỗ trợ khi phải đối mặt với sự thách thức trong công việc, có mối quan hệ tốt hơn với các cán bộ quản lý, được tự do trong việc đưa ra các quyết định. Ở khía cạnh khác, những người này cho rằng công việc quá tải, tình trạng thiếu nhân sự kéo dài dẫn đến sự mỏi mệt do choàng gánh công việc, kiêm nhiệm cũng khiến hiệu suất công việc kém, sự thiếu định hướng của ban lãnh đạo… cũng dễ làm nhân viên chán nản.

Làm nghề và làm kinh doanh

Cuộc khảo sát cũng tiết lộ rằng việc trang bị những kỹ năng như an ninh thông tin, quản lý dự án, mạng lưới, phát triển web và lập trình sẽ giúp các nhân viên CNTT tiến xa hơn trong năm nay. Tuy nhiên, có đến 66% số người được hỏi tin rằng họ có thể kết hợp được giữa việc làm chuyên môn CNTT và việc kinh doanh. Trong khi đó, 22% khác nói muốn tham gia nhiều hơn về khía cạnh kỹ thuật, 12% còn lại khẳng định muốn tham gia nhiều hơn ở khía cạnh kinh doanh trong các công việc của họ.

Cho dù là nam hay nữ, thì phần đông nhân viên tham gia khảo sát nói họ đã được đối xử công bằng ở công ty. Họ được đánh giá dựa trên hiệu suất công việc và được trả tiền như nhau cho các công việc tương tự. Chỉ có khoảng 13% tuyên bố rằng nam nhân viên trong tổ chức của họ được trả tiền nhiều hơn phụ nữ trong khi 1% cho biết tổ chức của họ không thuê nữ chuyên gia CNTT.

Mức độ căng thẳng do việc làm vẫn cao

Do việc mở rộng trách nhiệm trong công việc, mức độ căng thẳng liên quan đến công việc trong bộ phận CNTT của hầu hết các tổ chức vẫn còn cao. 45% nhân viên ở các công ty được khảo sát nói rằng vẫn cảm thấy áp lực trong công việc, trong khi 13% thì nói tình trạng căng thẳng này có thuyên giảm. Còn 42% khác vẫn cho rằng, mức độ căng thẳng do việc làm ở công ty họ không hề thay đổi.

Nói chung, sẽ không có người rời bỏ công việc của mình trừ khi anh ta nhận được một mức thu nhập tốt hơn cho một công việc tương tự ở một nơi khác. Đây là lý do lớn thứ nhất được đúc kết từ kết quả của cuộc khảo sát được nhắc đến ở đầu bài viết. Thăng tiến đến một vị trí lãnh đạo cao hơn và phát huy những khả năng cá nhân là lý do lớn thứ hai khiến nhân viên rời khỏi công ty và công việc của mình. Duy trì môi trường văn hóa ứng xử đẹp và công nghệ tốt giúp các nhân viên thấy thoải mái, vui vẻ là điều rất quan trọng. Điều không thể bỏ qua là khuyến khích nhân viên tiếp cận và sử dụng các công nghệ, sản phẩm mới vừa để giúp họ không bị nhàm chán, vừa có thể giúp họ phát triển tay nghề của mình.

(Theo Computerworld, IDG News Service)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới