Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Áp lực chính trị lên nền kinh tế thế giới năm 2019

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Áp lực chính trị lên nền kinh tế thế giới năm 2019

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các quyết sách và phản ứng của các chính phủ trên thế giới trong môi trường chính trị ngày càng gia tăng bất ổn sẽ tạo ra một số rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới trong năm 2019, theo một báo cáo của Bloomberg Economics.

Nguy cơ dư thừa dầu vì kinh tế châu Á suy yếu

Áp lực giảm phát đe dọa kinh tế Trung Quốc

Áp lực chính trị lên nền kinh tế thế giới năm 2019
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc là rủi ro chính trị lớn đối với kinh tế thế giới năm 2019. Ảnh: SCMP

Báo cáo cho rằng trong năm tới, chu kỳ tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu có thể vẫn chưa đến hồi kết nhưng các rủi ro đang lớn dần và các điểm nóng chính trị dưới đây có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chiến tranh thương mại

Dù cho thỏa thuận đình chiến Mỹ – Trung được giữ vững, cuộc chiến thương mại này có thể chỉ là giai đoạn khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế kéo dài. Nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện các lời đe dọa gia tăng áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bloomberg Economics ước tính điều này sẽ làm GDP của Trung Quốc bị mất khoảng 1,5 điểm phần trăm trong năm 2019, tức GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại về mức 5% trong năm sau. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu

Căng thẳng giữa chính phủ dân túy ở Ý và EU

Chính phủ dân túy của Ý đang kẹt trong cuộc tranh cãi kịch liệt với Liên minh châu Âu (EU) về một kế hoạch chi tiêu lớn, gây lo lắng cho giới đầu tư và các nhà chức trách của EU. Năm 2019 có thể là năm quyết định thành bại không chỉ cho chính phủ dân túy của nước Ý mà còn là khả năng của EU trong việc áp đặt kỷ luật ngân sách lên các nước thành viên.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong báo cáo đánh giá hàng năm về kế hoạch chi tiêu của các quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) rằng ngân sách của Ý “đặc biệt không tuân thủ” các giới hạn mà EU đặt ra.

Căng thẳng giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền bao gồm đảng dân túy Phong trào năm sao và đảng cực hữu chống nhập cư Liên đoàn phương Bắc, có thể chứng kiến sự sụp đổ của liên minh này trước hoặc sau cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019. Điều này sẽ nhấn chìm nước Ý vào một cơn hỗn loạn chính trị khác. Ngay cả khi nếu chính phủ liên minh trụ vững, Ý có thể chịu áp lực ở các thị trường tài chính. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ý đang ở mức cao nhất trong hơn 4 năm qua.

Brexit

Những xung đột trên chính trường nước Anh đã làm mờ mịt con đường rời khỏi EU của Anh (hay còn gọi là Brexit). Hiện tại, nội bộ chính trị Anh có rất ít sự đồng thuận về cách mà Anh rời EU. Giữa tình hình bất ổn, rủi ro thay đổi thủ tướng hoặc chính phủ vẫn rất cao. Không đạt được thỏa thuận về Brexit có nghĩa là vào năm 2030, GDP của Anh sẽ thấp hơn 7% so với trường hợp Anh ở lại bên trong EU.

Một thỏa thuận Brexit bao gồm điều khoản cho phép Anh vẫn ở lại trong liên minh hải quan EU vẫn sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Anh. Trong viễn cảnh đó, GDP của Anh có thể thấp hơn 3% vào năm 2030.

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát

Tại Mỹ, đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào hồi đầu tháng 11. Hạ viện Mỹ có thể làm tê liệt chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump, mở lối cho các cuộc điều tra nhằm vào chính quyền của ông, cuộc vận động tranh cử trước đây của ông cũng như đế chế kinh doanh của gia đình ông. Điều này cũng có nghĩa nước Mỹ có thể trải qua hai năm bế tắc chính sách trong nhiệm kỳ còn lại của ông Trump.

Một hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát cũng có thể phát động nỗ lực luận tội đối với ông Trump; nếu kịch bản này xảy ra số phận của ông Trump sẽ do Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm đa số ghế, định đoạt.

Các cuộc bầu cử

Năm 2019 sẽ chứng kiến nhiều cuộc tổng tuyển cử ở các nền kinh tế mới nổi và lập trường chính sách của các chính phủ mới có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với sự ổn định của thị trường.

Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Nigeria là những nền kinh tế mới nổi lớn tổ chức bầu cử vào năm sau. Giống như cuộc tổng tuyển cử gần đây ở Brazil, những ứng cử viên mạnh mẽ với nền tảng chính trị phi truyền thống tiếp tục gây sức hút. Trong số những nền kinh tế phát triển, Canada và Úc sẽ tiến hành bầu cử vào năm sau nhưng các thay đổi chính sách mạnh mẽ ít khả năng xảy ra ở hai nước này.

Địa chính trị Trung Đông và giá dầu

Đà suy giảm kéo dài của dầu thô đã khiến chính trường Trung Đông gây sự chú ý trở lại. Triển vọng mối quan hệ Mỹ và Iran cũng như phương hướng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh về bất kỳ động thái cắt giảm sản lượng nào sẽ tác động lớn đến thị trường dầu.

Quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia cũng đang được quan sát chặt chẽ. Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ không để vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi gây tổn thương mối quan hệ của hai nước và cảnh báo nếu Mỹ tuyệt giao với Saudi Arabia, giá dầu sẽ tăng phi mã.

Các tranh chấp biển ở châu Á

Trong khi Triều Tiên đã theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp biển ở châu Á gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể là điểm dễ bùng phát xung đột nhất trong khu vực.

Mỹ đang lên kế hoạch đẩy mạnh các thực hành tự do hàng hải ở Biển Đông và điều này sẽ làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn đến một biến cố với Trung Quốc. Trong khi đó, các tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông vẫn là mối lo ngại thường trực.

Thiên nga đen

Thuận ngữ “Thiên nga đen” (Black swan) ám chỉ đến một sự kiện bất ngờ mà khi xảy ra sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

“Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu ít liên quan đến một nước cụ thể vì đó có thể là một vụ tấn công khủng bố điên cuồng”, Robin Niblett, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách Chatham House ở London, nói khi đề cập đến một sự kiện “thiên nga đen”.

Niblett  cho rằng một vụ tấn công nghiêm trọng có thể xảy ra dưới bất cứ hình thức nào bao gồm tấn công mạng, có thể khơi mào cho các phản ứng tiêu cực từ các chính phủ và sẽ giáng những hậu quả nặng nề lên nền kinh tế thế giới.

Theo Hiệp hội Quốc gia về nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và ứng phó chủ nghĩa khủng bố thuộc Đại học Maryland (Mỹ), năm 2017 chứng kiến 10.900 vụ tấn công khủng bố, giết chết hơn 26.400 người nhưng số vụ tấn công khủng bố đã giảm trong năm thứ ba liên tục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới