(KTSG Online) – Tám dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2021) sử dụng 100% vốn đầu tư công, trong đó có nhiều dự án đã phải chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) ban đầu sang đầu tư ngân sách, sắp đi vào hoạt động nhưng lại chưa có phương án thu phí.
Dự án đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đã đi vào vận hành trong tháng 2 vừa qua là dự án Cao Bồ- Mai Sơn (1.607 tỉ đồng). Bảy dự án còn lại, từ hơn 5.000 tỉ đồng đến hơn 14.000 tỉ đồng gấp rút được thi công suốt 2 năm qua hoàn toàn từ vốn ngân sách cũng sắp đi vào hoạt động trong thời gian từ 4 tháng đến 1 năm tới.
Nhà nước đã bỏ ra 65.268 tỉ đồng cho 8 dự án, gây áp lực lên nguồn ngân sách hạn hẹp và cần thêm ngân sách cho các chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do đó, phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2021 càng được đặt ra, nhất là để có vốn bổ sung cho 12 dự án nối tiếp trên tuyến cao tốc này giai đoạn tới. Bộ GTVT đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét về phương án thu hồi vốn do Tổng cục Đường bộ (TCĐB) trình đầu tháng 12-2021 để sớm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện tại, tuyến cao tốc Cao Bồ- Mai Sơn đã đi vào hoạt động nhưng nhà nước chưa có lộ trình thu phí.
TCĐB đề xuất lên Bộ Tài chính một phương án tổ chức quản lý, khai thác, vận hành duy nhất. Theo đó, TCĐB là cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, Bộ Tài chính xác định mức thu phí và TCĐB có trách nhiệm giám sát thu phí. Dự kiến mức thu phí là 1.000 đến 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, số phí thu được nộp về ngân sách.
Cái khó của phương án này là bên thực hiện thu phí không phải là bên thực hiện bảo dưỡng, duy tu. Hay nói khác đi là một bên chỉ thu tiền, còn chi tiền bảo dưỡng, bảo trì lại là bên khác thì không thể đồng bộ và khó quy trách nhiệm.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất các phương án để thu hồi vốn đầu tư như: đấu giá quyền thu phí, quản trị tư… theo Luật PPP để lựa chọn phương án hiệu quả hơn.
Hiện tại, trong Luật giá chưa có giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Do vậy, muốn thu phí trên các tuyến đường do Nhà nước đầu tư phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành sửa Luật giá, bổ sung dịch vụ và giao cho Chính phủ quyết định hình thức thu và mức độ thu phí cụ thể.
Bộ Tài chính và nhiều hiệp hội muốn thực hiện phương án chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn như đã áp dụng đối với dự án cao tốc TPHCM- Trung Lương. TCĐB thì không muốn phương án này vì cho rằng, để thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì tài sản đó đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng. Còn các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đều là các dự án mới đầu tư, việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật cần triển khai các thủ tục lập dự án mới, gắn với việc nâng cấp mở rộng là hết sức phức tạp.
TCĐB còn cho rằng, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông được xây dựng với các số liệu doanh thu và chi phí đều mang tính dự báo, dẫn đến việc khó xác định giá khởi điểm để đấu giá (đấu thầu) lựa chọn nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền khai thác và bảo trì.
Tuy nhiên, thực tế theo Luật PPP hiện nay có hình thức hợp đồng kinh doanh- quản lý (O&M) rất nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện phương án chuyển nhượng quyền khai thác các dự án nói trên theo hình thức này. Đây là cách doanh nghiệp vừa khai thác, vừa quản lý, bảo trì còn Nhà nước thu ngay được những khoản tiền lớn.
Sau 8 dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2017-2021, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II (2021-2025) với tổng chiều dài 729 km từ Bãi Vọt đến Cà Mau. Với tổng mức đầu tư dự kiến 146.990 tỉ đồng và nhu cầu giải ngân rất lớn trong giai đoạn tới, ngân sách cần dòng tiền quay vòng từ việc thu phí nhằm thu hồi phần vốn đầu tư cho dự án để có thêm ngân sách cho các dự án tiếp theo.