Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Áp thuế tự vệ phân bón: Gánh nặng “đổ” lên nông dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Áp thuế tự vệ phân bón: Gánh nặng “đổ” lên nông dân

Trung Chánh

Áp thuế tự vệ phân bón: Gánh nặng “đổ” lên nông dân
Gánh nặng chi phí "đổ" lên đầu nông dân do áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (trước đó là biện pháp tự vệ tạm thời) đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP của Bộ Công Thương đã đẩy hàng triệu nông dân rơi vào cảnh khó khăn do chi phí đầu tư tăng cao.

Ngày 2-3 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm phân bón có DAP và MAP từ các nước và vùng lãnh thổ. Mức thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng đối với các sản phẩm nêu trên từ ngày 7-3-2018 đến ngày 6-3-2019 là 1.128.531 đồng/tấn; từ ngày 7-3-2019 đến ngày 6-3-2020 là 1.072.104 đồng/tấn và từ ngày 7-3-2020 trở đi là 0 đồng/tấn (nếu không gia hạn). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7-3-2018.

“Khốn đốn” vì giá tăng cao

Trao đổi với TBKTSG Online về việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với phân DAP và MAP, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VINACAM, cho rằng mục đích của việc này nhằm làm giảm lượng DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam. Bởi, nếu muốn nhập khẩu vào Việt Nam, ngoài việc chịu thuế nhập khẩu 6% đối với các quốc gia không có Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Việt Nam, thì phải chịu thêm khoản thuế tự vệ (thuế nhập khẩu bổ sung) tương ứng trong từng thời điểm như nêu ở trên.

Theo ông Hải, trường hợp nếu giá phân thế giới bình ổn như trước khi áp dụng biện pháp này, thì mức giá tăng thêm khi sản phẩm được bán ra sẽ tương ứng với khoản chịu thuế tự vệ trở lên, tức gồm khoản đánh thuế 6% như từ trước nay cộng với mức thuế bổ sung (từ ngày 7-3-2018 đến 6-3-2019, chịu mức thuế là 1.128.531 đồng/tấn). Còn nếu giá phân thế giới tăng, thì giá bán trong nước bao gồm các khoản như trên cộng với giá nhập khẩu tăng. “Như vậy, sau khi áp dụng biện pháp này, giá phân bón đương nhiên đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên tương ứng như thế. Còn nếu giá thế giới tăng, đương nhiên giá sẽ càng cao thêm nữa”, ông cho biết

Một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người chịu thiệt từ quyết định trên của Bộ Công Thương? Ông Hải khẳng định: “Tất cả người nông dân phải gánh chịu, còn doanh nghiệp kinh doanh không có ảnh hưởng gì cả vì mua cao, thì bán cao”.

Ông Lê Quốc Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho rằng, thông thường biện pháp áp thuế tự vệ được đưa ra khi giá thành sản xuất trong nước cao hơn giá nhập khẩu. “Còn bây giờ, giá bán DAP trong nước rẻ hơn giá nhập khẩu nữa, thì áp thuế tự vệ là sao?”, ông nêu vấn đề.

Theo ông Phong, giá nhập khẩu DAP đã cao và bây giờ cộng thêm thế tự vệ cao nữa, thì cuối cùng gánh nặng chi phí gia tăng đều đổ lên vai người nông dân, vốn là người sử dụng cuối cùng.

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, tại khu vực Tiền Giang, giá phân DAP nhập khẩu từ Úc hiện được các đại lý cấp 1 cung cấp ra thị trường (bán lẻ) với giá 600.000 đồng/bao 50 kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức giá chỉ 470.000 đồng/bao. Các loại phân DAP nhập khẩu khác cũng đã tăng 120.000-130.000 đồng/bao 50 kg.

“Ép” nông dân “giải cứu” nhà máy DAP thua lỗ?

Ông Phong cho rằng, mục đích áp thuế tự vệ nhập khẩu phân DAP và MAP của Bộ Công Thương là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước, mà cụ thể ở đây là hai đơn vị thuộc Bộ Công Thương là nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai. “DAP sản xuất trong nước chỉ có 2 nhà máy thuộc tập đoàn hóa chất của Bộ Công Thương, mà khi bộ áp thuế này, tức là đang bảo vệ nhà sản xuất của mình, chứ không phải là nhà sản xuất bên ngoài nào hết”, ông Phong cho biết.

Đi đôi với mục đích hạn chế lượng phân DAP nhập khẩu vào Việt Nam như nêu ở trên, theo ông Hải của VINACAM, doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, vì sẽ được tăng giá bán sản phẩm một cách "hợp lý".

Tuy nhiên, theo ông Hải, đây là một điều bất cập. Bởi, sau khi Chính phủ có chủ trương không sử dụng ngân sách để “giải cứu” doanh nghiệp (Nhà nước) thu lỗ, thì việc đưa nông dân vào tình thế buộc phải mua phân giá cao để doanh nghiệp thua lỗ có lãi hoặc giảm lỗ cũng đồng nghĩa với việc gián tiếp "ép" nông dân “giải cứu” cho doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước đang thua lỗ. Đây là điều không công bằng.

Theo ông Hải, khoản lợi nhuận (có thể có) hoặc giảm lỗ đem lại cho doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước sẽ không “thấm” vào đâu so với việc nông dân phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng cho việc mua phân giá cao.

Có nên tiếp tục áp thuế tự vệ?

Từ những vấn đề nêu trên, ông Phong cho rằng, thay vì sử dụng biện pháp hành chính là áp thuế, thì nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước ngang tầm với khu vực, ví dụ như ngang tầm sản phẩm của Trung Quốc để cạnh tranh. “Nếu trong trường hợp đã nâng cao chất lượng sản phẩm, mà người nông dân vẫn không chấp nhận sử dụng thì đành chịu, chứ không thể áp dụng biện pháp hành chính, đổ lên đầu người nông dân được”, ông cho biết.

Ông Hải giải thích lý do 2 nhà máy DAP trong nước hoạt động không hiệu quả vì không có sự đầu tư đúng mức cho công nghệ, nên chất lượng sản phẩm đầu ra không tốt, người nông dân không mua.

Theo ông Hải, đứng về lợi ích của người nông dân và xã hội, thì cơ quan quản lý chuyên ngành nên chấm dứt việc áp thuế tự vệ nhập khẩu phân bón DAP và MAP. Bởi, như đã nêu ở trên, ngoài việc nông dân phải chịu chi phí đầu tư cao, biện pháp này rất có thể khiến các nước bị áp thuế sử dụng biện pháp trả đũa đối với hàng nông sản của Việt Nam. “Như vậy, nông dân sẽ thiệt đơn thiệt kép, tức phải mua phân bón giá cao, trong khi giá nông sản bán ra có thể thấp vì người ta có thể sử dụng thuế đáp trả chẳng hạn như vậy”, ông Hải giải thích. Doanh nhân này cũng bổ sung thông tin là Trung Quốc hiện đang nhập khẩu đến 50% lúa gạo của Việt Nam (bao gồm cả tiểu ngạch). Trong khi đó, với mặt hàng phân bón DAP, Việt Nam cũng nhập nhiều nhất từ quốc gia này.

Mời xem thêm:

Áp thuế tự vệ đối với phân bón: liệu có khả thi?

Áp thuế tự vệ phân bón DAP bảo vệ ai?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới