Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

APEC hướng đến 3 trụ cột để phát triển bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

APEC hướng đến 3 trụ cột để phát triển bền vững

Ngọc Hùng

APEC hướng đến 3 trụ cột để phát triển bền vững
Ông Bùi Thanh Sơn (giữa) tại buổi họp báo quốc tế chiều tối ngày 30-8. Ảnh: NH

(TBKTSG Online) – Kinh tế, tài chính và xã hội là ba trụ cột bao trùm đến sự phát triển bền vững của APEC. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu hai trụ cột kia không theo kịp; và ngược lại, nếu hiệu quả một trụ cột được nâng cao sẽ tác động thuận lợi đến hai trụ cột còn lại.

Chiều tối ngày 30-8, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn chủ trì buổi họp báo để thông báo những kết quả đạt được tại Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cap cấp APEC và các cuộc họp liên quan (SOM 3)

Theo ông Sơn, SOM 3 lần này diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại toàn cầu và khu vực khởi sắc hơn; dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu (3,8% so với 3,5%).

Tuy nhiên, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế cũng như trong bản thân từng nền kinh tế, sự nổi lên của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, bệnh dịch, già hóa dân số, biến đổi khí hậu…), tiếp tục đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng thiết thực hơn các quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Ông Sơn cho biết, trong bối cảnh còn có nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, các thành viên đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác APEC mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp.

Theo đó, vấn đề phát triển bao trùm trở thành một nội dung thảo luận xuyên suốt tại các ủy ban, nhóm công tác APEC lần này, trên cả 3 phương diện là kinh tế, tài chính và xã hội.

SOM 3 lần này có gần 80 hoạt động diễn ra với những chủ đề hết sức gần gũi với người dân và doanh nghiệp. Đó là phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chống tham nhũng, ứng phó thiên tai, cải thiện môi trường kinh doanh…

Đây là hội nghị quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan có quy mô lớn nhất năm 2017, kéo dài 13 ngày (từ 18 đến 30-8) với khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng của nhiều thành viên APEC, đại diện các tổ chức quan sát viên của APEC, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng giới doanh nghiệp, học giả và truyền thông trong và ngoài nước.

Sau khi kết thúc SOM 3, từ nay đến cuối năm còn có 4 hội nghị có liên quan được tổ chức trước khi bước vàoTuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của các nền trong khu vực kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tại Đà Nẵng.

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ra đời vào năm 1989, diễn đàn là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (hiện có 21 thành viên).

Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa, mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể.

Xem thêm

>>> APEC ra Tuyên bố Cần Thơ

>>> Tổng thống Trump sẽ đến Việt Nam dự APEC vào tháng 11

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới