Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ASEAN cần đoàn kết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASEAN cần đoàn kết

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (người ngồi, bên phải) trước khi trao đổi với đoàn nhà báo ASEAN tại Istana – dinh tổng thống và cũng là văn phòng làm việc của thủ tướng. Ảnh: Hữu Chương.

(TBKTSG) – LTS: Trong khuôn khổ chương trình tham quan Singapore dành cho báo chí ASEAN lần thứ 5 (AJVP 2010) do Bộ Thông tin, Truyền thông và Mỹ thuật Singapore tổ chức từ ngày 8 đến 13-8-2010, 16 nhà báo đến từ 8 nước Đông Nam Á đã có dịp gặp gỡ Thủ tướng Lý Hiển Long và Ngoại trưởng George Yeo. Nội dung của hai cuộc gặp trên xoay quanh những vấn đề quan tâm riêng của nhà báo từng nước nhưng có hai điểm mà một số thành viên trong đoàn cùng quan tâm là vấn đề biển Đông và việc mở rộng diễn đàn Cấp cao Đông Á (EAS).

Tham gia chương trình này, nhà báo Hữu Chương của TBKTSG có bài viết dưới đây, trình bày quan điểm của Singapore về hai vấn đề được trình bày trong hai cuộc gặp trên để bạn đọc tham khảo.

Gần đây tranh chấp biển Đông trở thành đề tài nóng, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton chính thức bày tỏ lập trường của Mỹ tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội và các vị bộ trưởng ngoại giao ASEAN quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á qua việc mời hai cường quốc Mỹ và Nga tham gia diễn đàn hợp tác khu vực này.

Trước 27 quốc gia thành viên ARF, bà Clinton khẳng định ba điểm: (1) Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở biển Đông, (2) tranh chấp ở biển Đông có thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình theo luật pháp quốc tế, (3) phải đảm bảo lưu thông hàng hải tại khu vực biển Đông.

Trước đó, ngày 5-6-2010, tại cuộc đối thoại an ninh khu vực Shangri-La (Singapore), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng thẳng thắn bày tỏ thái độ của Mỹ về vấn đề biển Đông.

“Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước giáp ranh vùng biển này mà còn đối với những nước có quyền lợi an ninh, kinh tế ở châu Á”, ông nói.

Thời điểm mà Mỹ chọn để đưa ra quan điểm của mình không phải là ngẫu nhiên. Trung Quốc gần đây tỏ rõ thái độ về vấn đề biển Đông, xem khu vực biển Đông như “lợi ích cốt lõi”, sánh ngang vấn đề Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan. Chính điều này dẫn đến va chạm lợi ích của các nước trong khu vực cũng như các nước lớn khác, trong đó có Mỹ.

Trong thế “long tranh hổ đấu” giữa các cường quốc, cụ thể là giữa Trung Quốc và Mỹ, ASEAN phải làm gì để giữ vị thế cân bằng, tránh nghiêng về bên này hay bên kia? Theo quan điểm của Chính phủ Singapore, ASEAN cần phải đoàn kết và làm bạn với tất cả các nước lớn trên thế giới nếu không muốn bị chia năm sẻ bảy rồi rốt cuộc trở thành thù địch lẫn nhau.

Giải quyết vấn đề biển Đông bằng thương lượng hòa bình

Ngoại trưởng Singapore George Yeo cho hay, tranh chấp về lãnh thổ cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực nhằm đảm bảo sự ổn định, hòa bình trong khu vực. “Phải giải quyết vấn đề thông qua thương lượng. Hành động quân sự sẽ dẫn đến bế tắc, xung đột bất lợi cho tất cả các bên”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.

Theo Ngoại trưởng George Yeo, đây là cách tiếp cận Singapore đã áp dụng khi giải quyết tranh chấp đảo Pedra Branca với Malaysia. Hai nước phải mất nhiều năm để đạt được thỏa thuận cho dù không bên nào hài lòng trọn vẹn nhưng vẫn tốt hơn không có gì. “Chúng tôi hy vọng tranh chấp giữa các nước ASEAN, và giữa ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ được giải quyết theo cách tương tự như vậy”, ông nói. “Đối với các tranh chấp cụ thể, các bên cần làm việc trực tiếp”.

Về tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo ông George Yeo, hai bên có thể đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) để giải quyết vì đây là cách mà nhiều nước đã chọn. “Cố gắng giải quyết vấn đề bằng các giải pháp song phương, bằng con đường hòa bình”, ông nói. Bởi vì, “khu vực biển Đông có tầm quan trọng to lớn trong lưu thông hàng hải, các nước trên thế giới cũng quan tâm khu vực này. Bất kể tranh chấp như thế nào, (các bên) đừng bao giờ làm ảnh hưởng đến quyền lưu thông hàng hải hòa bình”.

Theo ông, tranh chấp biển Đông với Trung Quốc cũng có thể giải quyết dựa trên Tuyên bố ứng xử biển Đông (DOC) và cao hơn là Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) mà ASEAN đang hướng tới.

Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Việt Nam. Sau hội nghị hẹp các ngoại trưởng ASEAN, hội nghị đặc biệt Hội đồng điều phối ASEAN và hội nghị bộ trưởng cộng đồng chính trị an ninh ASEAN lần 3 diễn ra tại Đà Nẵng hồi đầu năm nay, trưởng nhóm quan chức cấp cao ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh cho hay: “Thúc đẩy triển khai Tuyên bố DOC là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực. Lợi ích chung đó là cần có môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực này…

Tuyên bố DOC là văn kiện được ký kết chung giữa hai bên và là văn bản hợp tác xây dựng lòng tin rất quan trọng. ASEAN sẽ tiếp tục tham vấn Trung Quốc nhằm đảm bảo thúc đẩy thực hiện tuyên bố này cũng như tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc”. Tuyên bố DOC đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002, là cơ sở pháp lý để các bên kiềm chế, tránh hành động gây căng thẳng, xung đột tại biển Đông.

Kết bạn với tất cả các nước lớn

Trong bối cảnh thực lực của ASEAN còn yếu, đa dạng hóa quan hệ quốc tế thông qua việc làm bạn với tất cả các nước lớn trong và ngoài khu vực trở thành yêu cầu bức thiết nhằm tạo ra thế quân bình. Điều này một phần lý giải tại sao tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 23-7-2010, ASEAN đã mời Mỹ và Nga tham gia EAS. EAS là diễn đàn thường niên của lãnh đạo 16 nước, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc.

Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Việc Mỹ và Nga muốn tham gia vào diễn đàn hợp tác Đông Á là dấu hiệu tích cực. Tất nhiên, ngay trong nội bộ Cấp cao Đông Á chúng ta không dễ kêu gọi tất cả các nước cùng tham gia các dự án. Chẳng hạn, khi bàn về hợp tác kinh tế thì nó được xem như hiệp định mậu dịch tự do giữa ASEAN và sáu nước, gồm Ấn Độ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật. Không dễ thực hiện chút nào nhưng có thể hình dung. Bây giờ lại thêm Mỹ và Nga thì tình hình càng trở nên khó khăn hơn vì nó trở thành một WTO thu nhỏ. Làm thế nào để hợp tác đi vào thực chất nhưng không nhất thiết tất cả các nước thành viên EAS đều tham gia là vấn đề đang được xem xét”.

Do đó, Ngoại trưởng George Yeo nhấn mạnh sự đoàn kết nội khối trong quan hệ với các cường quốc, nếu không các nước trong khu vực sẽ bị “Balkan hóa”, tức bị chia cắt thành các nước thù địch lẫn nhau.

Từ phát biểu của ngoại trưởng Singapore, có thể thấy rằng ASEAN cần giữ thế chủ động trong cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực của các cường quốc, nếu không khu vực sẽ trở thành đấu trường của họ. ASEAN cần đoàn kết nhằm tránh bị các nước lớn chia rẽ. “Không cho phép họ can thiệp, chia rẽ chúng ta”, ông Yeo nói.

Ông nhấn mạnh chính sách đối ngoại của ASEAN trong tình hình hiện nay là “thêm bạn bớt thù”. “Tất cả các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, cũng như châu Âu đều là bạn của ASEAN”. Điều này đồng nghĩa ASEAN phải giữ vai trò trung lập, cởi mở với tất cả. Các cường quốc phải được cân bằng, ASEAN không được nghiêng về bên này hoặc bên kia. Do đó, ông nói, việc Mỹ và Nga tham gia vào Cấp cao Đông Á sẽ giúp tạo ra thế cân bằng toàn diện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới