Thứ tư, 11/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ASEAN không còn quá lệ thuộc vào quyết định lãi suất của Fed

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lãi suất của Mỹ dự kiến duy trì ở mức cao trong thời gian dài, nhưng các ngân hàng trung ương của ASEAN có nhiều dư địa để giảm chi phí vay dựa vào tình hình kinh tế nội địa của mỗi nước. Điều này là nhờ sức mạnh cấu trúc kinh tế của các nước trong khu vực được cải thiện đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Ngân hàng trung ương Thái Lan được dự đoán sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 12-6 tới dù Fed có nhiều khả năng giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cùng ngày. Ảnh: Pattaya Mail

Mức độ thắt chặt chính sách thấp hơn Fed

Các nhà quan sát thị trường đang ngóng chờ kết quả cuộc họp chích sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Tại Đông Nam Á, các ngân hàng trung ương cũng chuẩn bị tiến hành những cuộc họp quan trọng. Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) sẽ tổ chức cuộc họp quyết định lãi suất vào hôm 12-6 ngay trước khi Fed công bố lãi suất mới. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25 -5,5%, trong khi đó, có nhiều suy đoán rằng BoT sẽ giảm lãi suất.

Các nền kinh tế trong khu vực bao gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines từng chịu tổn thương nặng nề do dòng vốn tháo chạy trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (AFC) vào cuối những năm của thập niên 1990. Các nước này trải qua những cơn suy thoái sâu sắc, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và đồng nội tệ giảm giá mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.

Kể từ đó, lãi suất trong khu vực nhìn chung vẫn cao hơn lãi suất ở các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ. Các tiền tệ của Đông Nam Á không thể mang lại sự an toàn và ổn định như đồng bạc xanh do đó, cần phải mang lại cho các nhà đầu tư mức lãi suất cao hơn đáng kể.

Nhưng tình hình thay đổi trong những năm gần đây. Khi lạm phát bùng lên ở thời kỳ hậu Covid-19 cuối năm 2021, các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á theo chân Fed để tăng lãi suất.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn là mức độ thắt chặt tiền tệ của thấp hơn nhiều. Với áp lực lạm phát ở Đông Nam Á ít nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể kiểm soát áp lực giá cả bằng cách tăng lãi suất ở mức thấp hơn.

Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên hơn 5 điểm phần trăm để đạt mức cao nhất 5,5% vào tháng 7 -2023 và từ đó giữ nguyên lãi suất này. Ngược lại, lãi suất của BoT hiện chỉ ở mức 2,5%, tăng 2 điểm phần trăm trong chu kỳ thắt chặt hiện tại. Lãi  suất cao nhất của Ngân hàng trung ương Malaysia  (BNM) đang ở mức 3%, tăng 1,25 điểm phần trăm. Lãi lãi suất chính thức của Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đang là 6,25%, đánh dấu mức tăng 2,75 điểm phần trăm.

Mức tăng lãi suất lớn nhất ở Đông Nam Á diễn ra ở Philippines, với lãi suất chính sách hiện tại là 6,5%, tăng 4,5 điểm phần trăm trong chu kỳ thặt chặt lần này. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng lãi suất của Fed.

Cán cân thanh toán quốc tế cải thiện

Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia hiện có mức độ độc lập về chính sách tiền tệ so với Fed cao hơn vì các cán cân thanh toán bên ngoài của họ. Trong đó bao gồm trạng thái tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối và dòng vốn FDI mạnh hơn và linh hoạt hơn nhiều so với các giai đoạn trước .

Bốn quốc gia này có mức thâm hụt tài khoản vãng lai từ 3,4-7,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1996, một năm ngay trước khủng hoảng tài chính châu Á. Hiện tại, tài khoản vãng lai của họ mạnh hơn nhiều. Ví dụ, Indonesia thậm chí có thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 1% GDP vào năm 2022 và chỉ ghi nhận mức thâm hụt nhỏ chỉ 0,1% so với GDP vào năm ngoái, nhờ xuất khẩu hàng hóa bùng nổ.

Thái Lan cũng trở lại trạng thái thặng dư tài khoản vãng lai 1,4% GDP vào năm 2023, sau khi thâm hụt hai năm liên tiếp kể từ năm 2020.

Malaysia đã có thặng dư tài khoản vãng lai ổn định ngay cả trước đại dịch Covid-19. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm từ 3,1% GDP năm 2022 xuống còn 1,2% vào năm ngoái, nhưng được dự báo tăng lên 2% trong năm nay.

Trong khi đó, ở thâm hụt tài khoản vãng lai của Philippines đã thu hẹp đáng kể từ 4,4% GDP trong năm 2022 xuống chỉ còn 1,3% vào năm ngoái.

Những sự cải thiện này có được là nhờ những thay đổi cấu trúc lớn trong mỗi nền kinh tế, bao gồm các biện pháp nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện hoạt động giám sát lĩnh vực tài chính. Cùng với đó, là thị trường vốn minh bạch và thanh khoản hơn.

Indonesia gần đây bắt tay thực hiện nhiều nỗ lực hơn để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng. Trong khi đó, Thái Lan nới lỏng các hạn chế về thị thực để thúc đẩy lượng du khách nước ngoài, giúp tăng xuất khẩu dịch vụ.

Có khả năng nới lỏng tiền tệ sớm hơn Fed

Khi thế giới bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ, các nền kinh tế Đông Nam Á có đủ khả năng để nới lỏng tiền tệ sớm hơn hoặc nhiều hơn.

Với sự ổn định tài chính được cải thiện, các nền kinh tế trong khu vực giờ đây linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh lãi suất để tối ưu sự cân bằng tăng trưởng và lạm phát trong nước. Các ngân hàng trung ương ASEAN có thể không còn cần phải theo sát Fed nữa.

Hiện tại, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) có vẻ khá trung lập hoặc thậm chí ôn hòa dựa trên tuyên bố quyết định chính sách tiền tệ mới nhất. BSP có thể sắp cắt giảm lãi suất khi đồng peso chống chịu khá tốt trước sức mạnh của đồng đô la Mỹ. BSP có thể linh hoạt giảm lãi suất trước Fed nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng đang yếu đi mà không có quá lo ngại về sự ổn định tiền tệ.

Trong khi đó, với cán cân thanh toán bên ngoài mạnh mẽ và lạm phát thấp cùng với những lo ngại về nợ hộ gia đình cao, Thái Lan có thể thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy đà tăng trưởng. BoT có thể ra quyết định giảm suất trong cuộc họp hôm 12-6 tới.

Malaysia đang chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhưng sức cầu trong nước mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là Malaysia có đủ khả năng để giữ nguyên chính sách tiền tệ vào thời điểm hiện tại.

Indonesia có thể sẽ là nước ASEAN thận trọng nhất trong việc cắt giảm lãi suất do nguy cơ lạm phát nhập khẩu leo ​​thang. Dù vị thế cán cân thanh toán bên ngoài của Indonesia cải thiện đáng kể trong những năm qua, BI có thể sẽ vẫn giữ lãi suất ở mức cao để thu hút dòng vốn nước ngoài. Singapore cũng có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại.

Nhưng dù quyết định như thế nào, các ngân hàng trung ương của ASEAN hiện có nhiều linh hoạt hơn trong điều chỉnh chính sách tiền tệ. Họ không còn quá lệ thuộc vào quyết định lãi suất của Fed như trước đây.

 Theo Business Times

1 BÌNH LUẬN

  1. FED, một tổ chức quản lý tiền tệ tầm cỡ quốc tế. Đáng học hỏi. Nhưng đó không phải là mô hình duy nhất để học hỏi, tham khảo. Hoặc tệ hơn nữa, là chạy theo, làm theo. Hiện tại, lãi suất của FED, cũng như lãi suất thị trường ở Mỹ, thậm chí đang cao hơn ở Việt Nam và một số nước ASEAN. Đây là điều chưa từng có trước đây. Đây cũng là lý do để kết luận rằng, suy cho cùng mọi thứ đều phải do ta tự quyết. Không nên dựa dẫm, dựa hẳn vào bất kỳ ai, thế lực nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới