Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác tài chính 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác tài chính 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trao Nghị định thư cho Tổng thư ký ASEAN (bên phải) – Ảnh: Thanh Hải.

(TBKTSG Online) – Kết thúc vào chiều ngày 4-4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 (AFMM 12) đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính trong khu vực để hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã trao đổi quan điểm về diễn biến toàn cầu và khu vực, thảo luận về quá trình thực hiện lộ trình hội nhập tài chính – tiền tệ ASEAN và các sáng kiến hợp tác khu vực khác như sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), sáng kiến thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á (Sáng kiến ChiangMai – CMI).

AFMM 12 cũng ghi nhận những kết quả kinh tế đạt được trong khu vực. Những kết quả này phần nào phản ảnh nền tảng kinh tế bền vững, cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng và quá trình cải cách cơ cấu liên tục. Nhu cầu trong nước và xuất khẩu ròng đã hỗ trợ, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng 6,7% của khu vực trong năm 2007.

Tuy nhiên, AFFMM cũng cảnh báo về những trở ngại mà nền kinh tế trong khu vực đang gặp phải như nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tình hình lạm phát tăng cao. Qua đó, AFFMM sẽ tiếp tục cảnh giác trước những rủi ro, quyết tâm thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa ổn định.

Về tình hình giá cả hàng hóa và năng lượng đang ngày càng tăng lên, AFMM ghi nhận tầm quan trọng của việc củng cố các sáng kiến về an ninh lương thực và năng lượng để bảo đảm tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong khu vực.  

Theo Tuyên bố chung AFMM 12, kể từ khi phê chuẩn lộ trình hội nhập tài chính – tiền tệ ASEAN vào năm 2003, ASEAN đã tăng cường khả năng chịu tác động và quản lý rủi ro. Hội nghị lần này, AFMM cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự do hóa từng bước các dịch vụ tài chính và tài khoản vốn.

AFMM 12 cũng nhất trí cần phối hợp, tạo kết nối thị trường với các đối tượng cung cấp thông tin trái phiếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phổ biến các dữ liệu thị trường trái phiếu ASEAN nhằm phục vụ các nhà đầu tư quốc tế. Tạo môi trường thuận lợi hơn cho các dòng luân chuyển tài chính xuyên biên giới trong khu vực ASEAN.  

AFMM 12 cho rằng, tự do hóa tài khoản vốn là một nhân tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng và hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Do vậy, AFMM 12 tái khẳng định các cam kết nhằm tự do hóa hơn nữa tài khoản vốn theo đúng tiến độ, đảm bảo tối đa hóa các lợi ích và giảm thiểu rủi ro.

Về vấn đề hải quan, AFMM 12 yêu cầu các quan chức ngành hải quan của các nước thành viên sớm thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trước năm 2012.

AFMM 12 cũng nhất trí tổ chức hội thảo nhà đầu tư lần thứ 5 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) vào tháng 10-2008 nhằm hoàn thiện hơn nữa hình ảnh ASEAN trở thành một điểm đến hấp dẫn của hoạt động đầu tư.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng những vấn đề chính như tiến trình triển khai sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) và sáng kiến thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á (Sáng kiến ChiangMai – CMI) vẫn chưa đi đến thống nhất cụ thể.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Suraphong Suebwonglee cho biết, tại AFMM 12, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã thảo luận nghiêm túc về hai sáng kiến này. Tuy chưa có được kết quả cụ thể nhưng tại hội nghị cũng đã đạt được một số thỏa thuận. Các vấn đề tiếp theo sẽ được tiếp tục thảo luận thêm tại hội nghị ở Madrid (Tây Ban Nha) lần tới.

“Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh tiền tệ thế giới có tác động nhất định đến việc triển khai thực hiện thị trường trái phiếu châu Á cũng như xây dựng Quỹ Tiền tệ châu Á. Do vậy, chúng tôi phải hoạch định lộ trình để củng cố hơn nữa tiến trình hội nhập”, ông Suebwonglee nói.  

Đề cập đến khả năng hình thành một đồng tiền chung của ASEAN trong tương lai, Bộ trưởng Bộ tài chính Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh cho biết, vấn đề này đã được bàn bạc nhiều trong tiến trình hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Tuy nhiên để có một đồng tiền chung cho khu vực, cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề của từng nước và cả khu vực, do vậy cần phải có nhiều thời gian để thảo luận sâu hơn.

THANH HẢI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới