Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

AUN hướng đến “công dân chung ASEAN” vào năm 2015

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

AUN hướng đến “công dân chung ASEAN” vào năm 2015

Tường Vi

Đại diện của các trường đại học thuộc AUN trong hội nghị “Chuyển đổi hệ thống tín chỉ ASEAN” (ACTS) lần thứ hai được tổ chức tại Đại học quốc gia TPHCM. Ảnh: Tường Vi

(TBKTSG Online) – Những trường đại học thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) mong hướng đến mục tiêu “Công dân chung của khu vực Đông Nam Á” (ASEAN) vào năm 2015.

Để đạt được điều này thì các trường đại học thành viên của AUN phải thừa nhận hệ thống tín chỉ của nhau, dựa trên việc xây dựng lòng tin lẫn nhau để tiến đến việc trao đổi sinh viên cũng như chấp nhận chương trình liên thông giữa các trường với nhau… sau khi thực hiện quá trình đánh giá kiểm định chất lượng của AUN về chương trình đào tạo của mỗi trường.

Hội nghị “Chuyển đổi hệ thống tín chỉ ASEAN” (ACTS) lần thứ hai đã được tổ chức tại Đại học quốc gia TPHCM trong hai ngày 19 và 20-1. Trong đó, các thành viên của AUN cùng thảo luận để từng bước hoàn thiện các văn bản cốt lõi của ACTS hướng đến mục tiêu thúc đẩy trao đổi sinh viên trong khu vực, xây dựng cơ chế chuyển đổi hệ thống tín chỉ, chính sách cấp học bổng…

Được thành lập từ năm 1995, AUN hiện có 22 trường đại học từ 10 quốc gia trong khu vực ASEAN tham gia, trong đó Việt Nam có hai trường đại diện là Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TPHCM. 

Giáo sư tiến sĩ Multamia RMT Lauder, giám đốc phụ trách giáo dục trường Universitas Indonesia, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “AUN kêu gọi các trường thành viên tham gia vào hệ thống chuyển đổi tín chỉ nhằm trao đổi sinh viên giữa các trường trong khu vực Đông Nam Á, hướng đến một ASEAN thống nhất”.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng Đại học quốc gia TPHCM cho rằng trong khoảng hai năm nữa thì ACTS sẽ hoàn thiện. Tuy nhiên, Phó giáo sư tiến sĩ Lê Quang Minh, phó giám đốc Đại học quốc gia TPHCM cho biết vẫn còn những khó khăn vì hệ thống giáo dục giữa các trường trong khu vực ASEAN có nhiều sự khác biệt từ hệ thống giáo dục cho đến các chương trình đào tạo.

Có 18 tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng của các trường thành viên như cách thức quản lý của nhà trường, chính sách của nhà trường, chương trình giảng dạy, giảng viên, sinh viên, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên… nhưng trước tiên là AUN dựa vào báo cáo của nhà trường muốn được đánh giá. Qua khảo sát thực tế tại trường đại học đó mà AUN sẽ đưa ra thang điểm đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của trường.

Vào tháng 12-2009, có bốn chương trình đào tạo đại học của Việt Nam đạt mức điểm ngang với mức trung bình chung của khu vực. Đó là ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, ngành điện tử – viễn thông của trường Đại học Bách khoa, ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên và ngành khoa học – kỹ thuật máy tính của trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học quốc gia TPHCM. 

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, trường Đại học quốc gia TPHCM sẽ đề xuất trên mười chương trình đào tạo tiên tiến, tài năng… của mình để AUN đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới