Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba chân kiềng của HSBC

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba chân kiềng của HSBC

Ông Paul Leech (trái) và ông Thomas Tobin tại hội nghị “Đối thoại với Chính phủ”. Ảnh: Quang Phúc.

(TBKTSG) – Trước những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, HSBC vẫn trung thành với chiến lược phát triển dài hạn tại thị trường Việt Nam với ba mũi nhọn đầu tư: ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, 20% cổ phần tại Techcombank và 10% cổ phần tại tập đoàn Bảo Việt.

Bất chấp những tín hiệu xấu từ thị trường, HSBC vẫn không từ bỏ chiến lược ba chân kiềng của mình tại Việt Nam. Câu nói: “Khủng hoảng là nhất thời, chiến lược là dài hạn” dường như rất đúng với tập đoàn này.

“HBSC luôn muốn là người dẫn đầu tại các thị trường mới nổi và Việt Nam là một trong những thị trường giàu tiềm năng mà chúng tôi sẽ tập trung phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế HSBC khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), ông Paul Leech nói. 

Ông khẳng định lại cam kết phát triển dài hạn của HSBC tại Việt Nam trong bối cảnh có nhiều dự báo ảm đạm về nền kinh tế Việt Nam được đưa ra bởi Eonomist Intelligence Unit trong hội nghị “Đối thoại với Chính phủ – Định vị Việt Nam trong tương lai” vừa diễn ra vào tuần trước tại Hà Nội.

Theo ông Leech, tình hình kinh tế thế giới đã có sự thay đổi trong năm qua nhưng mối quan tâm và sức hấp dẫn của các thị trường mới nổi đối với HSBC vẫn không đổi.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam do HSBC thành lập vừa đi vào hoạt động là một minh chứng rõ nét cho cam kết đầu tư này. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm cơ hội  mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược là Techcombank và Bảo Việt”, ông nói và cho biết thêm rằng tuy không điều chỉnh chiến lược phát triển vĩ mô nhưng HSBC sẽ có những điều chỉnh nhỏ trong việc hoạt động và phát triển tại Việt Nam nhằm thích ứng tốt hơn trong giai đoạn nhiều thử thách này, chẳng hạn như cẩn trọng hơn trong việc phát triển các khoản vay mới…

Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), cho biết thêm: “Thông qua việc đưa ngân hàng con vào hoạt động, chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Tùy thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi dự định sẽ mở thêm các văn phòng giao dịch tại Hà Nội, TPHCM và các chi nhánh tại những vùng kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đà Nẵng…”.

Hiện nay, với 135 máy ATM tại Việt Nam, HSBC là ngân hàng nước ngoài có hệ thống máy ATM lớn nhất tại thị trường này. Hệ thống này càng được mở rộng hơn qua việc kết nối thành công với hệ thống máy ATM của Techcombank vào tháng 5-2008, nâng tổng số máy ATM của HSBC và Techcombank lên  hơn 400 máy.

Sự phát triển các mối quan hệ chiến lược cũng đóng vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển của HSBC tại Việt Nam. Vì thế, không ít lần mô hình phát triển song hành với ba mũi đầu tư của tập đoàn được lặp đi lặp lại tại hội nghị “Đối thoại với Chính phủ” nói trên, bởi theo ông Paul Leech: “HSBC là ngân hàng nước ngoài duy nhất hiện nay được nắm giữ số cổ phần tối đa 20% tại một ngân hàng nội địa và là đối tác chiến lược nước ngoài duy nhất nắm giữ 10% cổ phần của Bảo Việt. Chúng tôi xem trọng việc đầu tư vào Techcombank và Bảo Việt bởi đây là mô hình có nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn. Với sự đầu tư ổn định và lâu dài vào ngân hàng con và các đối tác chiến lược, tôi tin Ngân hàng HSBC có một vị thế rất tốt để phát triển tại Việt Nam”.

TRƯỜNG NAM

Triển vọng hứa hẹn và những thách thức cần giải

Trong bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam năm 2009 do Economist Conferences tổ chức vào tuần trước, ông Tobin nhận định cơn bão kinh tế toàn cầu đã để lại khó khăn to lớn cho nhiều quốc gia mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên theo đuổi lộ trình nào để vượt qua  khó khăn khi kinh tế suy giảm mà vẫn có thể phát triển bền vững. “Với tất cả những chính sách được áp dụng, chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ sụt xuống dưới mức 4% vào giữa năm 2009, sau đó tăng dần ở mức trung bình dài hạn là 11% vào cuối năm 2010, song hành mức tăng trưởng được cải thiện”.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Tobin tỏ ra lạc quan khi Chính phủ vẫn tiếp tục công cuộc cải cách qua những bước tiến tích cực trong việc mở cửa ngành ngân hàng. Theo ông, trước những thách thức trên thị trường tài chính ngân hàng, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc kỹ hơn các kế hoạch mở rộng hệ thống, quản lý đầu tư và nguồn vốn cũng như quản lý tín dụng. Vì vậy, năm 2009 các ngân hàng sẽ phải tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ và củng cố lại các mối quan hệ sẵn có.

Trong khi đó, ông Leech  nhận định những khó khăn hiện nay của kinh tế toàn cầu đã đặt ra nhiều thách thức. Vì thế, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện cải cách trong lĩnh vực tài chính và duy trì sự ổn định thông qua việc đẩy mạnh các chính sách giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài.

Cũng có những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong năm 2009 mà ông Tobin từng đề cập trong cuộc “Đối thoại với Chính phủ” lần trước. Đầu tiên là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao. Số lượng các nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp và có kinh nghiệm vẫn còn ít và sự thiếu hụt này sẽ càng rõ rệt hơn trong tương lai.

Thách thức thứ hai là cơ sở hạ tầng của Việt Nam như hệ thống đường sá lạc hậu đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. “Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là chống tham nhũng và nạn quan liêu. Một mặt tôi hoan nghênh việc Chính phủ vừa thông qua Hiệp định của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng. Mặt khác, tôi đề xuất Chính phủ nên mở rộng đối thoại trong lĩnh vực này và kêu gọi sự hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông”, ông Tobin đề xuất.

Các nhà đầu tư quốc tế vẫn đặt niềm tin vào các giải pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm đối phó với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, ông Tobin cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục ứng phó linh hoạt khi tình hình còn biến động. Và quan trọng không kém là việc xây dựng những chính sách kinh tế hợp lý nhằm cân bằng sự phát triển nội tại và những rủi ro bên ngoài tác động đến Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam vẫn còn nhiều hứa hẹn nếu các vấn đề trên được tập trung giải quyết”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới