Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba điểm chú ý từ báo cáo GDP nửa năm 2018

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba điểm chú ý từ báo cáo GDP nửa năm 2018

Bùi Trinh

(TBKTSG) – Theo thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê, GDP sáu tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4%.

Ba điểm chú ý từ báo cáo GDP nửa năm 2018
Ảnh: Nguyễn Nam.

Đáng chú ý là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đạt mức tăng trưởng về lượng là 3,93% nhưng chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản lại giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi chỉ số giá đầu vào tăng (chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất sáu tháng đầu năm tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, thu nhập của người sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản thực ra không những không tăng mà còn có thể giảm. Người ta không thể hết năm nọ đến tháng kia làm ra nhiều sản phẩm nhưng thu nhập (lợi nhuận) hầu như không có. Nếu chính sách cho nông nghiệp không có sự đột biến để làm giảm giá thành sản xuất thì đời sống của người nông dân không được cải thiện dù góp phần làm nên thành tích về tăng trưởng.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng (nhóm ngành chế biến, chế tạo), cách tính toán tăng trưởng giá trị tăng thêm của khu vực này của Tổng cục Thống kê đã được cải thiện đáng kể. Trong suốt nhiều năm qua, tăng trưởng về giá trị sản xuất luôn bằng tăng trưởng của giá trị tăng thêm, dù chỉ số giá đầu ra và chỉ số giá đầu vào hoàn toàn khác nhau và tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất ngày càng thấp, nên đã có nhiều bài báo thắc mắc về vấn đề này. Trong sáu tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,5%, trong khi tăng trưởng về giá trị tăng thêm của nhóm ngành này thấp hơn (13,02%). Với diễn biến chỉ số giá đầu ra tăng khoảng 2% và chỉ số giá đầu vào tăng khoảng 4% thì điều này là hợp lý.

Trong khu vực dịch vụ, nhóm ngành sử dụng tiền ngân sách như hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; giáo dục – đào tạo, y tế và trợ giúp xã hội, sau nhiều năm có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP trong sự thắc mắc, nghi ngờ của các chuyên gia, đã có sự tăng trưởng nhỏ lại. Ngành hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị xã – hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng có mức tăng trưởng 6,34%; ngành giáo – dục đào tạo tăng trưởng 6,96%; ngành y tế và trợ giúp xã hội tăng trưởng 7,04%.

Tuy nhiên, cùng với việc giảm tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành sử dụng tiền ngân sách nói trên, tăng trưởng giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ khác tăng lên một cách tương đối bất ngờ, như ngành bán buôn và bán lẻ có tốc độ tăng trưởng về giá trị tăng thêm là 8,21%, trong khi tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu thụ cũng có mức tăng trưởng tương ứng. Cần để ý rằng giá trị sản xuất của nhóm ngành này thực chất là lãi gộp (doanh thu thuần trừ trị giá vốn hàng bán ra) và giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của nhóm ngành này chỉ là một phần trong đó (thu nhập của người lao động, lợi nhuận, khấu hao).

Như vậy làm sao tăng trưởng của giá trị tăng thêm bằng với tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ được? Những ngành dịch vụ khác như vận tải, kho bãi; thông tin truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP, tương ứng 7,67%; 7,09%; 7,58% và 7,96%. Đây là những nhóm ngành khó kiểm chứng về mức độ tăng trưởng giá trị tăng thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới