Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba hãng bay nhà nước Trung Quốc lỗ nặng vì chính sách ‘zero Covid’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 30-8, ba hãng bay lớn nhất thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc gồm China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Air China báo cáo các khoản lỗ tổng cộng 28,4 tỉ nhân dân tệ (4,12 tỉ đô la Mỹ) trong quí 2-2022.

Mức lỗ này tăng mạnh so với mức lỗ trong quí đầu tiên do những đợt gián đoạn du lịch lớn bao gồm thời kỳ phong tỏa kiểm soát Covid-19 kéo dài 2 tháng ở Thượng Hải. Tổng mức thua lỗ từ đầu đại dịch Covid-19 đến cuối tháng 6 của hãng bay này đã phình to lên mức 127,6 tỉ nhân dân tệ (18,5 tỉ đô).

China Eastern Airlines, có trụ sở tại Thượng Hải, chịu mức lỗ quí 2 cao nhất trong số ba hãng bay nhà nước, chủ yếu do tình trạng phong tỏa tại thành phố quê hương. Ảnh: Reuters

Chính sách “zero Covid” của Bắc Kinh, để ứng phó đợt bùng phát Covid-19 với số lượng ca nhiễm ít hơn rất nhiều theo tiêu chuẩn toàn cầu, đã khiến các hãng bay thường xuyên dừng các tuyến bay nội địa, vốn là nguồn doanh thu chính của họ trong bối cảnh các chính sách hạn chế biên giới gần như khiến các chuyến bay quốc tế giảm mạnh.

China Eastern Airlines, có trụ sở tại Thượng Hải, công bố khoản lỗ ròng 10,9 tỉ nhân dân tệ trong quí vừa qua, cao hơn mức lỗ 7,8 tỉ nhân dân tệ trong quí đầu tiên và cũng là mức cao nhất trong số ba hãng bay nhà nước, chủ yếu do tình trạng phong tỏa tại thành phố quê hương.

Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, bắt đầu ra lệnh cho 25 triệu cư dân ở nhà vào cuối tháng 3, dẫn đến hầu hết các chuyến bay nội địa từ hai sân bay của thành phố bị hủy trong suốt tháng 4.

China Eastern Airlines cũng tạm thời ngừng khai thác các máy bay Boeing 737-800 sau một vụ rơi máy bay dòng này vào cuối tháng 3 ở vùng miền núi thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, làm chết 132 người. Cho đến nay, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được xác định.

China Eastern Airlines cùng hai công ty con có tổng cộng 225 máy bay Boeing 737-800, theo dữ liệu của Công ty tư vấn hàng không IBA (Anh). Air China, hãng bay quốc gia Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, báo cáo khoản lỗ trong quí 2 là 10,5 tỉ nhân dân tệ, lớn hơn mức lỗ 8,9 tỉ nhân dân tệ trong quí đầu tiên khi chính sách hạn chế biên giới nghiêm ngặt được áp dụng trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Hãng hàng không China Southern Airlines báo lỗ 7 tỉ nhân dân tệ trong quí 2, tăng so với mức lỗ 4,5 tỉ nhân dân tệ trong quí 1. Tổng mức lỗ ròng của ba hãng bay lớn nhất Trung Quốc lên tới 50 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, vượt xa tổng mức lỗ 16,7 tỉ nhân dân tệ của họ vào cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Jefferies cho biết các chuyến bay nội địa ở Trung Quốc phục hồi một cách khiêm tốn trong tháng 6, nhưng hoạt động kinh doanh đã xấu đi từ cuối tháng 7 khi số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng lên ở các điểm du lịch nổi tiếng bao gồm đảo Hải Nam, Tân Cương và Tây Tạng, dẫn đến một loạt lệnh phong tỏa mới.

Họ cho biết thêm, thị trường quốc tế của các hãng bay Trung Quốc vẫn cực kỳ trầm lắng, với số chuyến bay chỉ đạt dưới 1% của năm 2019.

Hôm 25-8, chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ đình chỉ 26 chuyến bay của các hãng bay Trung Quốc khởi hành từ Mỹ để đến Trung Quốc trong thời gian từ ngày 5 đến 28-9. Các hãng bay bị ảnh hưởng bao gồm Xiamen Airlines, Air China, China Southern Airlines và China
Eastern Airlines. Bộ Giao thông Vận tải Mỹ nói rằng động thái này nhằm đáp trả quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc hủy bỏ đối với 26 chuyến bay của các hãng bay Mỹ đến Trung Quốc vì lo ngại Covid-19.

Nhà phân tích Parash Jain của Ngân hàng HSBC cho biết những thách thức khác đối với các hãng bay Trung Quốc bao gồm đồng nhân dân tệ yếu hơn và giá dầu tăng.

Bất chấp những thách thức, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường hàng không lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới. Tuần trước, ba hãng bay quốc doanh China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Air China xác nhận kế hoạch mua kết hợp 292 máy bay thân hẹp dòng A320neo của hãng Airbus với tổng trị giá hơn 37 tỉ đô la, tính theo giá niêm yết. Đây là thương vụ lớn đầu tiên của họ kể từ sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Trong khi đó, Boeing vẫn chưa trở lại hoạt động thương mại ở Trung Quốc hơn ba năm sau khi xảy hai vụ tai nạn chết người liên quan đến dòng máy bay 737 Max.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới