Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba ngân hàng lớn nhất ASEAN suy giảm 10% lợi nhuận trong quí 1

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Ba ngân hàng lớn nhất Singapore và Đông Nam Á đã nhấn mạnh những rủi ro bắt nguồn từ cuộc chiến Nga – Ukraine trong  các báo cáo về lợi nhuận trong quí 1-2022. Mặc dầu các tiếp xúc hay làm ăn của ba ngân hàng với Nga là nhỏ, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến đối với thị trường tài chính tiền tệ đã giảm triển vọng trong các mảng sinh lợi nhuận, như quản lý tài sản của ba ngân hàng hàng đầu ASEAN.

Cả ba ngân hàng UOB, DBS và OCBC đều sụt giảm lợi nhuận trong quí 1-2022, nhưng hy vọng nền kinh tế Singapore sẽ hồi phục tốt hơn trong năm nay. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến làm thị trường thay đổi lớn

DBS Group Holdings, ngân hàng lớn nhất ASEAN, ghi lợi nhuận ròng 1,8 tỉ đô la Singapore (1,3 tỷ đô la Mỹ) trong quí đến tháng 3-2022, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản thu nhập từ phí của DBS giảm 7%. Mảng đầu tư, quản lý tài sản của ngân hàng cũng giảm thu nhập so với cùng kỳ do biến động thị trường gia tăng.

“Thế giới đã thay đổi đáng kể trong ba, bốn tháng qua. Các vấn đề ở Ukraine đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng. Triển vọng trong năm tới sẽ khó dự báo”, CEO Piyush Gupta phát biểu trong buổi họp báo hôm 29-4.

Trong báo cáo công bố cùng ngày, hãng nghiên cứu OCBC Investment Research chỉ ra rằng kết quả kinh doanh của DBS đang được đánh giá với quí đầu tiên đặc biệt của năm ngoái. Lúc đó, phí quản lý tài sản tăng mạnh cùng với các động thái dự kiến ​​mở cửa lại nền kinh tế của Singapore sau năm 2020 đầy khó khăn với Covid đã tạo bước đệm cho ngân hàng đạt lợi nhuận khủng.

Báo cáo của OCBC viết : “Động lực kinh doanh nói chung vẫn ổn định, với tăng trưởng tín dụng cao hơn mặc dù thu nhập từ quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư giảm so với một năm trước sau khi thị trường biến động cao hơn”.

Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) cũng có kết quả sụt giảm tương tự, công bố lợi nhuận ròng 1,36 tỉ đô la Singapore trong quý đầu tiên, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập từ quản lý tài sản trong quí đạt 911 triệu đô la Singapore, giảm so với 1,2 tỉ đô la Singapore so với cùng kỳ. Mảng này chiếm 34% thu nhập của ngân hàng trong quí 1, giảm so với mức 42% của một năm trước đó.

“Sự biến động của thị trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư. Thành thật mà nói, chúng tôi nhận thấy có thời điểm khách hàng của chúng tôi bị đẩy ra rìa, không được chăm chút đúng mực. Điều này đã làm giảm các khoản thu và hoạt động quản lý tài sản”, CEO Helen Wong phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến.

Trong khi đó, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã công bố lợi nhuận ròng giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 906 triệu đô la Singapore trong quí 1. Tâm lý thị trường suy giảm ảnh hưởng đến các khoản thu nhập từ phí quản lý quỹ và tài sản.

“Các căng thẳng địa chính trị mới xuất hiện đã bao trùm thị trường trong các tình huống bất định mới”, Giám đốc tài chính Lee Wai Fai của UOB phát biểu thay cho CEO Wee Ee Cheong – người đang nghỉ ngơi hồi phục sau khi nhiễm Covid.

Tuy nhiên, OCBC và hai ngân hàng đối thủ lưu ý rằng trong bối cảnh lãi suất tăng như hiện nay, động lực có thể tăng lên đối với các khoản vay có thể sinh lợi.

Các quí còn lại vẫn khó khăn

Nhà phân tích Krishna Guha của hãng tư vấn Jefferies viết trong một báo cáo: “Những rủi ro chính khiến mọi thứ xấu đi gồm chất lượng tài sản giảm, tăng trưởng chậm hơn trong tài sản đang quản lý, suy thoái kinh tế”. Ông nói thêm rằng tăng trưởng cho vay tốt hơn mong đợi có thể thúc đẩy thu nhập.

Kết quả hàng quí mới nhất của các ngân hàng Singapore thường được dùng để đo sức khỏe của nền kinh tế hướng về xuất khẩu của trung tâm tài chính châu Á. Các báo cáo kinh doanh được đưa ra một ngày sau khi Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cảnh báo những hệ lụy của cuộc chiến Ukraine.

Ngân hàng trung ương hôm 28-4 nói rằng xung đột Nga-Ukraine đã làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022, với lạm phát gia tăng do hậu quả của chiến tranh và dịch Covid. Chính sách phong tỏa phòng dịch của Trung Quốc đã gây lo ngại về các rủi ro đứt gãy mới của chuỗi cung ứng và khả năng suy thoái kinh tế ở đất nước khổng lồ đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng châu Á.

MAS cho biết: “Các cú sốc về giá cả  hay lạm phát do nguồn cung gây ra sẽ làm giảm thu nhập thực tế và có thể dẫn đến giảm tổng nhu cầu”. Những thách thức này sẽ trầm trọng hơn và rõ nét hơn trong những quí còn lại của năm, làm tăng thêm tính bất định của cuộc chiến và tác động không tích cực đến nền kinh tế Singapore”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới