Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba phương án điều chỉnh giá xăng dầu: còn nhiều tranh cãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba phương án điều chỉnh giá xăng dầu: còn nhiều tranh cãi

Ngọc Lan

Nhân viên một cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang điều chỉnh giá – Ảnh minh họa: Hữu Thắng.

(TBKTSG Online) – Liên Bộ Tài chính-Công Thương đưa ra ba phương án điều hành giá xăng dầu mới nhằm tạo ra một môi trường pháp lý có cơ sở, minh bạch và công khai trong việc quản lý giá của doanh nghiệp và hạn chế những nghi vấn của người tiêu dùng xung quanh việc lỗ, lãi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay những người đang soạn thảo cơ chế cũng chưa tìm được tiếng nói chung.

Cuộc Hội thảo nhằm sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu hôm 29-7 đã diễn ra quá “nóng”, sôi nổi và nhiều chiều. Vấn đề được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nói là “gai góc” thuộc về việc chọn phương án nào để quản lý giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, vốn chỉ được Nhà nước và doanh nghiệp công bố, thay vì các cơ quan độc lập khác có thể kiểm tra, giám sát theo cơ chế thị trường.

Khi trình ra nguyên tắc điều hành giá mới, Bộ Tài chính cho rằng “Nhà nước can thiệp vào giá thị trường chủ yếu bằng môi trường pháp lý, chỉ can thiệp trực tiếp bằng những biện pháp thích hợp và được công bố công khai khi giá tăng cao không hợp lý hoặc tăng quá cao khi có những biến động bất thường và doanh nghiệp được phép quyết định giá bán trên các nguyên tắc và phương pháp tính giá như vậy”.

Ba phương án được đưa ra cho doanh nghiệp được phép tăng giá gồm:

– Phương án 1: Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng từ trên 3% đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được quyền tăng. Dưới mức 3% không được tăng. Mức tăng giá không vượt quá 50% của mức tăng giá cơ sở. Thời gian giữa hai lần tăng giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày.

Nếu giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng theo quy định kể trên, nhưng phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý về việc tăng giá bán lẻ cao hơn mức quy định và đợi sự chấp thuận được phép hay không sau 3 ngày. Sau ba lần tăng giá liên tiếp mà mức tăng giá cơ sở vẫn cao hơn 12% so với giá bán lẻ, Chính phủ sẽ thực hiện bình ổn giá.

Mức giảm giá tương tự. Theo đó, nếu giá cơ sở giảm từ 3% đến 12% thì doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ (mức giảm không thấp hơn 50% mức giảm giá cơ sở và thời gian giữa hai lần giảm liên tiếp là 10 ngày). Nếu giá cơ sở giảm tiếp mức trên 12% thì không hạn chế mức giảm và thời gian giảm, số lần giảm.

Bộ Tài chính đánh giá phương án này có ưu điểm là giữ giá cả tương đối ổn định, nếu giá vốn có biến động tăng thì mức độ điều chỉnh cũng tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là Nhà nước vẫn phải can thiệp bằng hành chính (giá vốn tăng 3% thì doanh nghiệp vẫn phải giữ bình ổn giá và nếu giá vốn tăng 3% trong thời gian dài mà không được điều chỉnh thì doanh nghiệp vẫn lỗ nhiều).

Công thức tính giá xăng dầu cơ sở được đề ra để hình thành giá bán lẻ bao gồm: giá CIF (giá xăng dầu thế giới thành phẩm theo công bố của tờ Plalt’s Singapore hàng ngày được tính theo bình quân của số ngày dự trữ lưu thông theo quy định hiện hành là 30 ngày, cộng chi phí phát sinh đưa xăng dầu về đến cảng Việt Nam như chi phí bảo hiểm, vận chuyển…) cộng với thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhân với tỷ giá ngoại tệ, cộng chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trước thuế, cộng với thuế giá trị gia tăng và phí xăng dầu, cộng với mức trích quỹ bình ổn giá và các loại thuế, phí, các khoản trích nộp khác theo quy định pháp luật hiện hành.

– Phương án 2: Doanh nghiệp được chủ động  điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 10%. Nếu tăng trên 10% đến 15% thì chỉ được phép điều chỉnh giá tăng 60% của mức giá vốn tăng trên 10% đến 15%. Sau khi điều chỉnh giá, 40% còn lại của mức giá vốn tăng được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá (trích từ khoản doanh thu trước thuế thu nhập doanh nghiệp thu được từ giá bán lẻ).

Nếu giá cơ sở tăng trên 15% so với giá bán lẻ hiện hành, Nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Việc điều chỉnh giám giá theo phương án này không hạn chế về tần suất, mức độ và thời gian.

Bộ Tài chính nhận định với phương án này, cơ chế và quy trình điều hành giá được công bố công khai, minh bạch, tạo chủ động cho doanh nghiệp trong việc tăng và giảm đồng thời phân định được rạch ròi sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước trong trường hợp có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là biên độ cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá đến 10% dễ gây bất ổn thị trường.

– Phương án 3: Doanh nghiệp được phép chủ động điều chỉnh giá đến 7%. Trên mức này (từ 7% đến 12% ) thì điều chỉnh có mức độ, không quá 60% của mức giá vốn tăng trên 7% đến 12%. 40% còn lại của giá vốn tăng thì dùng Quỹ bình ổn giá bù đắp. Cao hơn các mức nói trên Nhà nước sẽ can thiệp. Mức giảm giá không hạn chế và khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá tối thiểu 20 ngày.

Trong văn bản đưa ra về các phương án điều hành, Bộ Tài chính công khai ủng hộ phương án 3 vì cho rằng phù hợp trong tình hình hiện nay. Theo bộ này thì tần suất điều chỉnh không dày, cơ chế, quy trình công khai, minh bạch và chủ động cho doanh nghiệp, phân định rạch ròi sự can thiệp của Nhà nước so với hai phương án 1 và 2.

Trong cuộc trao đổi bên lề với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Vũ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng với tư cách liên ngành, Bộ Công Thương sẽ bảo vệ đến cùng phương án 1 vì phương án này quy định mức tăng, giảm vừa phải, có sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, ông cho biết là qua tham khảo, các doanh nghiệp kinh doanh nghiêng về phương án 2 vì được chủ động điều chỉnh giá đến 10%.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu (Petrolimex) công khai mong muốn được điều hành theo phương án 3, với mức điều chỉnh khá chủ động cho doanh nghiệp đến 12%. Ông Bảo cho rằng với phương án 1 thì Nhà nước còn can thiệp quá nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết chưa chắc chắn khi nào Chính phủ sẽ thông qua Nghị định sửa đổi về phương án điều hành mới. Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong cuộc tranh luận ít thống nhất của các nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia, vẫn tiếp tục kêu gọi sáng kiến của các cá nhân, đơn vị đóng góp cho cơ chế điều hành giá mới.

Bản dự thảo sửa đổi trình Chính phủ thì đưa ra quy định điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu theo phương án 1 mà Bộ Công Thương đề xuất, được Bộ Tài chính đưa vào làm một trong ba phương án để lựa chọn tranh luận. Mức giảm giá cũng theo phương án này. Tuy nhiên, dự thảo đã không đề ra được mức chế tài cụ thể đối với doanh nghiệp trong trường hợp cố tính chậm giảm giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới