Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bắc Giang lập phương án để không thiếu nhân công thu hoạch vải thiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bắc Giang lập phương án để không thiếu nhân công thu hoạch vải thiều

Nam Bình

(KTSG Online) – Trước tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu lao động phổ thông tham gia vào các công đoạn thu hoạch vải thiều. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho rằng sẽ đảm bảo đủ nhân công cho vùng vải.

Trong thông cáo báo chí gởi các cơ quan truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, sáng 26-5, UBND tỉnh đã tổ chức lễ xuất hành lô vải chín sớm của huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản. Lô vải 20 tấn này sẽ được đưa về sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không.

Trước đó, trong vòng một tháng qua, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, ngành nông nghiệp tỉnh này đã vạch ra các phương án tiêu thụ vải thiều trong điều kiện thị trường khó khăn hơn các năm trước.

Bắc Giang lập phương án để không thiếu nhân công thu hoạch vải thiều
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra lô vải trước khi lô hàng khởi hành xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: BTC cung cấp.

Hai huyện Tân Yên và Lục Ngạn (vùng trồng vải chính của tỉnh Bắc Giang) được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sạch, an toàn trước dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc xảy ra một số vấn đề như thiếu nhân công lao động, các phương tiện vận chuyển khó khăn, kéo dài thời gian khi qua các tỉnh… cũng đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết dịch bệnh đã khiến các kế hoạch thu hoạch, xử lý rồi đóng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu nhân công.

Thông thường, hằng năm khi vào mùa vải, lao động tự do từ các địa phương lân cận đổ về Bắc Giang, tham gia vào hoạt động thu hoạch vải như vận chuyển, bốc xếp, khuân vác… Ngoài ra, học sinh, sinh viên khi nghỉ hè cũng được khuyến khích tham gia phụ giúp gia đình hoặc đi làm thêm, trải nghiệm…

Thế nhưng năm nay, do lo ngại dịch Covid-19 cũng như các lệnh hạn chế tập trung của chính quyền nên người lao động các huyện trong tỉnh Bắc Giang cũng như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh… không đến Tân Yên, Lục Ngạn được, dẫn đến thiếu nhân công thực hiện các công việc như sản xuất đá cây, thùng xốp hay khuân vác, xếp hàng. Thậm chí nhiều vườn còn thiếu cả lao động thu hái vải.

Về vấn đề này, trao đổi với KTSG Online qua điện thoại, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết, để đảm bảo sản xuất và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sở đã lên phương án hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thu hoạch nông sản kịp thời.

Theo đó, sở sẽ tạo điều kiện cho lao động ở nơi không có dịch mà có xét nghiệm âm tính vào vùng trồng vải để bổ sung nhân lực, kêu gọi nông dân ở vùng vải chín muộn hỗ trợ thu hoạch cho bà con vùng chín sớm và ngược lại…

Hiện tỉnh Bắc Giang đã lập các chốt kiểm soát xung quanh vùng vải, đồng thời, tổ chức xét nghiệm miễn phí cho lao động muốn đến Bắc Giang làm việc tại các vùng vải trong thời gian này.

“Chúng tôi sẽ kêu gọi, huy động lao động ở các xã không có trồng vải, hoặc vùng vải chín muốn đến hỗ trợ bà con có vải chín sớm thu hoạch trước, như đổi công cho nhau. Nhưng trên hết, việc chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu. Khi dập được dịch thì các hoạt động khác sẽ trở về bình thường”, ông Tùng nói.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng tiến hành hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản đảm bảo an toàn dịch bệnh như sử dụng bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, phun khử khuẩn cho các dụng cụ lao động…

Riêng đối với vùng phải cách ly xã hội, sẽ có phương án huy động lực lượng quân đội, lực lượng tình nguyện (đã được xét nghiệm Covid -19 âm tính) để tham gia hỗ trợ việc thu hoạch, đóng gói và vận chuyển hàng hóa để tiêu thụ cho nông dân.

Địa phương này cũng sẵn sàng chuẩn bị các điểm tập kết hàng hóa, hướng dẫn các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa phương để tiêu thụ nông sản như phun khử khuẩn xe, hàng hóa, khai báo ý tế theo quy định.

Trường hợp lái xe vùng khác không vào được sẽ có phương án đổi lái xe tại các chốt kiểm tra y tế hoặc bố trí địa điểm, lực lượng để bốc xếp hàng hóa lên xe cho phù hợp, có phương án phân luồng giao thông và thông tin rộng rãi, hướng dẫn cho lái xe đến vận chuyển tiêu thụ nông sản kịp thời.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, vụ vải năm 2021, sản lượng vải thiều của tỉnh ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020.

Từ đầu vụ đến nay, giá vải thiều bình quân cao và ổn định trong khi thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, từ năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu quả vải thiều tươi sang thị trường Nhật Bản. Đây là thị trường mới, có tiềm năng phát triển.

Hiện, Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng với 219 ha, sản lượng ước 1.800 tấn đủ các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tỉnh đã xây dựng được một cơ sở xông hơi, khử trùng, đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (có trụ sở tại huyện Lục Ngạn).

Kết quả phân tich các mẫu sản phẩm tại các mã số vùng trồng đều đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Nhật Bản. Đến nay đã có 5 doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Mời xem thêm:

15 tấn vải thiều Bắc Giang sẵn sàng lên đường sang Nhật Bản

Từ chuyện 'cứu' vải thiều Bắc Giang đến quy trình tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch

Bắc Giang ráo riết tìm kênh bán 120.000 tấn vải thiều Lục Ngạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới