Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bắc Kinh khó giữ cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ vì virus corona

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bắc Kinh khó giữ cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ vì virus corona

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Giới phân tích cho rằng với tình hình khủng hoảng virus corona ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc khó thực hiện cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ do nhu cầu trong nước suy giảm.

Bắc Kinh khó giữ cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ vì virus corona
Nhân viên của một nhà thuốc ở Vũ Hán mặc đồ bảo hộ kín mít khi phục vụ khách hàng. Ảnh: AFP

Theo thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 được ký vào giữa tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đồng ý mua thêm 200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm tới, bao gồm các mặt hàng năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp. Lúc đó, nhiều nhà phân tích đã nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có đủ khả năng mua số hàng hóa khổng lồ này hay không. Giờ đây, họ cho rằng, trong bối cảnh dịch virus Corona gây viêm phổi cấp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã lan ra mọi tỉnh thành và vùng tự trị ở Trung Quốc, khả năng Trung Quốc mua đủ số hàng hóa như đã cam kết với Mỹ càng xa vời hơn.

Nhu cầu mua hàng hóa Mỹ có thể bị gián đoạn

Dịch cúm Corona đã đẩy giá nhiều thương phẩm xuống thấp và khiến một khu vực lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc bị phong tỏa. Những diễn biến này có nguy cơ làm gián đoạn nhu cầu mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định đà lây lan nhanh của virus Corona tại Trung Quốc có thể kìm hãm khả năng tuân thủ cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ của Bắc Kinh trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.Khủng hoảng virus corona càng kéo dài, khả năng đáp ứng mục tiêu mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc càng yếu đi.

Dịch virus Corona đã tạo ra vết khuyết kinh tế và niềm tin ở một số khu vực tại Trung Quốc. Nó cũng sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho cỗ máy sản xuất công nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mối lo ngại nhu cầu của Trung Quốc suy yếu đã khiến giá bán giảm ở nhiều thương phẩm nằm trong danh sách hàng hóa mà Trung Quốc cam kết tăng mua từ Mỹ. Chẳng hạn, hôm 28-1, giá đậu nành trên thị trường tương lai ở Mỹ đã giảm vè mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, trong khi đó, giá ngô, lúa mì, dầu thô và dầu thực vật cũng đồng loạt lao dốc.

Ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhiều nhà phân tích đã hoài nghi về mục tiêu mua hàng hóa Mỹ với giá trị quá lớn của Trung Quốc. Họ cho rằng để hoàn thành mục tiêu đó, Trung Quốc phải sắp xếp lại các hoạt động thương mại (chẳng hạn giảm mua hàng hóa từ các nước khác) và phải chuẩn bị hệ thống nhà kho lưu trữ hàng hóa của Mỹ.

Nếu Trung Quốc đáp ứng mục tiêu nhập khẩu 32 tỉ đô la nông sản và 52,4 tỉ đô la hàng hóa năng lượng từ Mỹ trong 2 năm tới như đã cam kết, nước này sẽ phải mua với số lượng lớn hơn dự tính vì giá nhiều mặt hàng thương phẩm đang giảm.

Các thị trường ở Trung Quốc vẫn đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 2-2 sau khi Quốc Vụ viện Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ Tết vì lo ngại khó kiểm soát được virus Corona nếu công nhân sớm trở lại các thành phố để làm việc.

Việc các thị trường và các nhà máy đóng cửa trong thời gian dài hơn thường lệ chắc chắn sẽ làm trì trệ hoạt động mua sắm, có thể khiến sản lượng sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một báo cáo nghiên cứu mới công bố của Công ty Panjiva Research cũng nhận định Trung Quốc sẽ khó đáp ứng các mục tiêu tăng mua hàng hóa Mỹ nếu dịch virus Corona lan rộng và gây gián đoạn kéo dài đối với nhu cầu ở nước đông dân nhất thế giới.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, Trung Quốc cam kết tăng mua thêm 88,3% giá trị hàng hóa công nghiệp Mỹ trong năm 2021 so với năm 2017, Báo cáo của Panjiva Research cho biết hơn 450 nhà nhập khẩu Mỹ có có nhà cung cấp hoạt động ở tỉnh Hồ Bắc.

Giảm ưu tiên đối với thỏa thuận thương mại

Khi mà các quan chức Trung Quốc đang tối mặt tối mũi ứng phó dịch virus Corona, quy trình ban hành các chỉ thị yêu cầu mua hàng hóa Mỹ cũng sẽ chậm lại.

“Dịch virus Corona ở Trung Quốc chắc chắn gây cản trở cho các kế hoạch mua hàng hóa Mỹ, không chỉ ở khía cạnh logistics khi các hải cảng và các tuyến giao thông vận tải bị phong tỏa hoặc gián đoạn, mà còn ở góc độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách. Trung Quốc sẽ phải huy động hầu hết nguồn lực để ứng phó dịch virus Corona, vấn đề ưu tiên số một trong chương trình nghị sự của nước này hiện nay. Đối với Bắc Kinh, cuộc chiến thương mại với Mỹ chắc chắn tụt về mức ưu tiên số hai”, Nick Marro, nhà phân tích ở tổ chức phân tích và tư vấn kinh doanh The Economist Intelligence Unit (EIU), nói.

Đồng tình với nhận định trên, Scott Kennedy, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược  (Mỹ), cho rằng các nỗ lực đáp ứng cam kết trong thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ yếu đi khi Bắc Kinh tập trung quản lý vấn đề kinh tế và chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng virus Corona.

Trung Quốc đã cam kết mua thêm 77 tỉ đô la hàng hóa công nghiệp từ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021. Mục tiêu này đang trở nên khó khăn hơn giữa lúc dịch virus corona đang tác động tiêu cực đến hoạt động hoạt động mua sắm và ngành sản xuất ở Trung Quốc.

“Về khía cạnh thương mại, tôi cho rằng tác động tiêu cực lớn nhất sẽ xảy ra với các công ty có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Vũ Hán và các thành phố lân cận đang bị phong tỏa. Khi mà không có hàng hóa nào được phép rời khỏi các thành phố này sớm, chúng tôi dự báo tình hình gián đoạn sản xuất và trì hoãn thanh toán sẽ xảy ra ở một mức độ nào đó. Một số nhà sản xuất đặt các nhà máy ở Vũ Hán nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, Carlos Casanova, nhà kinh tế ở Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, nói.

Hôm 28-1, các nhà cung cấp của Appe ở Trung Quốc cảnh báo yêu cầu tăng sản lượng iPhone lên 10% trong năm nay có thể sẽ khó khăn vì các cơ sở sản xuất của họ nằm ở các tỉnh Hà Nam và Quảng Đông, những nơi đang bị dịch virus corona tấn công.

Thành phố Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông, cách Vũ Hán 1.000 km, là thành phố đầu tiên bên ngoài tỉnh Hồ Bắc áp dụng các biện phán hạn chế đi lại của người dân. Đây là một diễn biến quan trọng vì Sán Đầu là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc.

Một số chuyên gia chuỗi cung ứng nhận định lệnh hạn chế đi lại ở 15 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc có thể khiến một số nhà máy ở Trung Quốc ngưng hoạt động trong một thời gian dài và điều này càng gây khốn đốn cho nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới