Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bác sĩ gia đình ở trạm y tế vẫn gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bác sĩ gia đình ở trạm y tế vẫn gặp khó

Hoàng Nhung

(TBKTSG Online) – Các bác sĩ đang hoạt động tại các Phòng khám Bác sĩ gia đình ở các trạm y tế tại TPHCM cho biết, hiện nay mặc dù nhà nước thành lập ra các phòng khám bác sĩ gia đình nhưng cơ chế hoạt động còn khó khăn, ít bệnh nhân và chưa có cơ chế rõ ràng trong hoạt động khám chữa bệnh.

Bác sĩ gia đình ở trạm y tế vẫn gặp khó
Trẻ đang được chích ngừa tại tram y tế. Ảnh H.N

Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến cuối năm 2017, TPHCM có 191 trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình. Có 8 phòng khám Bác sĩ gia đình tại phòng khám đa khoa tư nhân; 19 bệnh viện quận huyện thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình; 17 phòng khám Bác sĩ gia đình tư nhân độc lập. Ngoài ra, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có một phòng khám phòng khám Bác sĩ gia đình hiện đại.

Ngày 17-4-2018, Sở Y tế TPHCM đã khởi động chương trình đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong thời gian tới Sở Y tế TPHCM sẽ lựa chọn thêm 4 trạm y tế (trạm y tế phường 11, quận 3; trạm y tế phường 10, quận 10; trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức; và trạm y tế Thạnh An, huyện Cần Giờ) để thí điểm hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.

Các trạm y tế này sẽ hoạt động theo ba nhóm: hoạt động dự phòng; hoạt động khám, chữa bệnh trong đó cần chú trọng và đẩy mạnh các bệnh không lây nhiễm; hoạt động quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn.

Mặc dù hiện nay, nhiều bác sĩ ở trạm y tế đã được đào tạo về chuyên môn bác sĩ gia đình, cơ sở vật chất ở nhiều trạm cũng khá đầy đủ: có máy siêu âm, máy chụp xquang… tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo ở trung tâm y tế dự phòng quận/huyện cũng như các trưởng trạm nhận định rằng bác sĩ gia đình có hoạt động hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách của nhà nước.

Lý do để các lãnh đạo này đưa ra là hiện nay người dân có bảo hiểm y tế chưa đến trạm y tế khám vì đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện quận/huyện. Nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình ở trạm là tầm soát và khám chữa các bệnh mãn tính không lây, nhưng thuốc tăng huyết áp được cấp cho bệnh nhân ở trạm y tế là thuốc thế hệ cũ, thuốc ở trên bệnh viện là thuốc thế hệ mới tốt hơn; các loại thuốc tiểu đường (insulin), tim mạch còn chưa có… Hiện nay, nhiều trạm y tế muốn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thông qua bệnh viện quận/huyện…

“Trong khi, bệnh viện quận/huyện không muốn cho trạm y tế phát triển vì cơ chế tự chủ tài chính hiện nay bệnh viện tự trả lương cho nhân viên. Hơn nữa, từ tháng 5-2018 các bệnh viện quận hạng 3 giá dịch vụ khám chữa bệnh từ 31.000 đồng/lượt khám, giảm còn 23.000 đồng/lượt khám. Nếu giảm bớt một nửa số bệnh nhân về trạm y tế khám và phát thuốc về thì bệnh viện sẽ “đói”. Xét kỹ về kinh tế y tế, việc hỗ trợ người khác khám chữa bệnh nhưng mình “đói” thì có ai đi hỗ trợ không?”, một lãnh đạo y tế dự phòng tại TPHCM cho biết.

Do đó, theo vị lãnh đạo này, nếu nhà nước không sáp nhập bệnh viện quận/huyện và y tế dự phòng thành một trung tâm y tế thì sẽ mâu thuẫn về nội bộ, mâu thuẫn về kinh tế. Bác sĩ gia đình ở trạm y tế khó phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới