Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài 4 – phần 1: Ai thèm đọc báo cáo tài chính làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài 4 – phần 1: Ai thèm đọc báo cáo tài chính làm gì?

(TBKTSG Online) – Có nhiều lý do để giới kinh doanh nước ta không thèm coi trọng kỹ năng đọc và phân tích báo cáo tài chính. Ai cũng biết sổ sách ghi vậy mà không phải vậy là chuyện phổ biến trong giới doanh nghiệp kể cả tư nhân và quốc doanh.

Hơn nữa, hiện vẫn còn nhiều yếu tố quyết định thành bại của công ty hơn là sức mạnh tài chính của nó. Những người không thuộc giới kinh doanh lại càng muốn tránh xa những bản báo cáo tài chính vì quan trọng nhất là công ty có chịu công bố báo cáo tài chính đâu mà đọc. Với những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, báo cáo chỉ một đường trong khi giá cổ phiếu diễn biến theo đường khác, không biết đâu mà lần.

Nói vậy, cũng phải thừa nhận một xu hướng lành mạnh đang ngày càng trở nên thắng thế trong kinh doanh ở nước ta. Doanh nghiệp tư nhân muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế đều phải minh bạch hóa sổ sách, chuẩn bị bản báo cáo một cách bài bản. Muốn liên doanh hay làm đại lý cho công ty nước ngoài cũng phải trình bản báo cáo tài chính. Công ty quốc doanh cũng phải lập báo cáo tài chính theo quy định của Nhà nước.

Riêng với người đọc không chuyên như chúng ta, những hiểu biết cơ bản về báo cáo tài chính cũng đôi lúc có lợi bất ngờ. Chẳng hạn, chúng ta hùn hạp vốn và giao chuyện kinh doanh cho bạn bè, cuối năm, ắt cũng phải đòi xem vài báo cáo tình hình kinh doanh chứ. Hoặc có người rủ hùn vốn, mở rộng một công ty đang hoạt động theo “quảng cáo” là rất có triển vọng, chúng ta cũng cần tỉnh táo xem qua các số liệu để đánh giá triển vọng này có thật không. Đơn giản nhất, khi đi xin việc làm, để biết chỗ làm chúng ta đang ngắm nghé có bền không, tốt nhất là đọc báo cáo tài chính của công ty ấy.

Chuẩn bị bản báo cáo tài chính, thường bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, là chuyện của kế toán. Tuy nhiên để phân tích được chúng, cũng cần phải biết qua một số nguyên tắc nhất định.

Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán, chụp lại tình trạng một công ty vào một thời điểm nào đó, thường là ngày cuối cùng trong năm, gồm hai cột: bên trái là Tài sản; bên phải là Nợ và Vốn. Nguyên tắc đầu tiên là cột tài sản luôn luôn phải bằng cột nợ cộng với vốn.

Tài sản = Nợ + Vốn

Giả thử một người bỏ ra 100 triệu thành lập công ty để kinh doanh đĩa CD, ngay lúc đó bảng cân đối kế toán của công ty này sẽ có hình thức như sau:

Tài sản                                                Nợ và Vốn

Tiền mặt                 100 triệu                 Vốn                   100 triệu

                              ________                                           ________

    Tổng                  100 triệu                          Tổng            100 triệu

Thấy 100 triệu không đủ vào đâu, anh ta bèn vay ngân hàng 50 triệu để mua dàn máy nghe nhạc cho khách thử đĩa giá 30 triệu, bảng cân đối kế toán của anh ta sẽ là:

Tài sản                                                            Nợ và vốn

Tiền mặt                                    120 triệu          Nợ ngân hàng                  50 triệu

Máy nghe nhạc                          30 triệu          Vốn                                 100 triệu

                                                  _______                                                 _______

                Tổng                          150 triệu                      Tổng                   150 triệu

Ở đây, chúng ta có thể rút ra một số điểm đáng nhớ. Thứ nhất, thấy một công ty thiếu tiền mặt, lâm vào cảnh khó khăn, đừng bao giờ lấy bảng cân đối kế toán của nó ra và tuyên bố: sao không lấy ít tiền vốn ra để trang trải! Nói vậy, dân tài chính sẽ biết ngay chúng ta là người không chuyên. Vốn ghi trên bảng cân đối kế toán nằm đó nhưng đâu có tồn tại, nó thể hiện bằng những mục trong cột tài sản ấy.

Thứ hai, nếu thấy trong bảng cân đối kế toán có mục “Lãi chưa phân phối” nằm trong mục vốn, đừng nghĩ công ty có thể thò tay lấy tiền từ mục này ra chi trả cho cổ đông. Cổ tức là lấy từ tiền mặt bên cột tài sản, lãi chưa phân phối ở cột nợ và vốn chỉ là con số kế toán. Dĩ nhiên khi dùng tiền mặt chi trả cổ tức, mục lãi chưa phân phối cũng giảm tương ứng để tổng hai cột phải luôn bằng nhau.

Bước tiếp theo trên con đường kinh doanh băng đĩa nhạc của anh chàng chúng ta đưa ra làm ví dụ là mua đĩa theo giá sỉ về bán lẻ. Giả thử sau khi anh ta mua 100 triệu tiền đĩa, bảng cân đối kế toán sẽ như thế này:

Tài sản                                                            Nợ và vốn

Tiền mặt                                   20 triệu             Nợ ngân hàng                50 triệu

Hàng trong kho                      100 triệu

Máy nghe nhạc                         30 triệu             Vốn                              100 triệu

                                              _______                                                 _______

            Tổng                           150 triệu                      Tổng                   150 triệu

Hôm sau, anh ta bán hết 10 triệu tiền đĩa, giá 12 triệu, lãi được 2 triệu. Bảng cân đối kế toán nếu lập lúc này sẽ như sau:

Tài sản                                                            Nợ và vốn

Tiền mặt                                   32 triệu             Nợ ngân hàng               50 triệu

Hàng trong kho                         90 triệu             Vốn                             100 triệu

Máy nghe nhạc                         30 triệu             Lãi để lại                      2 triệu

                                              _______                                                _______

            Tổng                           152 triệu                      Tổng                  152 triệu  

Thấy làm ăn có lãi, anh ta quyết định mua thêm 50 triệu tiền băng đĩa nhưng vì mua sỉ nên anh được gối đầu, 2 tháng nữa mới trả, vậy là có thêm một mục mới trong bảng cân đối kế toán của anh ta:

Tài sản                                                            Nợ

Tiền mặt                                   32 triệu             Nợ ngân hàng               50 triệu

Hàng trong kho                        140 triệu           Các khoản phải trả       50  

Máy nghe nhạc                          30 triệu             Vốn                            100 triệu

                                                                       Lãi để lại                         2 triệu

             Tổng                            202 triệu                       Tổng                202 triệu  

Giả thử hôm sau anh ta bán được 50 triệu tiền băng đĩa nhưng chưa lấy được tiền ngay vì … bán chịu, bảng cân đối kế toán có thêm mục “Các khoản phải thu”.

Tài sản                                                            Nợ

Tiền mặt                                   32 triệu             Nợ ngân hàng               50 triệu

Hàng trong kho                          90 triệu            Các khoản phải trả         50  

Các khoản phải thu                 50                    Vốn                             100 triệu

Máy nghe nhạc                         30 triệu             Lãi để lại                         2 triệu

                                              ________                                               _______

          Tổng                              202 triệu                       Tổng                 202 triệu

 

(Xin đón xem tiếp phần 2)

>> Bạn đọc nhấn vào đây để đọc các bài liên quan đã xuất bản trước đó  

CẨM NHUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới