Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài học từ “đập nước nhỏ” ở Thái Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài học từ “đập nước nhỏ” ở Thái Lan

Văn Nam

Bài học từ
Nhà máy sản xuất xi măng của Tập đoàn SCG (Thái Lan) trong rừng quốc gia tỉnh Lampang – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – “Bên trái nhà máy này là rừng trồng được 18 năm tuổi, còn bên tay phải nhà máy là rừng tự nhiên, các bạn thấy đó, giờ là mùa khô, nắng nóng miền Bắc Thái Lan đến cháy da nhưng cây rừng thì vẫn còn xanh tươi tốt”.

Ông Charoenchai, phụ trách sản xuất Nhà máy xi măng SCG giới thiệu với chúng tôi như vậy về nhà máy tọa lạc ngay trong rừng quốc gia Mae Sai Kham, tỉnh Lampang miền Bắc Thái Lan.

Xen lẫn trong những tán lá rừng xanh ngút ngàn, đây đó chúng tôi bắt gặp vài băng tải chuyền xi măng chạy băng trong tán cây rừng cao chừng 15-20 mét, cả những trạm nghiền, hệ thống xử lý nước thải, xử lý bụi và hệ thống thu hồi nhiệt thải phát điện, nhà nghỉ dành cho khách phương xa …, tất cả đều được bố trí rải rác trong khuôn viên gần 100 héc ta tại khu rừng quốc gia xanh mướt này.

Ở đây, tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng ầm ầm hay bụi bay mù mịt quanh nhà máy như người ta thường nghĩ về một nhà máy sản xuất xi măng.

Từ ý tưởng của nhà vua

Theo lời kể của ông Charoenchai, 18 năm trước, khi Tập đoàn SCG được Chính phủ Thái Lan trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy xi măng công suất 2,1 triệu tấn/năm này thì nơi đây còn là một cánh rừng hoang tàn bởi bàn tay tàn phá của người dân địa phương và cả những vụ cháy rừng với mật độ dày đặc quanh năm.

Có những ngày công nhân xây dựng nhà máy còn kiêm luôn cả vai trò lính cứu hỏa chữa cháy rừng. Thậm chí có trận cháy rừng dữ đội đến độ thiêu rụi luôn cả một chiếc xe chữa cháy đậu ở bìa rừng.

Ông Charoenchai cho rằng khi đó, nếu không sớm có giải pháp căn cơ thì một ngày nào đó, sự an toàn của nhà máy xi măng này cũng sẽ bị đe dọa bởi hỏa hoạn.

Đầu năm 2003, để hiện thực hóa ý tưởng “đập nước nhỏ” của nhà vua Thái Lan, SCG bắt đầu gần 200 nhân viên tình nguyện đến gõ cửa từng nhà trong các ngôi làng ở huyện Jae Hom và Mae Ta, tỉnh Lampang để thuyết phục người dân xây “đập nước nhỏ” (check dam). Ban đầu công việc rất khó khăn, nhưng dần dà nhiều người cũng chịu làm theo bởi cách làm đập khá đơn giản.

Chỉ cần dùng tre, cây bằng bắp chân đóng thành hai hàng với bề dày chừng 50 cm chặn ngang các dòng suối, lạch, sau đó nén chặt đất đá vào bên trong tạo tạo nên những con đập nhỏ len lỏi trong rừng nhằm làm giảm bớt sự xói mòn, giúp giữ nước cho cây rừng và giữ được độ ẩm nuôi dưỡng cây rừng đầu nguồn được lâu hơn. Sau mỗi 3-5 năm thì đập được gia cố lại một lần.  

Đến con số 50.000 đập nhỏ

Ông Charoenchai giới thiệu về một đập nước nhỏ trong rừng quanh nhà máy – Ảnh: Văn Nam

“Sau gần 10 năm triển khai chương trình đập nước nhỏ, đến nay người dân của 31 ngôi làng quanh khu vực này đã làm được hơn 49.000 con đập. Sang năm 2013, dự kiến SCG sẽ tổ chức sự kiện đánh dấu mốc 50.000 con đập nhỏ nhân kỷ niệm 100 năm thành lập của tập đoàn SCG”, ông Charoenchai cho hay.

Dẫn chúng tôi vào rừng để xem một “công trình” đập chắn nước do người dân địa phương tự làm, ông Charoenchai cho biết nhờ có hàng chục ngàn đập chắn nước nhỏ như thế này mà người dân bớt nỗi lo cháy rừng vào mùa khô. Nguồn nước dự trữ lại trên các đập cũng giúp người dân địa phương có đủ nước canh tác cho mùa khô, nạn phá rừng cũng giảm hẳn.

Ông Charoenchai thống kê nếu trước năm 1998 khu vực này từng xảy ra gần 230 vụ cháy rừng mỗi năm thì số vụ cháy rừng đã giảm xuống còn 6 vụ trong năm 2010 và giảm còn 2 vụ trong năm 2011.

Nguồn nước giữ độ ẩm trong rừng dồi dào cũng giúp thúc đẩy hệ sinh thái sinh sôi phát triển. Số loài chim đã tăng từ 78 loài trong năm 1992 lên 155 loài vào năm 2011, trong đó có 106 loài chim địa phương và 49 loài di trú.

Không như xưa, rừng phát triển xanh tốt trở lại cũng tạo nên nguồn thức ăn phong phú, nhiều dinh dưỡng cho người dân địa phương như nấm, rau cải và thảo dược. Dân làng có thể kiếm được 500 baht (tương đương 350.000 đồng Việt Nam) từ công việc hái nấm, lấy mật ong.

Với nguồn nước giữ lại, dân làng có nhiều sự lựa chọn hơn trong nghề nghiệp như trồng thảo dược, nông nghiệp, lúa giống và nhiều loại rau quả khác quanh năm. Nếu năm 1992 thống kê có đến 564 vụ phá rừng thì đến năm 2011 giảm xuống chỉ còn 15 vụ.

Một số dân làng còn cho khách du lịch thuê nhà ở theo hình thức homestay, ngay cả khuôn viên “nhà máy xi măng xanh” (green cement plant) của SCG tại tỉnh Lampang cũng đón tiếp gần 2.000 du khách, cộng đồng doanh nghiệp đến tham quan mỗi năm.

Giờ đây không chỉ riêng Lampang, chương trình bảo tồn nguồn nước “đập nước nhỏ” này đang được nhân rộng ra các địa phương khác như Chiengmai, Rayong, Saraburi, Prae, Kanchainaburi, Ratchaburi …  

Trông người mà ngẫm đến ta!

Giữa tháng 10-2012, một số tờ báo tại Việt Nam lên tiếng về chuyện chính quyền tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương cho giai đoạn 2 dự án xây dựng nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. Người dân địa phương bàng hoàng bởi nếu nhà máy triển khai sẽ có 365 héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng bị triệt hạ.

Người dân lo lắng nếu dự án triển khai sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người sinh sống ở hạ du bởi mực nước hồ Dầu Tiếng sẽ không còn duy trì trạng thái ban đầu như khi còn rừng.

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới