Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài học từ Hy Lạp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài học từ Hy Lạp

Nguyễn Văn Cường

(TBKTSG) – Với một đất nước có nền kinh tế thuộc hàng kém phát triển của châu Âu, từ cuối thế kỷ 20 các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã hy vọng được gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) để có cơ hội tăng trưởng nhanh. Để được vậy, Chính phủ Hy Lạp lúc bấy giờ đã lập những báo cáo kinh tế và tài chính sai lạc… để “tô hồng” cho khả năng của mình. Rồi họ cũng được thỏa mãn khi chính thức gia nhập EU vào năm 1981 với nhiều hỗ trợ của các nước thành viên trong khối.

Từ đấy, Chính phủ Hy Lạp đã vay những khoản nợ lớn của các nước EU giàu có khác nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tiếc thay số nợ vay đó lại được họ chi một cách vô tội vạ cho những công trình đồ sộ như tổ chức Thế vận hội 2004 với những phí tổn khổng lồ, kể cả mua sắm hệ thống tên lửa Patriot để bảo vệ an ninh; thoải mái cho người dân vay những khoản tiêu dùng thông qua ngân hàng mà không có cơ sở bảo đảm việc trả nợ… Rồi cả những khoản tiền lớn rơi vào túi các quan chức tham nhũng ở mọi cấp chính quyền. Trong khi đó, kế hoạch phát triển kinh tế của Hy Lạp lại tỏ ra kém cỏi, số nợ thực thì bị che giấu đến phân nửa nên mới dẫn đến nguy cơ vỡ nợ như bây giờ.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, để đảm bảo an toàn, tỷ lệ nợ công của các nước không nên quá 40% GDP. Nhìn lại Việt Nam, số nợ công đã tăng liên tục trong những năm qua và chiếm tới 51% GDP năm 2009 (con số này khác với con số 41,9% do Chính phủ công bố, mà lẽ ra phải cộng thêm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước bảo lãnh) và thâm hụt ngân sách tăng lên tới 9% GDP, vượt ngưỡng báo động đỏ (ở mức 5%). Trong khi đó, nguyên tắc cơ bản của việc quản lý nợ là nợ công hôm nay phải được trang trải bằng thặng dư ngân sách ngày mai.

Một điều đáng nói nữa là hiện nay lãi suất các khoản nợ công (kể cả trái phiếu) trong và ngoài nước của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines… Và sắp tới, lãi suất vay sẽ còn cao hơn nữa vì cái danh Việt Nam đã “thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp”, trong lúc hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp quốc doanh rất thấp.

Việc hăm hở đi vay nợ và tự hào vì “vay được nợ” mà không tính đúng hiệu quả kinh tế thường xảy ra ở một số nước đang phát triển: thấy người khác làm rồi chủ quan tưởng mình cũng sẽ làm được mà quên đi những yếu tố nội tại của chính mình. Trong những trường hợp như vậy, hậu quả xấu là có thể lường trước mà bài học từ Hy Lạp là một ví dụ còn đang nóng hổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới