Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài học vẫn còn nguyên giá trị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài học vẫn còn nguyên giá trị

Đỗ Xuân Trường

(TBKTSG) – Hiện nay các ngành, các cấp đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số sản phẩm quan trọng như than, điện, xăng dầu… Nội dung đang được bàn thảo sôi nổi và gấp rút là việc xác định mức nào là mức thị trường và lộ trình đưa giá lên các mức đó sao cho vừa đảm bảo “một số loại giá như giá than, giá điện theo cơ chế thị trường”, vừa phải làm sao đảm bảo cho lạm phát không được vượt quá chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua.

Mặc dù việc đưa giá lên mức thị trường là việc cần thực hiện trong tiến trình chuyển giá cả sang cơ chế thị trường, nhưng sẽ sai lầm nếu không xác định đúng nội dung chủ yếu cần thực hiện. Cơ chế thị trường đối với giá cả không phải được thể hiện chủ yếu ở mức giá mà là ở cơ chế hình thành các mức giá đó.

Về lý thuyết, chỉ có hai cơ chế hình thành giá, đó là sự ấn định của nhà nước và sự hình thành của thị trường. Thực ra, còn có một cơ chế hỗn hợp cả nhà nước và thị trường, theo đó, nhà nước điều tiết mức giá cả qua can thiệp gián tiếp vào cung, cầu, môi trường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… nhưng thị trường vẫn là lực lượng cuối cùng trực tiếp hình thành nên mức giá.

Khi giá các mặt hàng đã được đưa lên mức thị trường, không có nghĩa là giá cả sẽ ở mức đó vĩnh viễn, mà sẽ thay đổi, thậm chí ngay lập tức, theo diễn biến của thị trường. Khi đó ai sẽ là người hình thành các mức giá mới? Với cơ chế hình thành giá cả theo thị trường thì lực lượng hình thành nên mức giá đó sẽ phải là, và chỉ là thị trường.

Cốt lõi ở đây là môi trường cạnh tranh, trăm người bán, vạn người mua, trên cơ sở các mối tương tác giữa người bán và người mua, giữa những người bán và cả giữa những người tiêu dùng với nhau. Vì vậy, để chuyển giá cả sang cơ chế thị trường thì việc đưa giá lên mức thị trường không phải là việc quan trọng mà điều cốt lõi là việc xây dựng, thực thi, duy trì thị trường cạnh tranh. Nội dung này cần được bàn thảo và thực hiện trước hết. Đây không phải chỉ là bài học lý thuyết mà còn là bài học thực tế ở nước ta.

Một trong những nội dung chủ yếu nhất và được thực hiện trước nhất trong cải cách giá – lương – tiền vào những năm 1980 của thế kỷ trước ở nước ta cũng là đưa giá cả lên mức (phổ biến) trên thị trường. Những nguồn lực và sức lực lớn của quản lý kinh tế nhà nước đã được huy động tối đa để thực hiện nội dung này với khối lượng đồ sộ công việc tính toán, khảo sát, thăm dò, mô phỏng tác động liên ngành… Nhưng thực tế là thất bại và đổ vỡ.

Sau khi được điều chỉnh lên mức thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước về giá ở các cấp trung ương và địa phương ngay lập tức nhận được hàng loạt đề nghị “duyệt giá” với mức cao hơn từ cơ sở sản xuất kinh doanh. Và cứ thế, giá cả tiếp tục phi mã cùng với khối lượng đồ sộ hồ sơ “xin-cho” giá cả trong cơ quan quản lý nhà nước, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương.

Dĩ nhiên thất bại này không chỉ xuất phát từ những vấn đề riêng của giá cả nhưng việc thuần túy chỉ đưa giá cả lên mức thị trường mà không có một cơ chế mới cho việc hình thành giá cả, trong tổng thể một cơ chế kinh tế mới, mới chính là nguyên nhân thất bại. Thực tế đã chứng minh điều đó.

Vào các năm cuối của thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, công cuộc cải cách giá đã thu được thắng lợi, có thể nói là bất ngờ, khi chúng ta thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, với nội dung cốt lõi là phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát huy tính tự chủ, mở rộng sản xuất, mở rộng khoán trong nông nghiệp, bỏ ngăn sông cấm chợ… và quan trọng nhất là phát triển thị trường cạnh tranh. Bài học tuy cũ nhưng dường như còn nguyên giá trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới