Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài toán cân não của xuất khẩu vàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán cân não của xuất khẩu vàng

Hải Lý

(TBKTSG) – Không nên nhìn nhận xuất khẩu vàng đơn thuần như một phương tiện cân bằng cán cân thương mại tạm thời, mà phải xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn một cách phù hợp.

Thâm hụt thương mại tháng 6-2011 được điều chỉnh xuống 160 triệu đô la Mỹ từ mức 400 triệu đô la Mỹ công bố trước đó của Bộ Công Thương, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Đây là mức thâm hụt thấp nhất của một tháng kể từ tháng 8-2005. Sự tụt giảm này là nhờ xuất khẩu vàng. Nếu không tính xuất vàng, mức thâm hụt của tháng 6 tới 963 triệu đô la Mỹ. Như vậy tháng 6 chỉ riêng xuất khẩu vàng đạt hơn 800 triệu đô la Mỹ.

Đang có những dự báo kim ngạch xuất khẩu vàng tháng 7 cũng ngang ngửa tháng 6, thậm chí có thể cao hơn bởi khi giá vàng trong nước vượt qua mốc 39 triệu đồng/lượng, người dân đã đổ xô mang vàng đi bán, lấy tiền gửi tiết kiệm. Ngày 19-7, khi giá vàng thế giới lập kỷ lục mới ở 1.606 đô la Mỹ/ounce, giá vàng nội địa nhích lên 39,48-39,58 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), lượng người bán bớt lại.

Người có vàng bắt đầu nghe ngóng, hy vọng giá vàng còn lên nữa. Trong khi đó, số người bỏ tiền đầu tư vàng lúc này khá hiếm hoi. Người mua chủ yếu là các công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý và họ mua để xuất khẩu. Giá trong nước biến động tỷ lệ thuận theo giá quốc tế, nhưng luôn giữ khoảng cách chênh lệch thấp nhất cũng 400.000 đồng/lượng, đảm bảo cho các cơ sở xuất khẩu vàng có lời.

Tuần trước khi giá vàng còn giao dịch xung quanh mốc 38,5 triệu đồng/lượng, khoảng 300 triệu đô la Mỹ vàng đã được xuất dưới dạng nữ trang. Việc chế tác vàng miếng thành nữ trang đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (có họa tiết, nặng dưới một ounce, chất lượng dưới hai số chín) đòi hỏi thời gian và vô tình đã có lợi cho người bán vì suốt hai tuần qua giá vàng thế giới tăng liên tục, ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước. Đã có tổ chức trường vốn, mua vàng trong nước, gia công sẵn và tạm giữ, đợi giá cao mới xuất. Họ đang thắng lớn.

Diễn biến trên thị trường vàng gần đây cho thấy xuất khẩu vàng chỉ sôi động khi giá thế giới tăng cao. Trong trường hợp giá vàng quốc tế giảm trở lại, giá trong nước giảm theo nhưng tốc độ giảm chậm hơn hẳn, dẫn đến nhiều thời điểm giá quốc tế thấp hơn giá nội địa và xuất vàng tất yếu không xảy ra. Tuy nhiên, khác với trước đây, vàng nhập lậu đã yếu hẳn dù giá trong nước cao hơn quốc tế. Người dân mua vàng ít hơn ở những thời điểm giá xuống, nhưng lại cao hơn giá thế giới. Nghịch lý này vô hình trung đã làm nhu cầu tích trữ vàng trong dân giảm đi. Nhiều người thay vì mua lại số vàng đã bán ở mức giá cao, kiên trì gửi tiết kiệm.

Việc xuất khẩu vàng có nhận được sự đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước? Ngân hàng Nhà nước đã không có bất cứ tuyên bố trực tiếp nào về việc xuất vàng dưới dạng nữ trang. Còn theo quy định do Bộ Tài chính ban hành, việc xuất vàng thành phẩm có hàm lượng bốn số chín phải chịu thuế suất 10%. Với mức thuế ấy, không có doanh nghiệp xuất nào có lời, nên nữ trang xuất đều phải chế tác để có hàm lượng vàng thấp bằng cách pha thêm bạc hoặc một số nguyên liệu khác.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu vàng đang hỗ trợ tích cực cho cung cầu thị trường hối đoái và giúp giảm thâm hụt thương mại. Tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối được cải thiện rõ ràng là một điểm cộng cho kinh tế vĩ mô. Ở bình diện quốc gia, mấy năm trước Việt Nam nhập vàng giá thấp, nay xuất vàng giá cao, có lợi và cái lợi này trước hết thuộc về người dân, những người đầu tư vào vàng. Hơn nữa, lượng vàng dự trữ trong dân được dự đoán tới 500 tấn và việc xuất một phần của số dự trữ này thực chất là huy động nguồn lực trong dân cho nền kinh tế.

Vấn đề còn lại là kênh đầu tư vàng nội địa sẽ như thế nào trong sự biến động của giá vàng quốc tế? Một khi giá vàng quốc tế tăng mạnh hay giảm mạnh đều có thể tác động đến tâm lý người dân. Không nghi ngờ nếu giá vàng về lại mức 36-37 triệu đồng/lượng, một bộ phận người dân có thể mua vàng như phương tiện tích trữ.

Ngoài ra, nếu lãi suất tiết kiệm giảm xuống, chẳng hạn từ 14% hiện nay xuống 12% hoặc 10%/năm cũng có thể làm dịch chuyển dòng vốn từ tiền đồng sang vàng. Một cách khách quan, cho dù giá trị của đồng tiền Việt đã ổn định và có phần lấn lướt đô la Mỹ suốt ba tháng qua – khoảng thời gian yên bình kéo dài khá hiếm hoi của tỷ giá trong nhiều năm trở lại đây – đồng nội tệ không phải đã vượt qua được mọi thử thách.

Mặt khác, hiện tại độ hấp dẫn của việc nắm giữ vàng đã ít nhiều loãng ra do tỷ giá ổn định. Từ tháng 4-2011 trở về trước, giá vàng trong nước biến động phụ thuộc vào giá thế giới và tỷ giá tiền đồng – đô la Mỹ. Nghĩa là nắm giữ vàng bảo toàn được vốn so với cả tiền đồng và ngoại tệ. Nay yếu tố thứ hai là tỷ giá đã bị loại trừ. Chưa kể nếu đồng Việt Nam lên giá so với đô la Mỹ, giá vàng nội địa cũng giảm, bất chấp giá thế giới đứng yên. Cho nên giữ vàng hay tiền đồng là bài toán hóc búa đối với nhiều nhà đầu tư bây giờ.

Mối quan hệ vàng – ngoại tệ – tiền đồng đồng thời là bài toán cân não cho các nhà hoạch định chính sách. Mục tiêu tối cao trong dài hạn cho lời giải của bài toán là giá trị đồng Việt Nam. Do đó không nên nhìn nhận xuất khẩu vàng đơn thuần như một phương tiện cân bằng cán cân thương mại tạm thời, mà phải xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn một cách phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới