Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài toán khó cho BoJ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán khó cho BoJ

Phan Dũng Khánh (*)

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở Tokyo.

(TBKTSG) – Ngày 17-3-2010, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ thông báo tăng cường việc nới lỏng tiền tệ nhằm chống lại nguy cơ giảm phát đang đe dọa nền kinh tế bằng cách gia tăng cho các ngân hàng thương mại vay. Theo đó, BoJ đã tăng gấp đôi chương trình tín dụng ngắn hạn từ 10.000 tỉ yen lên 20.000 tỉ yen (tương đương 222 tỉ đô la Mỹ), trong đó một nửa sẽ được đưa vào hệ thống ngân hàng thương mại Nhật ngay trong tháng 4. Đồng thời BoJ sẽ tiếp tục giữ lãi suất đồng yen ở mức siêu thấp là 0,1%.

Về lý thuyết khi ngân hàng trung ương một quốc gia thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, “bơm” tiền ra lưu thông làm tăng cung tiền tệ sẽ góp phần giảm giá trị của đồng tiền đó. Tuy nhiên, với đồng yen thì những biện pháp trên lại có tác dụng ngược lại.

Một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này đó chính là hoạt động “carry trade” đồng yen ngày càng gia tăng.

Carry trade là gì?

Carry trade là việc giới đầu cơ tiền tệ vay đồng tiền có lãi suất thấp để mua một sản phẩm tài chính khác bằng đồng tiền khác, có lãi suất cao hơn. Người đầu cơ hưởng được lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất này.

Ví dụ trên thị trường ngoại hối, người đầu cơ vay yen với lãi suất 2,5% để mua đồng euro trong khi mức lãi suất của đồng tiền này là 5,5%. Như vậy nếu tỷ giá euro/yen trong suốt kỳ hạn cho vay không thay đổi thì đến lúc đáo hạn người đầu cơ sẽ lãnh lãi suất euro 5,5%. Sau đó người đầu cơ bán euro để mua lại đồng yen trả cho người cho vay đồng thời trả lãi vay là 2,5% Như vậy người đầu cơ đã có một khoản lợi nhuận tương ứng với 3 điểm phần trăm lãi suất mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền.

Mức lợi nhuận còn có thể tăng gấp nhiều lần nếu người kinh doanh carry trade sử dụng thêm đòn bẩy tài chính. Nếu tỷ lệ đòn bẩy sử dụng là 1:10 thì lợi nhuận đối với cặp euro/yen sẽ tăng lên gấp 10 lần là 30%.

Tại sao mức độ hoạt động carry trade đồng yen cao?

Là một trong những đồng tiền có lãi suất thấp nhất thế giới, hiện ở mức 0,1%, đồng thời là một trong bốn đồng tiền được các quốc gia sử dụng làm dự trữ ngoại hối nhiều nhất (đứng thứ ba trên thế giới sau đô la Mỹ và euro) và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) nên đồng yen có tính thanh khoản rất cao.

Ngoài ra, do rủi ro lớn nhất mà carry trade gặp phải là sự biến động tỷ giá nên giới đầu cơ phải tăng tần suất giao dịch để giảm thiểu rủi ro gián tiếp tăng nhu cầu yen trên thị trường, góp phần thúc đẩy đồng tiền này tăng giá.

Đơn cử nếu tỷ giá đồng yen với một đồng tiền có lãi suất cao hơn biến động theo hướng có lợi thì người đầu cơ sẽ vừa được hưởng chênh lệch lãi suất cộng với việc được lợi từ tỷ giá. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại thì việc tỷ giá biến động mạnh sẽ khiến họ gặp rủi ro lớn, phần lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất sẽ không bù đắp nổi phần thua lỗ do tỷ giá gây ra. Người đầu cơ còn có thể mất toàn bộ số tiền đặt cọc nếu sử dụng thêm đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận. Bởi thế, để giảm thiểu rủi ro này, những người đầu cơ thường mua bán ở khung thời gian hẹp hơn.

Thời gian giao dịch càng nhỏ thì nguy cơ rủi ro biến động tỷ giá càng giảm nhưng lợi nhuận cũng giảm theo do lãi suất phải chia cho kỳ hạn ngắn hơn.

Để khắc phục việc lợi nhuận giảm, người đầu cơ sẽ tăng lượng tiền và tăng mức độ đòn bẩy cao hơn để bù đắp lợi nhuận. Ngoài ra, họ cũng tăng cường tần suất giao dịch để liên tục sinh ra lợi nhuận. Việc gia tăng tần suất giao dịch sẽ làm gia tăng nhu cầu đồng yen và giúp nó tăng giá.

Tác động của chính sách tiền tệ BoJ đến nền kinh tế toàn cầu

Hoạt động carry trade trên thị trường tài chính góp phần tạo ra thanh khoản rất lớn cho các sản phẩm tài chính, giúp cho thị trường luôn diễn biến sôi động, đầy kịch tính. Tuy nhiên, hoạt động carry trade cũng làm méo mó thị trường khi các sản phẩm tài chính bị đầu cơ quá mức sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế.

Khi đồng yen tăng giá sẽ làm hàng hóa Nhật mất sức cạnh tranh so với các quốc gia khác và gây thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật. Chẳng hạn cuối năm 2008 hãng Toyota do bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã dự kiến mức lỗ là 1,7 tỉ đô la. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính 2008-2009 (ở Nhật năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3) mức lỗ của Toyota tăng vọt lên 4,4 tỉ đô la (tương ứng 437 tỉ yen). Nguyên nhân có một phần rất lớn từ việc đồng yen tăng giá.

Là một trong bốn đồng tiền dự trữ ngoại hối lớn nhất đồng thời kinh tế Nhật là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên việc đồng yen tăng giá ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Bởi tỷ giá các đồng tiền khác sẽ biến động mạnh theo đồng yen, gây tác động đến tình hình xuất nhập khẩu, làm lệch cán cân thương mại của Nhật và phần còn lại của thế giới.

Động thái lần này của Nhật khác hẳn so với các nước phát triển khác. Trong giai đoạn này các ngân hàng trung ương trên thế giới chỉ nghiên cứu biện pháp rút lại các gói kích cầu đã được đưa ra trong thời gian khủng hoảng, hạn chế bớt lượng tiền thừa trong hệ thống ngân hàng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 15-3 cho biết sẽ sớm kết thúc một chương trình mua chứng khoán thế chấp ngay trong tháng 3.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, Nhật sẽ không sớm thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới ngay cả khi kinh tế Nhật đang phục hồi, tăng trưởng liền trong ba quí gần nhất nhưng giá cả vẫn sụt giảm. Giá cả tiêu dùng giảm tháng thứ 11 liên tiếp, tín dụng ngân hàng cũng đi xuống tháng thứ 3 liên tiếp do nhu cầu tín dụng yếu.

Đối với các quốc gia khác, thông thường chỉ dám nới lỏng tiền tệ trong thời gian ngắn và nếu có duy trì lâu một chút sẽ bị các nước khác “có ý kiến” ngay. Đơn cử như gói kích cầu của Mỹ trong hai năm qua luôn bị các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc “kêu ca” Mỹ “in” tiền vì họ lo sợ đô la Mỹ giảm giá trị (làm tài sản của họ giảm đi do đồng tiền này chiếm tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối của hầu hết các nước). Tuy nhiên, việc Nhật liên tục nới lỏng tiền tệ lại không bị phản ứng gì là do hoạt động carry trade làm gia tăng nhu cầu đồng yen khiến đồng tiền này tăng giá nên nếu không có những biện pháp nới lỏng thì nó sẽ còn tăng giá “chóng mặt” hơn.

Tại sao nhu cầu tín dụng yếu nhưng BoJ vẫn tiếp tục mở rộng nới lỏng tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng bằng chương trình tín dụng ngắn hạn trị giá 20.000 tỉ yen. Bởi vì ngoài việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, BoJ còn phải chống lại giới đầu cơ trong hoạt động carry trade đồng tiền này.

BoJ và cuộc chiến tranh tiền tệ với giới đầu cơ đồng yen

Kể từ năm 1975, BoJ đã có rất nhiều biện pháp để làm giảm giá trị của đồng yen để hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng loạt các chính sách nới lỏng tiền tệ, liên tục hạ lãi suất hay các biện pháp “bơm” tiền khác vẫn không làm hạ giá được đồng yen do giới đầu cơ đẩy mạnh hoạt động carry trade làm nhu cầu đồng yen gia tăng và thay vì giảm giá thì nó lại tăng giá rất mạnh. Trong 35 năm trở lại đây, lãi suất đồng yen đã liên tục hạ từ 9% xuống chỉ còn 0,1% (thậm chí có thời kỳ lãi suất bị âm, nghĩa là người gửi tiền còn phải chịu mất một khoản cho ngân hàng như là phí nhờ ngân hàng giữ tiền giùm) nhưng đồng yen vẫn tăng từ mức hơn 300 yen đổi 1 đô la Mỹ vào năm 1975 lên mức 90 yen đổi 1 đô la Mỹ.

Với “cuộc chiến” lần này, xem ra BoJ rất quyết tâm hạ giá đồng yen để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn là một ẩn số. Bởi vì BoJ chưa chắc đã muốn “chiến thắng” trong “cuộc chiến” này.

Tuy hoạt động carry trade gây hại cho nền kinh tế Nhật nhưng nó cũng đồng thời giúp thanh khoản của đồng yen ở mức cao kỷ lục và giúp BoJ “biến giấy thành tiền” từ hoạt động “in” tiền đưa ra lưu thông. Lượng đồng yen gia tăng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận đồng yen khi vay mượn và mua bán đồng tiền này càng thuận lợi cho hoạt động carry trade, giới đầu cơ carry trade càng dễ “hấp thụ” hết lượng cung tiền từ BoJ. Nhờ có lượng cầu lớn về đồng yen từ thị trường, carry trade đã giúp cho BoJ có thể áp dụng hình thức “biến tiền thành giấy” thông qua việc thu mua chứng từ có giá của các doanh nghiệp Nhật, góp phần tạo thanh khoản cho các doanh nghiệp này.

Với nhiều ưu thế như vậy cộng với việc nếu BoJ ngay lập tức muốn loại bỏ carry trade sẽ khiến giới đầu cơ không sử dụng đồng yen cho hoạt động này nữa mà chuyển sang các đồng tiền khác tương đương (ví dụ như lãi suất đồng đô la Singapore vừa mới được Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ Singapore – MAS hạ xuống 0,1%). Nếu điều này xảy ra thì đồng yen sẽ bị bán tháo và rõ ràng kết quả cũng không tốt đẹp gì cho nền kinh tế Nhật. Vì thế BoJ với những hành động thận trọng trong quá khứ sẽ không dễ dàng để điều đó xảy ra.

Tất cả các yếu tố trên cộng với “kinh nghiệm” carry trade đồng yen từ nhiều năm nay của giới đầu cơ cho thấy “truyền thống” này vẫn tiếp tục và khả năng giảm giá mạnh của đồng yen sẽ không đơn giản.

________________________________

(*) Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích Công ty cổ phần Kinh doanh đầu tư tài chính VTG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới