Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài toán khó của Trung Quốc, vừa chống dịch bệnh vừa tìm cách nối lại sản xuất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán khó của Trung Quốc, vừa chống dịch bệnh vừa tìm cách nối lại sản xuất

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó: phải duy trì cuộc chiến chống dịch virus corona chủng mới (Covid-19) gây viêm phổi cấp nhưng đồng thời phải tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất giữa lúc có nhiều lời kêu gọi ở các nước khác về việc cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước này.

Chính sách kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào ứng phó của Trung Quốc với Covid-19

Ngành chăn nuôi gia cầm Trung Quốc điêu đứng vì dịch corona

Bài toán khó của Trung Quốc, vừa chống dịch bệnh vừa tìm cách nối lại sản xuất
Một khu trung tâm thương mại vắng hoe ở TP. Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Nối lại sản xuất nhưng duy trì cảnh giác với dịch bệnh

Tại cuộc họp của Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 21-2, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng dịch Covid-19 vẫn chưa đạt đỉnh dù số ca nhiễm mới gần đây có suy giảm.

Ông nói: “Chúng ta phải nhìn nhận rõ rằng dịch bệnh chưa đạt đỉnh. Tình hình ở tỉnh Hồ Bắc và TP. Vũ Hán vẫn nghiêm trọng và phức tạp. Các biện pháp khống chế dịch bệnh phải ở các mức khác nhau vì tình hình dịch bệnh ở mỗi nơi khác nhau”.

Ông yêu cầu các quan chức phải duy trì tinh thần cảnh giác để khống chế dịch bệnh nhưng đồng thời phải bảo đảm nhiệm vụ nối lại hoạt động sản xuất đáp ứng mục tiêu kinh tế.

“Phải ưu tiên bảo đảm khôi phục sản xuất và nguồn cung, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng ở các công ty hàng đầu đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu… Cần phải hỗ trợ các công ty xuất khẩu quan trọng nối lại công việc kinh doanh và sản xuất càng sớm càng tốt”, ông cho biết.

Đồng thời ông kêu gọi quan chức ở tất cả các cấp phải hỗ trợ công nhân trở lại làm việc một cách có trật tự và bảo đảm nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế cho các công ty.

Ông nói các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa nghèo trong năm nay vẫn không thay đổi và Trung quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế.

Hàng loạt biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng ở Trung Quốc trong suốt một tháng qua, khiến nhiều thành phố bị phong tỏa và hoạt động sản xuất bị đình trệ trên khắp cả nước, làm dấy lên các hoài nghi về việc Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay.

Wang Wen, Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng quyết định bảo đảm hoạt động sản xuất ở các công ty trọng yếu là một sự lựa chọn chiến lược để cân bằng yêu cầu khống chế dịch bệnh với nhu cầu đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường.

Ông nói: “Vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu bị dịch Covid-19 ảnh hưởng nhưng không phải ở mức độ quá nghiêm trọng”.

Song nhà nghiên cứu Liu Xuezhi ở Ngân hàng Truyền thông (Trung Quốc) cảnh báo tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ làm dấy lên nguy cơ có thêm nhiều dây chuyền sản xuất rút khỏi nước này.

“Sự hội nhập sâu rộng của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu không phải bất di bất dịch. Thực tế cho thấy các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và năng lượng chịu nhiều sức ép do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trong hai năm qua”, Liu Xuezhi nói.

Ông cho rằng hoạt động sản xuất cần phải nhanh chóng nối lại trong ngành ô tô, điện tử và máy móc.

“Nếu tình trạng gián đoạn sản xuất kéo dài sang tháng 3 hoặc tháng 4, sự chuyển dịch các ngành công nghiệp sản xuất ra nước ngoài sẽ tăng tốc. Tác động của dịch Covid-19 thậm chí có thể lớn hơn tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ”, ông nhận định.

Giới doanh nghiệp phản ứng

Một cửa hàng bán mũ nón ế khách ở Bắc Kinh trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Getty

Các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế ở Trung Quốc cho rằng dù Trung Quốc cần phải nỗ dập tắt dịch Covid-19 nhưng một số biện pháp cách ly và phong tỏa đi lại đang gây tổn thương cho cuộc sống và kế sinh nhai của hàng triệu người dân nhưng không giúp ích nhiều cho nỗ lực khống chế dịch bệnh này.

Họ đặt câu hỏi: Liệu các biện pháp như cách ly bắt buộc 14 ngày, lập chốt kiểm soát và phong tỏa đường xá có cần được thực hiện khắp phần lớn đất nước như vậy không, đặc biệt là ở những tỉnh nằm xa Hồ Bắc và có số ca nhiễm khá ít?

Trong một bài viết được chia sẻ rộng rãi trên mạng trong tuần qua, James Liang, Chủ tịch Trip.com, hãng lữ hành trực tuyến khổng lồ ở Trung Quốc, cảnh báo nếu đất nước nghèo đi vì các biện pháp y tế khẩn cấp, điều này sẽ gây tổn thương hệ thống y tế công hơn dịch Covid-19.

Bắc Kinh đang tìm kiếm sự cân bằng khó khăn. Một mặt, chính phủ kêu gọi các quan chức khắp đất nước tiếp tục “cuộc chiến nhân dân”, theo cách gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình, để khống chế dịch Covid-19.

Mặt khác, chính phủ cũng kêu gọi đưa công nhân và nông dân trở lại làm việc đồng thời tiến hành các biện pháp hỗ trợ giới doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, đang nguy khốn. Theo cuộc khảo sát mới đây của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, 1/3 trong số 1.000 chủ doanh nghiệp nhỏ tham gia khảo sát, nói rằng họ sẽ cạn kiệt tiền mặt trong 4 tuần tới nếu tình hình kinh doanh tiếp tục đình trệ. 1/3 khác nói rằng họ sẽ không còn tiền mặt trong vòng hai tháng tới.

Các phương án lựa chọn của Trung Quốc sẽ rất rủi ro. Dữ liệu công bố hôm 20-2 cho thấy số ca nhiễm virus Covid-19 mới ở Trung Quốc giảm mạnh nhưng phần lớn sự sụt giảm đó là do thu hẹp định nghĩa ca nhiễm được xác nhận.

Giới chức y tế địa phương ở Trung Quốc cho rằng vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp khống chế dịch Covid-19.

“Chúng ta tích cực ủng hộ nối lại công việc và sản xuất một cách có trật tự nhưng chúng ta không thể buông lỏng cảnh giác dù mức nhỏ nhất”, người phát ngôn Ủy ban Y tế TP. Thượng Hải nói hôm 20-2.

Tuần trước, một nhóm nhà kinh tế Trung Quốc, chủ yếu đang làm việc ở Đại học Bắc Kinh và Công ty môi giới chứng khoán Huachuang Securities đăng bài xã luận trên một tạp chí kinh tế cho rằng nhiều khu vực của Trung Quốc có ít ca nhiễm nhưng áp dụng nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh thái quá, gây cản trở thông thương bình thường giữa các thành phố.

Họ viết: “Nếu tất cả các khu vực đều sử dụng biện pháp phong tỏa đi lại, họ có thể ngăn chặn virus Covid-19 nhưng họ cũng có thể phong tỏa nền kinh tế”.

Trong bài viết đăng trên mạng tuần trước, nhà kinh tế trưởng Lu Zhengwei ở Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc, nhận định không một doanh nghiệp hay một thành phố nào ở Trung Quốc có thể nối lại hoạt động bình thường vì mọi công ty và cộng đồng đều cần nguyên vật liệu và công nhân từ nơi khác.

Ông cho rằng cần phải đưa đời sống đô thị trở lại bình thường để giúp nền kinh tế phục hồi.

Nhưng nếu Trung Quốc nới lỏng quá nhanh các biện pháp giúp kiểm soát dịch Covid-19, điều này sẽ cho phép một lượng lớn người lao động ồ ạt trở lại các nhà máy và văn phòng, có thể khiến dịch bệnh lây lan mạnh trở lại, điều mà các lãnh đạo doanh nghiệp lẫn chính phủ Trung Quốc đều không muốn chứng kiến.

Công ty thương mại điện tử China Dangdang ở Bắc Kinh gặp cơn ác mộng trong tuần qua khi một nhân viên phát sốt hôm 18-2 và đến tối 19-2, kết quả xét nghiệm cho thấy người này dương tính với virus Covid-19.

Ngay lập tức, China Dangdang yêu cầu tất cả nhân viên phải làm việc tại nhà. Phương án làm việc tại nhà có thể là sự lựa chọn cho những công ty như China Dangdang nhưng không thể áp dụng cho các nhà sản xuất vì họ cần những người lao động trực tiếp ở nhà máy.

Theo NY Times, SCMP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới